Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)

Minh Châu
11:02 - 19/06/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tiếp tục Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 5, sáng 19/6/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) - một trong 10 dự án Luật được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5

Sáng nay (19/6), theo chương trình, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi).

Theo Cổng Thông tin điện tử Quốc hội, điều hành nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, trong đợt 2 của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội sẽ tiến hành họp liên tục từ ngày Thứ hai (19/6) đến hết ngày Thứ bảy (24/6). Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận về 10 dự án luật, xem xét, biểu quyết thông qua 8 luật, 11 Nghị quyết.

Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sáng 5/6, Quốc hội đã nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án luật này. Sau đó, Quốc hội đã thảo luận tại tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tổng Thư ký Quốc hội đã gửi báo cáo tổng hợp ý kiến tới các đại biểu Quốc hội, cơ quan chủ trì soạn thảo là Bộ Xây dựng đã có báo cáo dự kiến tiếp thu, giải trình gửi tới các đại biểu Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là dự án luật có nhiều nội dung phức tạp, có liên quan chặt chẽ với nhiều dự án luật khác về đất đai, đầu tư, đấu thầu… tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân, chính sách an sinh xã hội của Nhà nước. Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề trọng tâm trong dự án luật cũng như các vấn đề đại biểu quan tâm.

Ngay sau khi Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể ở hội trường, Bộ trưởng Bộ Xây dựng sẽ giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Chính sách về nhà ở xã hội cần có mục tiêu và định hướng rõ ràng hơn

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng cho rằng, chính sách về nhà ở xã hội là một trong 8 nhóm chính sách quan trọng trong lần sửa đổi luật lần này. Chính sách trên được thể hiện trong các quy định chung và Chương 6 của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Qua nghiên cứu, đại biểu nhận thấy chính sách này được thể hiện trong dự thảo chưa thực sự trúng và xử lý đúng vướng mắc từ thực tiễn.

Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) - Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Văn Hiển đề nghị chính sách về nhà ở xã hội cần hướng tới các mục tiêu rõ ràng và khả thi hơn, cụ thể cần tập trung vào mục tiêu cốt yếu của phát triển nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu có nơi ở phù hợp cho người dân, không phải là đáp ứng nhu cầu sở hữu nhà ở.

Với định hướng đó, nhà ở xã hội phải được điều chỉnh theo hướng tăng nhà ở cho thuê, nguồn hỗ trợ của ngân sách nhà nước được phân chia phù hợp cho cả ba bên: chủ đầu tư, cơ quan quản lý vận hành và người dân.

Bên cạnh đó, cần tách bạch giữa chính sách phát triển nhà ở xã hội với chính sách quản lý vận hành xã hội, tách bạch giữa đầu tư nhà giá rẻ để bán, để thuê mua với đầu tư nhà ở xã hội để cho thuê. Cần tách bạch giữa đầu tư và vận hành nhà ở xã hội, trong đó Nhà nước sớm hoàn thiện các quy định liên quan đến nhà ở xã hội cho thuê, tạo cơ sở pháp lý cho việc bố trí các nguồn vốn hỗ trợ phù hợp, đặc biệt là nguồn vốn ngân sách; cũng như thiết lập các tổ chức chuyên biệt quản lý và vận hành nhà ở xã hội.

Cùng với đó, chính sách của Nhà nước cần đặt mục tiêu, lộ trình rất cụ thể để có một số lượng nhà ở xã hội đủ lớn để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời, nên sửa đổi lại khái niệm về nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi). Theo đó, nhà ở xã hội chỉ áp dụng hình thức cho thuê, không phải quy định là hình thức mua, cho thuê mua.

Nếu quy định nhà ở xã hội chỉ dành cho thuê như kinh nghiệm của các nước khác sẽ không xảy ra tình trạng người có thu nhập cao tranh mua, thuê nhà ở xã hội với người có thu nhập thấp, không tạo ra sự bất bình đẳng xã hội. Nên chăng có quy định tách riêng về nhà giá rẻ với nhà ở xã hội sẽ hợp lý, vì nhà giá rẻ có thể mua và cho thuê và bản chất là nhà thương mại, quan hệ xã hội thì chỉ nên để cho thuê. Có như vậy thì người dân, nhất là người có thu nhập thấp ở đô thị mới có hy vọng được tiếp cận, nhà ở xã hội.

Đảm bảo tính thống nhất giữa Luật Nhà ở (sửa đổi) với Luật Đất đai (sửa đổi)

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông quan tâm tới tính thống nhất của thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở, tại khoản 19, Điều 3 của dự thảo luật và hộ gia đình sử dụng đất tại khoản 28 Điều 3 của dự thảo luật Đất đai (sửa đổi).

Sáng 19/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) - Ảnh 4.

Đại biểu Dương Khắc Mai - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông. Ảnh: quochoi.vn

Cụ thể, theo dự thảo luật Đất đai (sửa đổi), hộ gia đình sử dụng đất gồm những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, có quyền sử dụng đất chung trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành. Tuy nhiên, theo dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), thành viên hộ gia đình phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung, cùng thực hiện đầu tư xây dựng nhà ở trên diện tích đất thuộc quyền sử dụng chung hoặc trên đất thuê, đất mượn và cùng tham gia quản lý, sử dụng nhà ở đó.

Pháp luật quy định nhà ở là tài sản gắn liền với đất, do đó, các quy định về nhà ở, đất đai phải có sự thống nhất. Đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn các vấn đề về hộ gia đình trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Về việc lấy ý kiến góp ý của Bộ Xây dựng trong việc xây dựng chương trình phát triển nhà ở địa phương, đại biểu đề nghị, khi xây dựng, phê duyệt chương trình phát triển nhà ở, cấp tỉnh giao hoàn toàn trách nhiệm cho Ủy ban nhân dân, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Bên cạnh đó, nên bỏ quy định về việc lấy ý kiến của Bộ Xây dựng để tạo tính chủ động, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện chức năng của chính quyền địa phương, giảm bớt chi phí, thời gian, không làm tăng thời gian giải quyết công việc của các cơ quan trung ương.

Bình luận của bạn

Bình luận