Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ như thế nào?
Theo Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa công bố, đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững; trung tâm kinh tế, tài chính, dịch vụ của Châu Á.
Đây là Hội nghị hết sức có ý nghĩa, đánh dấu một bước quan trọng trong việc thực hiện nhiệm vụ, chiến lược, giải pháp đột phá; tạo ra một động lực mới thúc đẩy phát triển và khẳng định vai trò đầu tàu của Thành phố Hồ Chí Minh, góp phần quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, tạo nền tảng để Thành phố Hồ Chí Minh cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
![Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ như thế nào?- Ảnh 1. Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ như thế nào?- Ảnh 1.](https://congdankhuyenhoc.qltns.mediacdn.vn/thumb_w/840/449484899827462144/2025/1/4/tphcm-17360040716931349026464.jpg)
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình trao Quyết định phê duyệt Quy hoạch TP.Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Ảnh: hochiminhcity.gov.vn
Tại hội nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi nêu những nét chính của Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Phấn đấu đến cuối năm 2030, Thành phố Hồ Chí Minh cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia
Theo đó, đến năm 2030, về kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt khoảng 8,5-9,0%/năm trong giai đoạn 2021-2030. GRDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt 385-405 triệu đồng, tương đương 14.800-15.400 USD; Tỷ trọng bình quân trong GRDP của khu vực dịch vụ trên 60%, khu vực công nghiệp - xây dựng khoảng 27% (trong đó công nghiệp chế biến chế tạo khoảng 22%), khu vực nông, lâm, thủy sản khoảng 0,4%; phấn đấu tỷ trọng kinh tế số đạt trên 40% GRDP; giai đoạn 2021-2030, đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 60%.
Về xã hội, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội là 7%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 89%; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 40%. Tỷ lệ thất nghiệp dưới 3%; Chỉ số phát triển con người HDI trên 0,85; Đảm bảo cơ sở vật chất, trường lớp đạt chuẩn quốc gia; Đạt tỷ lệ 42 giường bệnh/vạn dân; 23 bác sỹ/vạn dân;
Phấn đấu đến cuối năm 2030, nâng mức chuẩn nghèo về thu nhập của Thành phố Hồ Chí Minh cao gấp 2 lần so với mức chuẩn chung cả nước, cơ bản không còn hộ nghèo theo chuẩn nghèo quốc gia; còn dưới 0,5% số hộ nghèo theo chuẩn nghèo của Thành phố.
Về môi trường, tỷ lệ che phủ rừng khoảng 16%; Tiếp tục đảm bảo tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất thải y tế được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn, quy chuẩn đạt 100%.
Về phát triển kết cấu hạ tầng, diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người phấn đấu đạt 30-32m2. Tỷ lệ tổng diện tích đất giao thông trên đất xây dựng đô thị đạt khoảng 16-26%; Tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch đạt 100%.
Về quốc phòng, an ninh, gắn kết chặt chẽ, hài hòa giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội với củng cố quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Đến năm 2050, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu hấp dẫn và bền vững
Mục tiêu tổng quát, Thành phố Hồ Chí Minh là đô thị toàn cầu, văn minh, hiện đại, nghĩa tình, năng động sáng tạo; là Thành phố có nguồn nhân lực chất lượng cao, dịch vụ - công nghiệp hiện đại, đầu tàu về kinh tế xanh, kinh tế số, xã hội số, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại - dịch vụ, văn hóa, giáo dục, khoa học - công nghệ của cả nước, hội nhập quốc tế sâu rộng, có vị thế nổi trội trong khu vực Đông Nam Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế và GRDP bình quân đầu người thuộc nhóm đứng đầu cả nước và vượt qua ngưỡng thu nhập cao; là thành phố có chất lượng cuộc sống cao, giàu bản sắc, môi trường bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.
7 giải pháp triển khai hiệu quả quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi, để triển khai tốt, hiệu quả quy hoạch Thành phố, Quy hoạch xác định thực hiện 7 giải pháp chính, cụ thể:
Giải pháp về huy động, sử dụng nguồn lực, thu hút đầu tư; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; Giải pháp về bảo vệ môi trường; Liên kết Vùng và hợp tác quốc tế; Giải pháp về quản lý và phát triển bền vững đô thị, nông thôn; Giải pháp về quản lý và phát triển bền vững Thành phố.
![Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ như thế nào?- Ảnh 2. Quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ như thế nào?- Ảnh 2.](https://congdankhuyenhoc.qltns.mediacdn.vn/thumb_w/840/449484899827462144/2025/1/4/base64-17360064787891400474950.jpeg)
7 giải pháp triển khai hiệu quả quy hoạch Thành phố Hồ Chí Minh. Nguồn: hochiminhcity.gov.vn - Thực hiện: Trần Vũ
Về các nguồn lực dự kiến huy động để triển khai quy hoạch, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến trong giai đoạn 2026 - 2030 sẽ huy động trên 4,4 triệu tỷ đồng, trong đó vốn từ ngân sách là 1,1 triệu tỷ, vốn cần huy động ngoài ngân sách là trên 3,3 triệu tỷ.
Thành phố Hồ Chí Minh xác định danh mục các dự án triển khai quy hoạch, trong đó có 70 dự án trọng điểm, trong số này có 1 số dự án quan trọng như xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Mộc Bài, đường vành đai đô thị, vành đai 2, vành đai 3, vành đai 4, các cầu lớn như cầu Cần Giờ, Thủ Thiêm 4, Đồng Nai…, các công trình đường sắt, các khu đô thị…
Để triển khai quy hoạch này, song song với quá trình hoàn thiện hồ sơ trình phê duyệt quy hoạch, Thành phố Hồ Chí Minh đã chủ động chuẩn bị Kế hoạch triển khai Quy hoạch Thành phố, sau 15 ngày sẽ ban hành; đang khẩn trương phối hợp với các Bộ ngành Trung ương để sớm trình Thủ tướng phê duyệt Đồ án quy hoạch chung Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060; chủ động chuẩn bị công tác lập Quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật đô thị, quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết.
Thành phố Hồ Chí Minh xác định sẽ hoàn thành trong năm 2025 để có đủ các điều kiện triển khai sớm các dự án trong giai đoạn 2026-2030.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh cần chú trọng, tập trung thực hiện "1 trọng tâm, 2 tăng cường, 3 tiên phong".
1 trọng tâm là xây dựng cơ chế, chính sách để huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực hợp pháp cho phát triển, gồm nguồn lực Nhà nước, tư nhân, hợp tác công tư, đầu tư trực tiếp, gián tiếp và nguồn lực từ Trung tâm Tài chính quốc tế. Việc huy động nguồn lực của Thành phố phải gắn với nguồn lực của vùng, nguồn lực của vùng phải gắn với nguồn lực quốc gia, nguồn lực quốc gia phải gắn với nguồn lực quốc tế.
2 tăng cường gồm: Tăng cường đầu tư, phát triển yếu tố con người (nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực chất lượng cao, bồi dưỡng nhân tài, bảo đảm an sinh xã hội, công bằng, tiến bộ xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau); tăng cường kết nối vùng, khu vực, trong nước và quốc tế thông qua kết nối hệ thống giao thông, chuyển đổi số, hệ thống sản xuất và cung ứng theo chuỗi, đa dạng hoá sản phẩm, chuỗi cung ứng, thị trường.
3 tiên phong gồm: Tiên phong phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gồm cả hạ tầng cứng và mềm; tiên phong ứng dụng khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số theo Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị; tiên phong trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút, đào tạo và giữ chân nhân tài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, quá trình thực hiện phải đảm bảo tính tuân thủ và đồng bộ; phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch ngành; đồng thời không cứng nhắc mà phải linh hoạt để bổ sung điều chỉnh kịp thời, đặc biệt là cùng cả nước phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong những năm tới.
Thủ tướng lưu ý Thành phố Hồ Chí Minh phải phổ biến, quán triệt Quy hoạch sâu rộng để mọi người dân, nhà đầu tư có thể hiểu, nắm rõ, từ đó ủng hộ quy hoạch, làm theo quy hoạch, giám sát việc thực hiện quy hoạch và thụ hưởng thành quả của việc thực hiện quy hoạch.
Chính phủ sẽ luôn sát cánh, đồng hành cùng Thành phố Hồ Chí Minh trong quá trình phát triển. Khi Thành phố có khó khăn, Chính phủ luôn chia sẻ trách nhiệm với tinh thần "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân được thụ hưởng thật".
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành cũng phải phát huy tinh thần này, hết sức tránh bệnh hình thức, không đùn đẩy trách nhiệm.
Cũng tại hội nghị, Thủ tướng đánh giá cao việc Thành phố Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào khai thác tuyến đường sắt đô thị - metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên trên cao và nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của người dân. Thời gian tới, Thành phố dự kiến tiếp tục khai thác không gian ngầm. Đặc biệt, Thủ tướng cho biết đã trao đổi với ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup về việc xây dựng một hệ thống tàu điện ngầm từ trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh đến huyện Cần Giờ.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google