Quảng Ninh: Huyện miền núi Đầm Hà sẵn sàng đón học sinh tới trường với điều kiện tốt nhất

Tuệ Nhi
09:15 - 26/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Là huyện miền núi của tỉnh Quảng Ninh vốn còn nhiều khó khăn nhưng Đầm Hà đang khẩn trương hoàn thiện khâu chuẩn bị, đảm bảo điều kiện tốt nhất để chào đón học sinh tới trường.

Quảng Ninh: Huyện miền núi Đầm Hà sẵn sàng đón học sinh tới trường với điều kiện tốt nhất - Ảnh 1.

Lãnh đạo huyện Đầm Hà kiểm tra công tác sửa chữa, chuẩn bị cho năm học mới tại một trường mầm non. Ảnh: QN

Theo Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đầm Hà, toàn huyện hiện có 11.300 học sinh. Hiện, 100% trường công lập trên địa bàn huyện đều đã đạt chuẩn quốc gia.

Huyện Đầm Hà chủ động thực hiện nhiều giải pháp để chuẩn bị sẵn sàng cho năm học 2023-2024; thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Huyện luôn quan tâm đầu tư cho cơ sở vật chất các trường học, cơ sở giáo dục, trang bị hệ thống thiết bị, dụng cụ đáp ứng yêu cầu dạy và học theo hướng đổi mới, ứng dụng công nghệ thông tin.

Trước thềm năm học 2023-2024, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân huyện chỉ đạo các trường rà soát hiện trạng cơ sở vật chất, bảo quản thiết bị dạy học và có kế hoạch xét duyệt cho phép sửa chữa, mua sắm bổ sung những hạng mục cần thiết. Đến thời điểm hiện tại, ghi nhận ở nhiều cơ sở giáo dục trên địa bàn huyện cho thấy công tác chuẩn bị trang thiết bị dạy học, sửa chữa cơ sở vật chất, phòng học, khuôn viên... đang được gấp rút hoàn thành, đảm bảo tiến độ phục vụ năm học mới.

Quảng Ninh: Huyện miền núi Đầm Hà sẵn sàng đón học sinh tới trường với điều kiện tốt nhất - Ảnh 2.

Sửa chữa, trang trí lại phòng học chuẩn bị cho năm học mới tại Trường Mầm non Tân Bình (xã Tân Bình, huyện Đầm Hà). Ảnh: HG

Năm học này huyện tiếp tục tiến hành sáp nhập, dồn ghép điểm trường để đưa toàn bộ học sinh lớp 3, 4 và 5 ở những điểm trường lẻ về các trường chính tại trung tâm.

Căn cứ vào đó, công tác sửa chữa các trường, điểm trường, bổ sung trang thiết bị được triển khai phù hợp với tình hình thực tế để phục vụ năm học mới, cải tạo cảnh quan, môi trường học tập xanh, sạch, đẹp, thân thiện với học sinh. Nhất là phải đảm bảo số lượng phòng học tại những điểm trường chính đón học sinh từ các điểm lẻ về học.

Bên cạnh đó, cũng bắt đầu từ năm học 2023-2024, các trường trên địa bàn huyện đẩy mạnh triển khai nhằm tiếp tục hoàn thiện thể chế, đẩy mạnh cải cách hành chính về giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp.

Trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ và giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, đảm bảo chuẩn hóa, nâng chuẩn chuyên môn nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nhất là trong bộ môn ngoại ngữ, tin học. Các thầy, cô giáo cũng được khuyến khích phát huy tinh thần tự học, tự bồi dưỡng, thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ. Giáo viên có năng lực đều được khuyến khích mạnh dạn tham gia hội thi dạy giỏi các cấp để học hỏi thêm kinh nghiệm. Từ đó nhằm tạo động lực cho đội ngũ nhà giáo chuyên tâm với nghề, phát triển nghề nghiệp.

Quảng Ninh: Huyện miền núi Đầm Hà sẵn sàng đón học sinh tới trường với điều kiện tốt nhất - Ảnh 3.

Trực tiếp đến nhà vận động học sinh ra lớp là việc các giáo viên Trường Trung học cơ sở Quảng Lâm (xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà) luôn quan tâm. Ảnh: HG

Ngoài ra, từ hướng dẫn trực tiếp của Phòng Giáo dục và Đào tạo, các trường học chủ động tổ chức các chuyên đề chuyên sâu về đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra, đánh giá theo chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhất là trong việc tăng cường dự giờ thao giảng, bố trí quỹ thời gian hợp lý để để cán bộ, giáo viên tham gia học tập, nghiên cứu khoa học, có đề xuất sáng kiến kinh nghiệm theo vị trí việc làm.

Công tác tập huấn, bồi dưỡng cũng được quan tâm tổ chức thực hiện dưới nhiều hình thức, nhằm giúp đội ngũ giáo viên thành thạo các kỹ thuật dạy học trên nền tảng công nghệ hiện có, ứng dụng tốt công nghệ thông tin vào bài giảng, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục.

Năm học 2023-2024, huyện Đầm Hà cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm cho từng cấp học. Cụ thể, giáo dục mầm non tăng cường hoạt động vui chơi, trải nghiệm, hình thành thói quen phù hợp với độ tuổi của trẻ, chú trọng chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mẫu giáo vùng dân tộc thiểu số...

Đối với bậc tiểu học tăng cường giáo dục kỹ năng sống, đổi mới sáng tạo phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá học sinh, nâng cao chất lượng dạy học tiếng Anh. Đối với giáo dục trung học là chủ động thực hiện chương trình, kế hoạch giáo dục theo hướng giảm tính hàn lâm, đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng trong giáo dục phổ thông. Còn đối với giáo dục thường xuyên, tăng cường các hoạt động phối hợp giữa cơ sở giáo dục thường xuyên và trường phổ thông, các trường cao đẳng, đại học trong hoạt động dạy nghề, kỹ năng sống.