Say đắm "đặc sản" đèn lồng phố cổ Hội An

Lam Linh
21:07 - 05/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Phố cổ Hội An luôn thu hút khách du lịch thập phương bởi nét đẹp lãng mạn, dịu dàng và cổ kính trường tồn cùng thời gian. Khác với ban ngày, đêm Hội An nổi bật với ánh sáng tỏa ra từ những chiếc đèn lồng, những ánh nến lung linh của chiếc đèn hoa đăng khiến du khách như lạc vào đêm hội hè xưa cũ.

Đèn lồng lung linh phố cổ Hội An - sắc màu đặc trưng của thương cảng quốc tế cổ xưa

Những chiếc đèn lồng rực rỡ đủ màu sắc, đa dạng về kiểu dáng giăng khắp phố phường, bến sông, đền chùa... từ lâu đã trở thành hình ảnh gắn liền với phố cổ Hội An. Người Hội An bao đời cũng tự hào về những chiếc đèn lồng bởi nó chính là một phần tạo nên hình thức, không gian và hồn cốt phố cổ Hội An - một vùng đất hiền hòa và thân thiện ẩn chứa nét duyên thầm.

Say đắm "đặc sản" đèn lồng phố cổ Hội An  - Ảnh 1.

Chiều hoàng hôn buông xuống, những ánh nắng cuối ngày tắt dần là lúc phố cổ Hội An "khoác lên mình" một hình thái mới, lung linh và huyền ảo với những ánh đèn lồng đủ màu sắc. Ảnh: Lam Linh

Bên cạnh đó, đèn lồng không chỉ trở thành biểu tượng độc đáo cho vẻ đẹp rực rỡ và quyến rũ của đô thị cổ mà đó còn là biểu tượng cho sự sáng tạo trong lao động của những nghệ nhân làm đèn lồng qua bao đời. Bởi lẽ, Hội An vốn được coi cái nôi của đèn lồng thuần Việt và quy trình để làm ra một chiếc đèn lồng hết sức công phu, đòi hỏi những người thợ phải có tay nghề, tâm huyết, tỉ mỉ thiết kế từng chi tiết sao cho sản phẩm thủ công mỹ nghệ này phải thật bắt mắt.

Trải qua hàng trăm năm, nghề làm đèn lồng Hội An đã trở thành một nét đặc trưng riêng của phố cổ và được vinh danh là một trong những vùng nghề truyền thống tiêu biểu của Việt Nam. 

Từ đây, đèn lồng tạo nên điểm nhấn cho du lịch Hội An. Đi dọc theo bờ sông Hoài trong khu phố cổ, du khách sẽ bị thu hút, thậm chí choáng ngợp, say lòng bởi những chiếc đèn lồng rực sáng được treo trong các ngôi nhà, tiệm đồ lưu niệm và các nhà hàng. Những ánh sáng đủ màu sắc từ những chiếc đèn lồng phát ra đã tô điểm cho thị cảng cổ Hội An thêm thơ mộng.

Những ánh sáng từ những chiếc đèn lồng nhiều màu tỏa ra trên nền vàng của những nếp nhà xưa cũ - Hội An khiến du khách mê mẩn với nét đẹp cổ kính thâm trầm, vẻ đẹp của một nơi được coi là biểu tượng kết nối giữa hiện tại và quá khứ. Ảnh: Lam Linh

Đèn lồng Hội An là một sản phẩm mang tầm văn hóa. Trong cuộc sống hiện đại, con người thường quen với "ánh điện cửa gương", nhưng khi tìm về Hội An để thưởng ngoạn đêm đèn lồng phố cổ, những nét đẹp xưa hoài niệm như ùa về. Mỗi chiếc đèn lồng như một lời kể về một thời đô thị, thương cảng quốc tế sầm uất, nơi gặp gỡ của những thuyền buôn Nhật Bản, Trung Quốc và các nước phương Tây, điểm kết nối quan trọng của con đường giao thương trên biển.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Hội An từng được xem là thương cảng quốc tế sầm uất bậc nhất và là nơi dừng chân của các thương lái đến từ nhiều nơi trên thế giới. Đây còn được ví như nơi giao thương của "con đường tơ lụa" trên biển và là nơi giao thoa của nhiều nền văn hóa khác nhau. Đèn lồng Hội An cũng được ra đời từ đây và tạo nên một sức hút khó cưỡng, gây ấn tượng mạnh với khách du lịch.
Say đắm "đặc sản" đèn lồng phố cổ Hội An  - Ảnh 4.

