Quảng Ninh: Tăng cường trợ giúp pháp lý, chìa khóa giảm nghèo bền vững

Tuệ Nhi
15:44 - 21/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tăng cường trợ giúp pháp lý giúp người nghèo tiếp cận với các chính sách pháp luật được tỉnh Quảng Ninh xác định là một trong những giải pháp then chốt để giảm nghèo bền vững.

Quảng Ninh: Tăng cường trợ giúp pháp lý, chìa khóa giảm nghèo bền vững - Ảnh 1.

Công an xã Đồng Văn (Bình Liêu) tuyên truyền pháp luật đến các hộ dân trong xã. Ảnh: Nguyễn Duy

Theo đó, trong những năm qua, công tác truyền thông về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, cận nghèo luôn được chú trọng thực hiện; lồng ghép chặt chẽ với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Việc trợ giúp pháp lý thông qua nhiều chương trình, đề án, như: "Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số", "Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

Theo thống kê, trong các năm 2021, 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh biên soạn 17 loại tờ gấp pháp luật về trợ giúp pháp lý, phát hành 3.110 cuốn sổ tay trợ giúp pháp lý cho người dân tộc thiểu số về hôn nhân gia đình, 36.800 quyển sách bỏ túi hỏi đáp về trợ giúp pháp lý cho người nghèo, cận nghèo và người thuộc diện trợ giúp pháp lý khác trên địa bàn. 

Đồng thời cũng in ấn, phát 1.200 quyển sách nghiệp vụ về trợ giúp pháp lý cho trẻ em và người chưa thành niên và các lĩnh vực pháp luật có liên quan; thay thế gần 130 bảng thông tin tại trụ sở UBND các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh.

Bên cạnh đó, các hoạt động trợ giúp pháp lý cũng được đẩy mạnh như: Tổ chức Hội nghị trợ giúp pháp lý lưu động giúp người thuộc hộ nghèo, cận nghèo tại các địa bàn trên có điều kiện tiếp cận dịch vụ pháp lý miễn phí nhanh chóng, thuận tiện được đẩy mạnh. 

Chỉ trong 2 năm 2022 và 2023, Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh và các địa phương đã tổ chức hội nghị trợ giúp pháp lý tại 54 xã thuộc các huyện, thị xã, thành phố: Quảng Yên, Tiên Yên, Cô Tô, Móng Cái, Bình Liêu, Ba Chẽ, Đông Triều, Vân Đồn, Uông Bí, Hải Hà.

Quảng Ninh: Tăng cường trợ giúp pháp lý, chìa khóa giảm nghèo bền vững - Ảnh 2.

Huyện Hải Hà phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Quảng Ninh trợ giúp pháp lý cho người dân xã Quảng Đức. Ảnh: Nguyễn Chiến

Tại các hội nghị này, đã phổ biến, giới thiệu nội dung cơ bản của Luật Trợ giúp pháp lý và các chính sách ưu đãi xã hội cho người nghèo, cận nghèo và các đối tượng yếu thế khác với hơn 3.200 lượt người tham dự, trong đó có nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn; phát miễn phí hơn 3.200 sổ tay trợ giúp pháp lý và hơn 11.000 tờ gấp pháp luật với nội dung một số quy định về chính sách ưu đãi xã hội; pháp luật về đất đai, hình sự, dân sự, hôn nhân gia đình...

Theo đánh giá của nhiều người dân sinh sống ở các huyện miền núi, nhờ được trợ giúp pháp lý kịp thời, người dân khó khăn trong xã đã biết rõ hơn các thủ tục để vay vốn phát triển sản xuất; làm các thủ tục về đất ở, đất sản xuất cũng thuận tiện hơn.

Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Quảng Ninh cũng đã thực hiện 10 việc tư vấn đơn giản cho người dân tham dự các hội nghị về các lĩnh vực chính sách ưu đãi dành cho người nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội... Từ năm 2021 đến hết 2022, toàn tỉnh Quảng Ninh có 927 lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ thoát nghèo được vay vốn số tiền 63,717 tỷ đồng.

Trung tâm còn tham gia tố tụng để bào chữa, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho bị can, bị cáo là người thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2021 và 2022, Trung tâm Trợ giúp pháp lý thuộc Sở Tư pháp đã thụ lý 339 vụ việc; trong đó có 1 vụ việc tư vấn cho 12 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, khó khăn về tài chính trong các vụ án hình sự; 6 vụ việc bào chữa cho 6 người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo trong các vụ án hình sự.