Sách giả: Lợi nhuận khủng, hoạt động tinh vi qua mạng xã hội

PV
10:17 - 15/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Vấn nạn sách giả, đang diễn ra với quy mô khác nhau, theo phương thức mới áp dụng các phương tiện in nhanh, photo copy hiện đại. Khâu phân phối phát hành được các đối tượng lợi dụng mạng xã hội, các trang bán hàng trực tuyến thông qua chuyển phát nhanh...

Để đối phó với những "chiêu thức mới" của các đường dây làm sách giả, cần phải có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng và các nhà xuất bản trong việc phát hiện và xử lý, bên cạnh đó cần tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh online…

Sách giả: Lợi nhuận khủng, hoạt động tinh vi qua mạng xã hội - Ảnh 1.

Bên trong một kho xưởng liên quan đến việc in ấn, kinh doanh sách giả. Ảnh: cơ quan công an cung cấp.

Sách giả tràn lan, hoạt động tinh vi qua mạng xã hội

Ðại diện Hội Xuất bản Việt Nam cho biết, hiện có hơn 100 trang web rao bán hàng trăm nghìn tựa sách lậu. Các chuyên gia nhận định, so với trước đây, thủ đoạn in sách lậu đã tinh vi hơn rất nhiều.

Bên cạnh việc thuê kho tại những địa điểm có nhiều lối ra vào, hàng hóa thường được vận chuyển, đóng gói vào ban đêm để tránh bị phát hiện, các đối tượng còn tận dụng công nghệ, như: livestream trên mạng xã hội; nhận đơn hàng sử dụng phần mềm quản lý bán hàng. Trung bình, mỗi cơ sở như vậy bán được khoảng 300-400 đơn hàng với số lượng từ 300-600 cuốn sách với tổng giá trị tiền hàng từ 50-70 triệu đồng, cao hơn rất nhiều so với các cơ sở in ấn, phát hành có giấy phép hoạt động.

Thượng tá Ngô Xuân Hải, Phó Trưởng phòng An ninh chính trị nội bộ cho biết, khó khăn trong phát hiện, bóc gỡ đường dây này là, việc sản xuất và phát hành sách giả được thực hiện theo quy trình khép kín, từ sản xuất, quảng cáo đến phát hành, khác với phương thức của các đối tượng khác trước đây.

Xưởng in và cơ sở photo copy do các đối tượng tự đầu tư và làm chủ sản xuất sách lậu nên quá trình hoạt động luôn đóng cửa, địa điểm ở xa trung tâm, không có biểu hiện và không cho người lạ ra vào.

Các kho hàng được phân tán ở nhiều địa điểm xa, cách biệt với các cơ sở sản xuất, có nơi ở khu vực hoang vắng, luôn đóng kín cửa. Các đối tượng chia nhỏ các công đoạn gắn với nhiều địa điểm khác nhau.

Quá trình quảng cáo bán hàng qua các kênh bán hàng online trên mạng xã hội như Facebook, Tiktok... các đối tượng che giấu thông tin cá nhân.

Việc giao hàng thông qua các công ty chuyển phát nhanh, che giấu địa chỉ giao sách, đăng các địa chỉ giả ở các tỉnh ngoài... gây khó khăn cho cơ quan Công an trong quá trình điều tra, xác minh.

Các tài khoản thanh toán, đăng ký phương tiện... đều không dùng thông tin của các đối tượng chính...

Ngày 20/12/2022, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, Cơ quan An ninh điều tra chủ trì, cùng Phòng An ninh chính trị nội bộ phối hợp các đơn vị nghiệp vụ khám xét khẩn cấp 8 địa điểm là nơi ở, đồng thời là nơi đặt văn phòng quảng cáo và chốt đơn bán hàng online, cơ sở in, cơ sở photo, nơi đặt máy móc photo tài liệu, đóng gói thành phẩm và kho chứa các loại sách giả. Kết quả thu giữ hơn 100 tấn sách, khoảng trên 400 đầu sách các loại với 392.006 cuốn sách, cùng nhiều máy móc thiết bị, phương tiện dùng để sản xuất, buôn bán sách giả.