Những ánh đèn nhiều màu sắc, sáng rực một góc trời được treo trước những hiên nhà, tiệm ăn, quán cà phê là nét độc đáo chỉ có ở phố cổ Hội An vào mỗi tối. Ảnh: Lam Linh

Đèn lồng ở Hội An phong phú và đa dạng, được tạo hình theo nhiều mẫu mã, kiểu dáng, màu sắc, hoa văn…  Trên mỗi chiếc đèn lồng là những nét vẽ, đường thêu những chi tiết biểu tượng cho Việt Nam như: hoa sen, hoa mai, nhành trúc, chữ thư pháp hay các di tích văn hóa lịch sử.

Đèn lồng chịu được mưa, nắng và cả gió ở ngoài trời để toả sáng. Người dân xứ Quảng coi ánh đèn như là biểu tượng của con người. Vì vậy, đèn lồng Hội An không chỉ là món đồ chiếu sáng thuần tuý, mà nó còn là một phần của cuộc sống, là "đặc sản" văn hóa của cư dân phố Hội.

Thả đèn hoa đăng, ngắm đèn lồng rực rỡ ở phố cổ Hội An

Những chiếc đèn hoa đăng được bày bán dọc tuyến đường ven sông Hoài với giá 5.000 đồng/chiếc. Ảnh: Lam Linh

Khám phá Hội An về đêm, ngoài việc được trải nghiệm phố đèn lồng, du khách có thể đi thuyền du ngoạn trên dòng sông Hoài thơ mộng chảy trong lòng thành phố để tự tay thả những chiếc đèn hoa đăng nhỏ xinh, lung linh ánh nến xuống mặt nước.

Mức giá chèo thuyền thả hoa đăng là 150.000 đồng cho một chuyến chở từ 1-3 khách trong vòng khoảng 20 phút. Ngồi thuyền lênh đênh trên dòng sông Hoài tĩnh lặng là lúc bạn có thể thả hồn mình để tận hưởng không khí bình yên và thư thái ngắm nhìn vẻ đẹp của phố cổ lung linh sắc màu.

Say đắm "đặc sản" đèn lồng phố cổ Hội An  - Ảnh 6.

Một chiếc đèn hoa đăng lững lờ trôi trên dòng sông Hoài thơ mộng. Ảnh: Lam Linh

Say đắm "đặc sản" đèn lồng phố cổ Hội An  - Ảnh 7.

Sắc màu đa dạng từ những chiếc đèn lồng khiến du khách ngẩn ngơ trước một không gian phố Hội nên thơ. Ảnh: Lam Linh

Say đắm "đặc sản" đèn lồng phố cổ Hội An  - Ảnh 8.

Chèo thuyền và thả đèn hoa đăng là một trong những trải nghiệm thú vị, hấp dẫn và được nhiều khách du lịch thập phương yêu thích. Ảnh: Lam Linh

Say đắm "đặc sản" đèn lồng phố cổ Hội An  - Ảnh 9.

Hội An lung linh, huyền ảo trong đêm. Ảnh: Lam Linh

Phố cổ Hội An về đêm càng trở nên rực rỡ với ánh sáng muôn màu mang đến cảm giác nhẹ nhàng, lãng mạn cùng một chút cổ kính cho phố Hội. Ảnh: Lam Linh

Phố cổ Hội An là một đô thị cổ nằm ở hạ lưu sông Thu Bồn, thuộc vùng đồng bằng ven biển tỉnh Quảng Nam.

Thế kỷ XVI-XVII, sông Cổ Cò nối cảng Đà Nẵng với thương cảng Hội An, được ví như "con đường tơ lụa" để các thương nhân Nhật Bản và Trung Quốc ra vào, buôn bán giữa hai vùng.

Đây từng là tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất làm nên một thương cảng Hội An sầm uất, góp phần giao lưu kinh tế và văn hoá giữa nhiều quốc gia trên thế giới.

Bắt đầu từ thập niên 1980, những giá trị kiến trúc và văn hóa của thị cảng Hội An dần được giới học giả và cả du khách chú ý, khiến nơi đây trở thành một trong những điểm du lịch hấp dẫn của Việt Nam. Năm 1999, UNESCO đã công nhận khu phố cổ Hội An là Di sản Văn hóa Thế giới. Về di sản vật thể, Hội An sở hữu 1.360 di tích văn hóa - kiến trúc, trong đó có 1.068 nhà cổ, 11 giếng nước cổ, 38 nhà thờ tộc, 19 ngôi chùa, 43 miếu thờ thần, 23 ngôi đình, 44 ngôi mộ cổ loại đặc biệt và 1 cây cầu cổ.

Bình luận của bạn

Bình luận