Quảng Ninh: Chi hơn 8 tỷ đồng ngân sách cải thiện thể lực cho trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mức cao
Tỉnh Quảng Ninh sẽ chi hơn 8 tỷ đồng từ ngân sách để cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mức cao nói chung ở 64 xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố và 16 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số thuộc tỉnh.
Đây là động thái nhằm nỗ lực nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh này.
Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2025, giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân xuống dưới 11%, thể thấp còi xuống dưới 17%; nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi.
Trong những năm qua, cùng với những thành tựu phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững, tỉnh Quảng Ninh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, chăm sóc, bảo vệ bà mẹ và trẻ em, phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em. Người dân trong tỉnh ngày càng được thụ hưởng những dịch vụ chăm sóc sức khỏe, y tế, giáo dục tốt hơn; tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng đã giảm nhiều so với trước.
Tuy nhiên, qua số liệu cũng cho thấy, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới của tỉnh vẫn còn nhiều trẻ bị suy dinh dưỡng, tầm vóc trẻ em vùng miền núi còn nhỏ bé hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa vùng đô thị. Hiện toàn tỉnh có 16 xã (132 thôn, bản) vùng đồng bào dân tộc thiểu số có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng cao nhất trong tỉnh hiện nay (thể nhẹ cân còn trên 11%, thể thấp còi còn trên 17%).
Để cải thiện tình hình trên, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Đề án "Tuyên truyền, vận động cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi tỉnh Quảng Ninh, giai đoạn 2022 - 2025".
Theo Đề án, tỉnh sẽ chi hơn 8 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước để triển khai các hoạt động nhằm cải thiện dinh dưỡng, thể lực cho trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng mức cao 16 xã và trẻ em nói chung ở 64 xã thuộc 8 huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh, gồm: Hạ Long, Móng Cái, Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà, Vân Đồn.
Từ Đề án này, nhiều hoạt động thiết thực đã được triển khai đồng bộ nhằm từng bước cải thiện sức khỏe cho trẻ vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Trong đó, đáng chú ý phải kể đến các mô hình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe dinh dưỡng cho trẻ được các cấp Hội Phụ nữ địa phương triển khai, nhân rộng.
Đơn cử, tháng 6/2024, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Ba Chẽ thành lập 2 mô hình "Chăm sóc và giáo dục trẻ thơ" tại 2 xã Thanh Lâm và Đạp Thanh. Đây là 2 trong số 16 xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh có tỷ lệ trẻ bị suy dinh dưỡng cao nhất trong tỉnh hiện nay.
Mục tiêu mà mô hình hướng đến là giúp các bậc cha mẹ gần gũi hơn với con cái, có thêm những kỹ năng "làm bạn" với con, cung cấp kiến thức nuôi dạy con theo khoa học; chế độ dinh dưỡng chăm sóc trẻ, tìm hiểu về phòng chống bạo lực gia đình; nêu gương những bậc cha mẹ có phương pháp nuôi dạy con tốt; xây dựng một số tình huống thường gặp trong cách cư xử giữa cha mẹ và con cái.
Bên cạnh đó, cùng với việc xây dựng các mô hình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, nhiều đơn vị cũng thường xuyên phối hợp với các nhãn hàng sữa để vận động xã hội hóa, trao tặng sản phẩm dinh dưỡng, bổ sung vi chất cho trẻ em dưới 5 tuổi vùng dân tộc thiểu số. Cụ thể, Hội Chữ thập đỏ tỉnh, từ đầu năm đến nay, Hội đã phối hợp với Công ty Cổ phần Thực phẩm dinh dưỡng NutiFood tổ chức trao tặng gần 2.000 thùng sữa cho trẻ em khó khăn thuộc địa bàn các vùng dân tộc thiểu số, miền núi của tỉnh như: Hải Sơn (Móng Cái); Đồng Lâm, Quảng La, Dân Chủ (thành phố Hạ Long)… với số tiền gần 1 tỷ đồng.
Ngoài ra, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng đã tổ chức Hội thảo bàn giải pháp cải thiện dinh dưỡng, thể lực, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi. Qua hội thảo, nhiều giải pháp, sáng kiến cũng đã được đội ngũ cán bộ Hội Phụ nữ các cấp trao đổi, chia sẻ nhằm làm tốt hơn công tác chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em tại khu vực vùng cao, vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới của tỉnh.
Cùng với đó, Hội cũng đã và đang tiếp tục phối hợp với các cơ sở giáo dục mầm non nâng cao chất lượng bữa ăn và phối hợp tổ chức các hoạt động giáo dục thể chất cho trẻ tại trường. Đặc biệt là vận động xã hội hóa kinh phí hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của người dân để nâng cao chất lượng khẩu phần ăn, cải thiện bữa ăn tại trường cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đang theo học tại các trường mầm non trên địa bàn; nghiên cứu đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị trường lớp, đồ dùng đồ chơi và tăng cường hỗ trợ chế độ chăm sóc, dinh dưỡng cho trẻ.
Tuy nhiên theo tỉnh Quảng Ninh, để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi ở vùng dân tộc thiểu số, miền núi bị suy dinh dưỡng, cần sự chung tay hơn nữa của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội, đối tác phát triển và nhân đạo và các gia đình...
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google