Quy hoạch không được để "treo", không để người dân bức xúc

Dũng Minh
15:41 - 20/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sáng 20/4, ngay sau Hội nghị công bố và triển khai quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030 tầm nhìn đến 2050, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục chủ trì Hội nghị toàn quốc về đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng công tác quy hoạch thời kỳ 2021-2030.

Quy hoạch không được để "treo", không để người dân bức xúc - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Tại hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo tổng hợp về kết quả triển khai công tác quy hoạch; các bộ, ngành và địa phương báo cáo về tiến độ lập quy hoạch, các khó khăn, vướng mắc, chậm trễ trong việc lập quy hoạch và một số đề xuất, kiến nghị để bảo đảm tiến độ, chất lượng quy hoạch.

Các đại biểu cho rằng, việc tổ chức lập đồng thời các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia thời kỳ 2021-2030 là cơ hội lớn để xác định tầm nhìn, mục tiêu phát triển, sắp xếp, phân bổ không gian phát triển đất nước một cách bài bản, khoa học nhằm khai thông và tận dụng tối đa các nguồn lực phục vụ cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước…

Kết luận hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, việc triển khai Luật Quy hoạch là nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp chính quyền, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy.

Thủ tướng cơ bản đồng tình, đánh giá cao báo cáo và các ý kiến rất tâm huyết, đầy trách nhiệm và thiết thực, sát thực tiễn của đại diện lãnh đạo các bộ ngành, địa phương. Qua đó cho thấy, thời gian qua, việc triển khai các nhiệm vụ, công việc theo Luật Quy hoạch đã có những tiến bộ nhất định…

Đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch

Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ khẩn trương rà soát các văn bản pháp luật và các văn bản hướng dẫn để kịp thời sửa đổi, bổ sung hoặc trình cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, pháp luật về công tác quy hoạch, trong đó có quy định về kinh phí cho công tác quy hoạch theo hướng có thể sử dụng kinh phí chi thường xuyên.

Quy hoạch không được để "treo", không để người dân bức xúc - Ảnh 2.

Thủ tướng chỉ đạo, các bộ, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo nhiệm vụ được phân công. Ảnh minh họa/KT/VOV

Nội dung nào thuộc thẩm quyền thuộc Chính phủ thì Chính phủ thực hiện, thuộc các bộ, ngành thì các bộ, ngành thực hiện; thuộc thẩm quyền thuộc Quốc hội thì báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định.

Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Chính phủ sửa đổi Nghị định số 37/2019/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch phù hợp tình hình hiện nay theo trình tự rút gọn, nhanh nhất có thể.

Các bộ, ngành và địa phương tập trung mọi nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định và trình phê duyệt quy hoạch thời kỳ 2021-2030 theo nhiệm vụ được phân công.

Các bộ, cơ quan ngang bộ và địa phương tăng cường sự phối hợp và chia sẻ thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, thống nhất trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện định hướng quy hoạch và thực hiện chính sách liên quan để đảm bảo sự đồng bộ của các cấp quy hoạch trong hệ thông quy hoạch quốc gia.

Đồng thời, bố trí nguồn lực, đề xuất các cơ chế chính sách để thực hiện hiệu quả các mục tiêu quy hoạch, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với việc thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của từng bộ, ngành và địa phương.

Chịu trách nhiệm việc quản lý, thanh quyết toán nguồn vốn tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đầu tư công, pháp luật về ngân sách Nhà nước; chịu trách nhiệm trong việc lựa chọn nhà thầu, quản lý hợp đồng đảm bảo chặt chẽ, hiệu quả và tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu.

Thường xuyên tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ nâng cao năng lực của cán bộ trong công tác lập, thẩm định, thực hiện và quản lý quy hoạch; các tỉnh, thành phố lập tổ công tác chuyên trách do chủ tịch UBND trực tiếp chỉ đạo để làm nhiệm vụ này.

Vấn đề quan trọng nhất là đất đai phải được sử dụng hiệu quả

Thủ tướng yêu cầu đổi mới công tác thẩm định bảo đảm nhanh chóng, kịp thời. Các bộ cho ý kiến đúng thời hạn đối với các quy hoạch, ý kiến thẩm định quy hoạch, ý kiến rà soát quy hoạch đúng thời hạn tại văn bản xin ý kiến của bộ, ngành, địa phương, hội đồng thẩm định theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Cả Trung ương và địa phương cần phải vào cuộc, đổi mới cách làm.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc phát sinh liên quan đến bố trí không gian phát triển theo quy hoạch để phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền quyết định, phê duyệt.

Vấn đề quan trọng nhất là đất đai phải được sử dụng hiệu quả, khả thi, không được để "treo", không để người dân bức xúc.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan theo dõi, đôn đốc và kiểm tra tình hình triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết số 108/NQ-CP ngày 26/08/2022; tiếp tục vận hành Hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu quốc gia để phục vụ hiệu quả cho công tác lập, thẩm định, quản lý quy hoạch theo quy định của Luật Quy hoạch.

Các địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xử lý các vấn đề liên quan một cách quyết liệt, tích cực, chủ động, mạnh mẽ hơn. Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hiệu quả với các địa phương, trong đó ưu tiên hơn với hai thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh với khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp để giải quyết các vấn đề ách tắc trong phát triển kinh tế - xã hội nói chung và công tác quy hoạch nói riêng.

Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Chính phủ tiếp thu các ý kiến xác đáng của các đại biểu, hoàn thiện dự thảo kết luận, chỉ thị trình Thủ tướng Chính phủ ban hành làm cơ sở để các cơ quan thực hiện.

Nguồn: VGP