Quảng Ninh: Học sinh và người dân ở Mả Phềnh đi qua suối bằng cầu tre tạm
Khu dân cư Mả Phềnh, miền núi tỉnh Quảng Ninh bị ngăn cách với các địa phương khác bằng con suối với chiều rộng lòng suối khoảng 65m. Để sang được bờ bên kia, người dân phải đi bộ qua cầu tre tạm bắc ngang giữa suối. Đây cũng là lối đi chính để ra vào Mả Phềnh.
Học sinh 'vượt suối' để đến trường
Mả Phềnh là một khu dân cư thuộc thôn Bình Sơn, xã Đông Ngũ, huyện Tiên Yên (Quảng Ninh). Nơi đây có 15 hộ dân tương đương với 71 nhân khẩu, đều là dân tộc Dao.
Người dân ở Mả Phềnh chủ yếu làm nông nghiệp. Tuy nhiên, điều kiện để phát triển kinh tế vô cùng khó khăn, không được thuận lợi do bị ảnh hưởng bởi giao thông đi lại.
Khu dân cư Mả Phềnh bị ngăn cách với các địa phương khác bằng con suối với chiều rộng lòng suối khoảng 65m. Phía bên kia bờ là đường liên xã Đông Ngũ - Đại Dực của huyện Tiên Yên. Để sang được bờ bên kia, người dân phải đi bộ qua cầu tre tạm bắc ngang giữa suối. Đây cũng là lối đi chính để ra vào Mả Phềnh.
Ở Mả Phềnh hiện có 23 học sinh, gồm 5 học sinh mầm non, 15 học sinh tiểu học, 3 học sinh trung học cơ sở đang học tại điểm trường bên kia suối, cách nhà khoảng 1km. Hàng ngày, để đến điểm trường này, các em học sinh bất chấp nguy hiểm đi qua suối bằng cầu tre tạm.
Khu vực lòng suối sâu, chảy xiết, rất nguy hiểm cho các em học sinh khi đi qua đây. Chỉ cần trượt chân sẽ rơi xuống dòng nước chảy xiết. Các em cũng thường xuyên phải nghỉ học mỗi khi mùa mưa bão đến.
Chị Lỷ Tài Múi (31 tuổi, người dân khu Mả Phềnh) cho biết, từ hàng chục năm nay đã phải sống trong cảnh “lấy suối làm đường”. Mùa khô lòng suối có mực nước thấp thì lội qua, mùa mưa bão, lũ tràn về thì bị cô lập nên việc đến trường của các con cũng như phát triển kinh tế gặp rất nhiều khó khăn vì không có đường bê tông để đi. Nhưng lo nhất là nhà nào có người bị cấp cứu hoặc phụ nữ trở dạ khó sinh mà gặp hôm lũ lớn thì không thể đến bệnh viện được.
“Tôi có con đang học lớp 3 ở điểm trường bên kia suối. Sáng nào cũng dậy sớm để nấu cho vào cặp lồng để cho con ăn cả ngày. Sau đó dẫn con đến trường vì để con đi một mình qua cầu tre tạm rất nguy hiểm. Thời điểm này đang là mùa mưa bão nên nước dưới suối luôn chảy xiết, rất nguy hiểm. Đến chiều tôi lại đến trường đón con về”, chị Múi nói.
Theo chị Múi, những hôm nào trời mưa to, dù con đang học nhưng vẫn phải chạy đến trường để xin cô giáo cho đón con về. Nếu không đón sớm, nước lũ dâng cao sẽ không về được. Và những hôm lũ dâng cao buộc phải cho con nghỉ học. Việc các con phải nghỉ học trong mùa mưa bão diễn ra thường xuyên.
Anh Hoàng Văn Phin, 30 tuổi, Trưởng thôn Bình Sơn cho biết, ngoài 15 hộ dân ở Mả Phềnh sinh sống, vẫn còn hơn 40 hộ dân khác thường xuyên qua Mả Phềnh để canh tác, phát triển kinh tế. Mật độ người dân đi lại khá đông đúc nhưng không được đầu tư xây dựng đường bê tông để đi lại.
