Sa Pa: Vừa hết rét, gió nóng Ô Quý Hồ nổi lên, nguy cơ cháy rừng tăng cao

Quốc Hồng
11:50 - 31/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 31/1, Đài Khí tượng- Thủy văn Lào Cai cho biết, nhiệt độ Sa Pa bắt ngờ tăng cao, gió nóng Ô Quý Hồ nổi lên, làm tăng nguy cơ cháy rừng tại địa phương.

Sa Pa: Vừa hết rét, gió nóng Ô Quý Hồ nổi lên, nguy cơ cháy rừng tăng cao- Ảnh 1.

Phát đường băng cản lửa để phòng ngừa cháy rừng, do xuất hiện gió nóng Ô Quý Hồ, ở Vườn quốc gia Hoàng Liên- Sa Pa. Ảnh: Quốc Hồng


Theo số liệu quan trắc, vào hồi 1 giờ 30 phút ngày 30/1, nhiệt độ tại Sa Pa bất ngờ tăng cao, đạt mức 18 độ C, độ ẩm giảm mạnh còn 56%; biên độ tăng nhiệt tới hơn 7 độ C so với ngày trước đó.

Trước đó, ngày 29/1, thời tiết Sa Pa vẫn rét lạnh, nhiệt độ là 10,6 độ C; sương mù dày đặc, độ ẩm cao tới 97%.

Nhiệt độ bất ngờ tăng cao, độ ẩm giảm mạnh làm xuất hiện gió nóng và khô, tốc độ gió 4m/s, có tên gọi địa phương là gió Ô Quý Hồ. Đây là loại gió có đặc trưng khô (độ ẩm rất thấp) và nóng, làm gia tăng nguy cơ cháy rừng tại địa phương, nhất là Vườn quốc gia Hoàng Liên tại đây.

Gió Ô Quý Hồ xuất hiện và gia tăng trong vài ngày tới, đẩy cấp báo động cháy rừng lên cao.

Thêm nữa, thời gian qua, Sa Pa chịu ảnh hưởng của một đợt rét hại rất nặng kéo dài, một số khu vực núi cao xuất hiện băng giá khiến cây cỏ, cây bụi chết hàng loạt; gió mạnh kèm theo độ ẩm thấp làm bì thực vật dưới mặt đất khô nhanh nên nguy cơ cháy tăng cao.

Sa Pa: Vừa hết rét, gió nóng Ô Quý Hồ nổi lên, nguy cơ cháy rừng tăng cao- Ảnh 2.

Vận động người dân thu dọn thực bì bị chết khô do rét lạnh kéo dài, để phòng ngừa cháy rừng ở Sa Pa (Lào Cai). Ảnh: Quốc Hồng

Chính quyền địa phương, Hạt Kiểm lâm Sa Pa, các chủ rừng và người dân cần tăng cường tuần tra, kiểm soát nguy cơ cháy; chuẩn bị tốt phương tiện và lực lượng để chủ động ứng cứu kịp thời, hạn chế thấp nhất cháy rừng xảy ra.

Vườn quốc gia Hoàng Liên đã củng cố, kiện toàn 19 tổ, đội bảo vệ rừng "cắm" ở các khu vực trọng điểm để canh gác, phát hiện sớm đám cháy. Đồng thời, lực lượng kiểm lâm của Vườn tỏa xuống các thôn, bản của đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở vùng đệm, vùng giáp ranh để tuyên truyền, vận động nhân dân thu dọn thực bì bị chết khô sau đợt băng giá, làm đường băng trắng cản lửa, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy rừng xảy ra.


Bình luận của bạn

Bình luận