Sách Tiếng Việt lớp 1 chương trình mới giúp học sinh khá giỏi đọc, viết tốt hơn
Nếu như với sách tiếng Việt lớp 1 của chương trình giáo dục phổ thông 2006 phải đến cuối năm học, học sinh mới đọc được một đoạn văn và tập viết một đoạn chính tả cho trước thì với chương trình giáo dục phổ thông 2018, chỉ cuối học kỳ 1, nhiều em đã đọc thông, viết thạo một đoạn văn khá dài.
Nhận xét về chương trình và sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1, nhiều giáo viên lớp 1 đều thừa nhận, đa phần học sinh đọc, viết tốt hơn.
Ngoài ra, nhiều em đọc hiểu văn bản cũng khá tốt, giúp cho nhiều học sinh thuận lợi trong việc học các môn học còn lại.
Tăng thời lượng học có phải là giảm tải?
Ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Giáo dục tiểu học cũng đã giải thích trên truyền thông "… So với chương trình lớp 1 cũ, nội dung chương trình Tiếng Việt mới có phần tinh giản hơn nhưng thời lượng được kéo dài hơn, tăng từ 350 lên 420 tiết. Về mặt khoa học, học sinh không hề phải học nặng hơn".
Do đó, trong giai đoạn đầu, các em học môn Tiếng Việt rất nhiều. "Nếu so sánh lớp 1 năm ngoái và năm nay sẽ dễ có đánh giá chương trình mới nặng nhưng thực tế không phải vậy. Chương trình mới bố trí cho các em thông thạo đọc, viết rồi mới học các môn khác ở giai đoạn sau".
Còn Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết thì khẳng định: "Điểm khác so với chương trình cũ là chương trình lớp 1 hiện nay được tăng thêm hai tiết một tuần. Tăng tiết là để giảm tải, chứ không phải để tăng tải".
Chương trình và sách giáo khoa lớp 1 nặng do học quá nhanh?
Ông Thái Văn Tài cũng thừa nhận: "Chương trình mới được điều chỉnh dựa trên quan điểm là cố gắng giúp học sinh đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt và xem đó là điều kiện để học các môn khác".
Hết học kỳ 1, học sinh đã đọc được văn bản hơn 70 chữ (có bộ sách là gần 80 chữ), ngoài đọc to còn đọc hiểu văn bản và viết được 2 câu văn.
Do "cố gắng giúp học sinh đọc thông viết thạo càng sớm càng tốt" sẽ giúp cho những học sinh có lực học khá, giỏi, những học sinh có ba mẹ quan tâm kèm cặp ôn bài thêm ở nhà biết đọc, viết nhanh hơn. Điều này, cũng sẽ giúp các em học tốt nhiều môn học khác.
Nói về sách Tiếng Việt lớp 1 của chương trình mới, cô giáo Kim Quyên, giáo viên lớp 1 tại một trường tiểu học tại Đồng Nai cho biết: "Với học sinh khá, giỏi, học sinh có sự hợp tác của phụ huynh sẽ không vấn đề gì. Tuy nhiên, sẽ rất khó khăn cho những học sinh có lực học từ trung bình trở xuống và những học sinh thiếu sự kèm cặp của gia đình".
Tuy nhiên, việc học quá nhanh như thế cũng trở nên bất lợi, gây khó khăn cho những học sinh có lực học trung bình, học sinh chậm về nhận thức và thiếu sự kèm cặp từ gia đình.
Khi học quá nhanh, một số học sinh có lực học từ trung bình trở xuống không thể tiếp thu kịp bài trên lớp. Về nhà, những học sinh này không được ôn luyện lại do gia đình bận rộn, do không có cha mẹ ở bên.
Ngày hôm sau đến lớp, vẫn sẽ tiếp tục học kiến thức mới. Kiến thức cũ nắm chưa chắc, kiến thức mới không thể nhớ kịp. Vì thế, những học sinh này học mỗi ngày một yếu và khó có khả năng theo kịp chương trình.
Cần lắm sự hợp tác từ phụ huynh
Khi chương trình và sách giáo khoa lớp 1 đã và đang được áp dụng rộng rãi sang năm học thứ 4. Vì thế, không thể vì lý do nhiều người phản ánh chương trình và sách giáo khoa mới nặng hơn so với chương trình và sách giáo khoa cũ để lại phải thay đổi, gây lãng phí cho mỗi gia đình cũng như cho ngân sách nhà nước.
Điều quan trọng trước mắt, rất cần sự phối kết hợp từ phía phụ huynh. Bằng việc, sau mỗi ngày học sinh ở trường về, phụ huynh sẽ cho các con đọc lại bài nhiều lần, viết bài thầy cô giáo. Ôn xong bài cũ, cần hướng dẫn các con đọc qua bài mới vài lần để làm quen cho buổi học ngày mai không bỡ ngỡ.
Từ thực tế cho thấy, một số học sinh có lực học trung bình hoặc yếu một chút nhưng được bố mẹ quan tâm, kèm cặp thêm ở nhà vẫn sẽ theo kịp chương trình. Vì thế, thay vì tập trung than phiền chương trình và sách giáo khoa nặng, phụ huynh cần chung tay để giúp các con cũng là giúp thầy cô giảng dạy hiệu quả.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google