Đây là vụ bắt giữ sách có nguồn gốc in sao lậu có quy mô và số lượng tang vật tạm giữ lớn nhất từ trước đến nay do Công an thành phố Hà Nội phát hiện và đấu tranh. Mỗi ngày các đối tượng bán khoảng 300-400 đơn hàng với số lượng từ 300-600 cuốn sách, tổng giá trị tiền hàng từ 50 đến 70 triệu đồng. Chủng loại sách đa dạng, chủ yếu các loại sách thịnh hành trên thị trường như: Đắc Nhân Tâm, Trí tuệ Do thái, Đọc vị bất kỳ ai, Tuổi trẻ đáng giá bao nhiêu, Muôn kiếp nhân sinh... Đáng chú ý, những cuốn sách vừa được xuất bản, bán chạy ngay lập tức xuất hiện sách giả được rao bán, gây bức xúc trong xã hội cũng như đối với các nhà xuất bản, người làm sách chân chính.

Theo đại diện các nhà xuất bản, các cơ sở sản xuất sách lậu đã gây ra không ít khó khăn cho những đơn vị làm sách và kinh doanh chân chính. Họ không phải đầu tư xây dựng đề tài, bản thảo; trả tiền bản quyền, không phải nộp thuế; chất lượng mực, giấy in, chất lượng hoàn thiện xuất bản phẩm lại thấp, cho nên các xuất bản phẩm giả, làm lậu có giá thành rất thấp và có thể bán với chiết khấu cao so với giá bìa để thu hút người mua.

 Cần nhiều biện pháp để đối phó với nạn làm sách giả 

Ðã có nhiều hội thảo, tọa đàm về chủ đề chống xuất bản phẩm lậu song chủ yếu nội dung vẫn tập trung thống kê, chỉ ra lỗi sai về hình thức và nội dung trong sách in lậu và hậu quả, chưa đưa ra được giải pháp thật sự rành mạch, triệt để.

Chế tài và mức phạt đối với những hành vi này chưa thật sự đủ răn đe, trong khi lợi nhuận mà các cơ sở in sách lậu thu được là rất lớn.

Ngay cả các nhà xuất bản quốc tế cũng cho biết, họ phải đối mặt với vấn đề xuất bản phẩm in lậu khi hoạt động tại thị trường Việt Nam.

Theo ý kiến từ các đơn vị, cá nhân làm sách, các cơ quan quản lý cần xây dựng chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm các đối tượng in lậu, làm giả các ấn phẩm xuất bản, đồng thời có biện pháp xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm để kịp thời răn đe, cảnh báo, nhằm bảo đảm trật tự trong lĩnh vực xuất bản, in ấn.

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền, giáo dục về giá trị của sách, văn hóa đọc, cách phân biệt sách in lậu và sách thật cần cụ thể hơn, phổ biến hơn để tránh việc người đọc có những nhận thức sai lầm, ham rẻ mà vô tình tiếp tay cho hành vi sai trái.

Việc quản lý bản quyền, hợp tác xuất bản và cơ chế tự bảo vệ cũng cần đẩy mạnh. Cụ thể, ngoài việc làm sách, các đơn vị cần sát sao hơn với sản phẩm của mình ngoài thị trường, kịp thời phát hiện và phối hợp chặt chẽ với đơn vị quản lý thị trường, an ninh văn hóa, an ninh kinh tế… để kiểm tra, phản ánh và xử lý.

Trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an thành phố Hà Nội khẳng định, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp các phòng chức năng của các ngành và các đơn vị, Công an các quận, huyện, thị xã tăng cường công tác phát hiện, đấu tranh với các hoạt động sản xuất, kinh doanh sách giả, nhất là phương thức bán hàng online, sản xuất và phát hành các xuất bản phẩm chưa được phép xuất bản, phát hành tại Việt Nam.

"Đây là hiện tượng đang diễn ra với quy mô khác nhau, thậm chí có cả quy mô nhỏ lẻ, không theo phương thức như trước kia mà sử dụng các phương tiện in nhanh, photo copy hiện đại" - Thượng tá Nguyễn Tiến Thắng đánh giá và đề nghị các nhà xuất bản, những người làm sách tiếp tục phát hiện các dấu hiệu vi phạm của hoạt động này để trao đổi, phối hợp các cơ quan chức năng, trong đó có lực lượng CAND đấu tranh, xử lý các hành vi vi phạm...

Đồng thời, cơ quan Công an cũng sẽ kiến nghị cơ quan chức năng tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh online, làm bảo đảm tuân thủ pháp luật, góp phần ngăn chặn thủ đoạn lợi dụng phương thức này để kinh doanh hàng giả, hàng lậu, hàng cấm...

Nguồn: Tổng hợp