Quảng Ninh chủ động hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo
Quảng Ninh xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là "chìa khóa" xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại và hội nhập quốc tế.
Quảng Ninh ưu tiên hợp tác trong giáo dục
Thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện Giáo dục và Đào tạo, tỉnh Quảng Ninh đã triển khai các giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình, bước đi phù hợp, góp phần tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đưa Quảng Ninh sớm trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện ở phía Bắc.
Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo phát triển Giáo dục và Đào tạo, nhằm thực hiện quan điểm "Giáo dục và Đào tạo" là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển, được ưu tiên đi trước một bước trong các chương trình phát triển kinh tế - xã hội".
Tỉnh Quảng Ninh duy trì và mở rộng mối quan hệ song phương với các tỉnh, vùng lãnh thổ; xây dựng cơ chế thu hút đầu tư vào công tác đào tạo; tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo; cải tiến quản lý các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.
Ngành Giáo dục và Đào tạo đã tham mưu, đề xuất đưa nội dung hợp tác về lĩnh vực giáo dục vào các thỏa thuận hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh với các đối tác nước ngoài như: Thành phố Manchester (Anh), tỉnh Irkutsk (Nga), Karlovy Vary (Séc), Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc); Trường Đại học Phủ Osaka (Nhật Bản)...
Quảng Ninh cũng tham gia Dự án "Vì sự phát triển của trẻ em châu Á Thái Bình Dương" dưới sự bảo trợ của Công chúa Hoàng Gia Thái Lan Maha Chakri Sirindhon (tại Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Hùng Thắng, thành phố Hạ Long); Dự án chương trình dạy tăng cường tiếng Pháp và bằng tiếng Pháp theo chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại trường Tiểu Hữu Nghị, Trường Trung học phổ thông Hòn Gai (thành phố Hạ Long).
Đặc biệt, thực hiện Dự án của tổ chức JICA (Nhật Bản) về xây dựng hệ thống thu gom rác thải ở vịnh Hạ Long về bờ xử lý bằng tàu chạy nhiên liệu sinh học; Dự án đào tạo nâng cao năng lực ngoại ngữ với các nước Malaysia, Singapore, Mỹ, đã giúp cho tỉnh nhanh chóng có nguồn nhân lực đáp ứng phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế, đẩy mạnh phát triển công nghệ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh, nhất là Trường Đại học Hạ Long, cũng đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác hợp tác quốc tế. Đại học Hạ Long đã chủ động tìm kiếm các cơ hội hợp tác với các tổ chức nước ngoài về việc hỗ trợ các chuyên gia, giảng viên tình nguyện hỗ trợ giảng dạy ngoại ngữ và chuyên ngành cho sinh viên; ký kết hợp tác với các tổ chức quốc tế; tranh thủ nguồn lực của các dự án, tổ chức phi chính phủ trong thực hiện các dự án quốc tế.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Đức Tiệp, Hiệu trưởng Trường Đại học Hạ Long, nhà trường không ngừng mở rộng quan hệ với các đối tác nước ngoài như Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Lào, Nga, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc... Đặc biệt tận dụng triệt để nguồn lực quốc tế về việc tiếp nhận tình nguyện viên, chuyên gia từ nhiều quốc gia trên thế giới đến giao lưu, giảng dạy, nhằm hỗ trợ trang bị kiến thức và kỹ năng mềm cho sinh viên.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, trên địa bàn tỉnh hiện có 4 cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài, trên 30 cơ sở giáo dục thường xuyên có yếu tố nước ngoài được thành lập và đi vào hoạt động; có 531 lưu học sinh Lào học tập tại Quảng Ninh, 131 học sinh Quảng Ninh học tập tại Trung Quốc.
Đặc biệt, có nhiều học sinh đoạt giải trong các kỳ thi quốc tế, giành học bổng toàn phần của các trường đại học hàng đầu thế giới. Chất lượng dạy và học tiếng Anh từng bước được nâng lên. Nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý được cử đi học tập ở nước ngoài, nhiều học sinh, sinh viên được thụ hưởng chương trình học bổng của các nước trong khu vực và trên thế giới.
Nhờ chủ động hội nhập quốc tế, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có nhiều đổi mới, đạt được những thành quả đáng ghi nhận, góp phần vào kết quả, chất lượng nguồn nhân lực của tỉnh. Đến nay tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 86,46%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 50%.
Tuy nhiên mặc dù việc chủ động hội nhập quốc tế về Giáo dục và Đào tạo đã tạo nên những kết quả đáng kể nhưng vẫn còn gặp một số tồn tại như: Tìm kiếm thông tin để hợp tác với các đối tác nước ngoài còn gặp khó khăn; các nhà trường chưa có nhiều điều kiện để tìm hiểu cụ thể các trường đại học và cơ quan nước ngoài muốn hợp tác đào tạo để quyết định hợp tác...
Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, thời gian tới để có những bước tiến mang tính đột phá hơn nữa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực cho tỉnh và đất nước, việc hội nhập quốc tế trong lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục được thực hiện xuyên suốt với lộ trình, bước đi phù hợp với điều kiện thực tế và năng lực của tỉnh trong từng giai đoạn cụ thể.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google