“Người dân đã kiến nghị xây đường tràn bằng bê tông từ nhiều năm nay nhưng không được chấp nhận. Năm 2020 chính quyền địa phương có làm đường tràn bằng rọ đá nhưng đến nay đã bị lũ cuốn trôi. Mỗi lần lũ về lại bị cuốn trôi, chính quyền lại đầu tư tiền để tu sửa cơi nới tạm thời, vừa tốn kèm vừa không hiệu quả, gây lãng phí. Người dân chúng tôi đề nghị xây đường tràn bằng bê tông cốt thép”, anh Phin nói.
Được biết, sau nhiều năm người dân kiến nghị, đường tràn sang khu Mả Phềnh được làm trong năm 2020 có tổng chiều dài 65m. Kết cấu đường tràn bằng rọ đá đặt trên nền suối, cầu tràn bằng gỗ nối hai điểm Mả Phềnh với đường liên xã Đông Ngũ – Đại Dực để phục vụ trẻ nhỏ đi học và người dân quanh khu qua lại canh tác nông, lâm nghiệp và sinh hoạt.
Tuy nhiên, đường tràn làm bằng rọ đá đã không đảm bảo. Ngày 25/8/2022, do ảnh hưởng của cơn bão số 3 (Ma-on) gây mưa to, lũ lụt đã cuốn trôi cầu gỗ và đường tràn bằng rọ đá dẫn tới học sinh và người dân không thể đi lại.
Ngay sau khi lũ rút đi, chính quyền địa phương tạm thời gia cố rọ sắt ngầm tràn, xúc dọn đống đá nằm ngổn ngang trên mặt suối và làm cầu tre tạm bắc qua suối để người dân qua lại.
Xã nông thôn mới kiểu mẫu không xây nổi đường bê tông?
Xã Đông Ngũ về đích nông thôn mới năm 2017, nông thôn mới nâng cao năm 2019 và năm 2020 đạt nông thôn mới kiểu mẫu. Nhưng đường vào khu dân cư Mả Phềnh, thôn Bình Sơn hiện vẫn là đường tràn làm bằng rọ đá xếp lại và cây cầu tre tạm bợ bắc qua suối.
Không chỉ bất an khi đi qua cầu tre tạm bợ, bao năm nay người dân vẫn phải lưu thông trên tuyến đường đất nát bươm dài hơn 1km tại khu dân cư Mả Phềnh.
Lý giải việc năm 2020 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu nhưng đường vào Mả Phềnh không được đầu tư xây dựng đường bê tông. Ông Nguyễn Đức Toàn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đông Ngũ, cho rằng, tuyến đường này không phải tuyến đường liên thôn, liên xã mà nó chỉ là một cụm dân cư. Vì vậy, cái này thuộc kinh phí đầu tư hàng năm của xã. Do đặc thù là huyện miền núi, dân cư ở phân tán nên việc đầu tư nguồn lực tập trung rất khó.
“Trước mắt, xã tu sửa, khắc phục tạm thời để các cháu học sinh và bà con đi lại. Xã cũng vận động xã hội hóa được vài chục triệu đồng và giao cho thôn cùng với cán bộ xã làm rọ sắt, sau đó cho đá vào để làm đường đi lại ở khu vực suối để việc đi lại không bị gián đoạn”, ông Nguyễn Đức Toàn nói.
Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện Tiên Yên cho biết, đã đề nghị tỉnh hỗ trợ 2,5 tỷ đồng từ Quỹ Phòng chống thiên tai tỉnh để xây mới công trình đường tràn thôn Bình Sơn, xã Đông Ngũ. Nếu được chấp thuận, công trình sẽ được xây dựng hệ thống cống tràn liên hợp bằng các ống tròn bê tông cốt thép gồm 8 cống tròn thoát nước liên hợp, mỗi cống gồm 4 ống cống bê tông đúc sẵn, liên kết với nhau bằng khối bê tông chèn. Tuyến đường dẫn tràn có chiều rộng 3,5m, tổng chiều dài tuyến khoảng 90m kết nối hai bên bờ. Kết cấu xây đá hộc địa phương, bọc ngoài lớp bê tông cốt thép.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google