Quân đội Việt Nam đã có mặt tại Thổ Nhĩ Kỳ, sẵn sàng tham gia cứu hộ

11:22 - 14/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tối 13/2 (giờ địa phương), từ thành phố Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, đoàn công tác cứu hộ, cứu nạn của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tới thành phố Antakya thuộc tỉnh Hatay ở miền Nam nước này.

Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 1.

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu QĐND Việt Nam), Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
trao đổi với đại diện Tổng cục Điều phối thiên tai và tình trạng khẩn cấp thuộc Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ để nắm bắt tình hình. Ảnh: TTXVN

Sẵn sàng cứu hộ ngay khi tới Hatay

Thiếu tướng Phạm Văn Tỵ, Phó cục trưởng Cục Cứu hộ-Cứu nạn (Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam), Phó chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, Trưởng đoàn cho biết mặc dù quãng đường và thời gian di chuyển từ Việt Nam sang đến Antakya khá dài nhưng tất cả 76 quân nhân và 6 chú chó nghiệp vụ đều bảo đảm sức khỏe tốt, tinh thần sẵn sàng rất cao.

Tại sân bay, đoàn sẽ có cuộc trao đổi với đại diện Tổng cục Điều phối thiên tai và tình trạng khẩn cấp thuộc Bộ Nội vụ Thổ Nhĩ Kỳ để nắm nhu cầu của phía bạn. Dự kiến, sau khi nhận hành lý, kiểm kê vật chất, đoàn sẽ cơ động về vị trí đóng quân tại một sân vận động ở Antakya rồi sẽ triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay trong đêm.

Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 2.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của QĐND Việt Nam tới Hatay, sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: TTXVN

Trước đó, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cử lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ gồm 76 quân nhân. Trong đó, Đội Quân y thuộc Tổng cục Hậu cần có quân số 30 người; Đội Công binh cứu sập thuộc Binh chủng Công binh gồm 30 người; Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn thuộc Bộ đội Biên phòng có 9 người và 6 chó nghiệp vụ; Bộ phận chỉ huy và cơ quan gồm 7 người.

Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 3.

Lực lượng cứu hộ, cứu nạn của QĐND Việt Nam mang theo các trang thiết bị cùng chó nghiệp vụ để phục vụ công tác cứu hộ, cứu nạn. Ảnh: TTXVN

Trách nhiệm quốc tế

Thực hiện phương châm đối ngoại của Đảng, Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế; từ truyền thống, đạo lý nhân đạo, tương thân, tương ái của dân tộc; thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thường vụ Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quyết định cử 76 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam tham gia hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 4.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương kiểm tra công tác chuẩn bị hỗ trợ nhân đạo, cứu trợ thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Bộ Quốc phòng

Trận động đất xảy ra tại Thổ Nhĩ Kỳ sáng 6/2 với cường độ mạnh nhất trong vòng gần một thế kỷ qua; đã gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng về người và tài sản cho chính phủ, nhân dân Thổ Nhĩ Kỳ. Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã ban bố tình trạng khẩn cấp; Liên hợp quốc đã kêu gọi cộng đồng quốc tế hỗ trợ ứng cứu, khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Nhiều quốc gia, tổ chức quốc tế đã cử lực lượng, phương tiện, vật chất đến các quốc gia trên để ứng cứu, hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất.

Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đến nay có hơn 90 quốc gia, vùng lãnh thổ và tổ chức quốc tế đã đưa lực lượng cứu hộ, cứu nạn cũng như viện trợ, cam kết viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Mặt khác, "cứu trợ thảm họa, động đất là một hoạt động nhân đạo, việc tham gia hoạt động này thể hiện trách nhiệm quốc tế, tinh thần nhân văn của dân tộc Việt Nam, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh đất nước, con người và Quân đội nhân dân Việt Nam trên trường quốc tế. Đây cũng là hoạt động nhằm tiếp tục củng cố quan hệ hợp tác giữa Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ" - Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh.

Theo Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, 76 cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được cử đi lần này được lựa chọn kỹ. Đội Quân y gồm 30 người, trong đó có nhiều đồng chí đã có kinh nghiệm thực hiện các nhiệm vụ quốc tế, tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại các Bệnh viện dã chiến ở Nam Xu-đăng. Đội Cứu sập (thuộc Binh chủng Công binh) gồm 30 đồng chí; Đội Chó nghiệp vụ tìm kiếm cứu nạn (thuộc Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng) gồm 9 đồng chí bao gồm huấn luyện viên và chỉ huy cùng 6 chó nghiệp vụ cũng đã được huấn luyện hết sức tỉ mỉ và được kiểm nghiệm qua thực tế.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương nhấn mạnh, Bộ Quốc phòng đã giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng cơ quan; đồng thời yêu cầu các cơ quan và cá nhân trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao, cần phối, kết hợp chặt chẽ với nhau để tiếp tục làm tốt công tác chuẩn bị, để đoàn cứu hộ, cứu nạn và quân y của Quân đội nhân dân Việt Nam lên đường đúng thời gian, thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an toàn, chất lượng cao nhất.

Sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ

Từng là bác sĩ Bệnh viện dã chiến cấp 2 của Việt Nam tại phái bộ UMISSS (Cộng hòa Nam Sudan), tham gia nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc (từ năm 2019 đến 2021), Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Trọng Nghĩa (Khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Quân y 354, Tổng cục Hậu cần) tiếp tục có mặt trong lực lượng tham gia khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này. Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Trọng Nghĩa cho biết: "Đêm qua tôi rất bất ngờ khi được Thủ trưởng, Phó Giám đốc Bệnh viện Quân y 354 trực tiếp giao nhiệm vụ. Trước tình hình diễn biến động đất rất nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng về con người tại Thổ Nhĩ Kỳ, tôi luôn xác định mình là người lính, đảng viên, sẵn sàng thực hiện mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Tổ quốc giao cho".

Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 5.

Đoàn Quân đội Nhân dân Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất lên đường thực hiện nhiệm vụ. Ảnh: Bộ Quốc phòng

So với lần tham gia nhiệm vụ quốc tế 2 năm trước, Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Trọng Nghĩa cho biết, có lẽ điều khó khăn nhất của nhiệm vụ lần này chính là quá đột xuất, phải chuẩn bị gấp rất nhiều quân tư trang. Ngay khi nhận nhiệm vụ từ Thủ trưởng Bệnh viện Quân y 354, Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Trọng Nghĩa đã tâm sự, động viên vợ vững tâm ở nhà. Cả đêm hai vợ chồng tất bật chuẩn bị quân tư trang cho chuyến đi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt. Biết thời tiết ở Thổ Nhĩ Kỳ rất khắc nghiệt, khác hẳn khi thực hiện nhiệm vụ tại Nam Xu-đăng trước đây, nhiệt độ dao động 0 độ C, rất lạnh, Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Trọng Nghĩa chuẩn bị nhiều áo bông, miếng dán giữ nhiệt, gừng, quế… các thức uống có khả năng làm ấm cơ thể…

Xót xa khi xem hình ảnh các nạn nhân sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ trên các phương tiện thông tin đại chúng, Đại úy Quân nhân chuyên nghiệp Lê Trọng Nghĩa đã tự hứa với bản thân, sẽ cố gắng hết mình cứu chữa cho người dân nước sở tại.

Là thành viên Đội Quân y (Tổng cục Hậu cần) sang Thổ Nhĩ Kỳ, Thượng tá Văn Trọng Trung, Phó Chủ nhiệm Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Quân y 354 cho biết, anh rất đau lòng khi thấy cảnh đổ nát, chết chóc sau cơn động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ và chia sẻ: "Tâm thế của anh em là rất nóng lòng được sang nước bạn, trực tiếp cứu trợ, cứu nạn".

Thượng tá Văn Trọng Trung cho biết thêm, về cá nhân, các y, bác sĩ, nhân viên y tế của Đội Quân y đã chuẩn bị đầy đủ quân tư trang cho sinh hoạt trong điều kiện thời tiết mùa đông ở Thổ Nhỹ Kỳ; các trang thiết bị vật tư như máy móc, thuốc men, vật tư y tế, các dụng cụ phẫu thuật... cũng đã được chuẩn bị đầy đủ.

Lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam sẵn sàng tham gia hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ - Ảnh 6.

Thượng tướng Nguyễn Tân Cương và các đại biểu chụp ảnh chung với Đoàn QĐND Việt Nam sang Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất trước giờ lên đường. Ảnh: Bộ Quốc phòng

Trong y học, cấp cứu thảm họa là chuyên ngành tương đối mới, mới chỉ được học đào tạo trong học viện, nhưng với kinh nghiệm tham gia cấp cứu, điều trị trong các đợt phòng, chống dịch COVID-19 ở phía Nam vừa qua, Thượng tá Văn Trọng Trung và đội ngũ y, bác sĩ, nhân viên y tế của Quân đội nhân dân Việt Nam tự tin sẽ thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.

Đội Cứu sập (Binh chủng Công binh) sang Thổ Nhĩ Kỳ được biên chế nhiều trang bị, khí tài, thiết bị công binh hiện đại, gọn nhẹ, cơ động. Thiếu tá Trần Thế Thành, Trợ lý Tham mưu Tiểu đoàn 193, Bộ Tham mưu, Bộ Tư lệnh Công binh cho biết, ngay từ khi nhận nhiệm vụ, đơn vị đã quán triệt, xác định quyết tâm cho toàn đội, đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, từ đó làm công tác chuẩn bị, lập danh sách, lựa chọn cá nhân có trình độ, năng lực, chuyên môn, trình độ tiếng Anh tốt để sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ. Nhiệm vụ chính của Đội là tìm kiếm các nạn nhân, từ đó cứu nạn, đưa các nạn nhân còn sống về các vị trí an toàn và tiếp tục giải quyết hậu quả sau khi đến. Đây đều là những nhiệm vụ mà các cán bộ, chiến sĩ Binh chủng Công binh thực hiện tại các cuộc diễn tập trong nước cũng như quốc tế, cũng như trong các nhiệm vụ quốc tế. "Xác định thực hiện nhiệm vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ là một trong những nơi khó khăn về điều kiện thời tiết, tuy nhiên từ những khó khăn đó, đơn vị đã bàn bạc, đề ra biện pháp để đảm bảo điều kiện ăn ở của từng cá nhân và các phương án để hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao. Toàn đội chúng tôi đã sẵn sàng giúp đỡ các nạn nhân tại Thổ Nhĩ Kỳ" - Thiếu tá Trần Thế Thành nói.

Chuẩn bị toàn diện, sẵn sàng đáp ứng

Công tác đảm bảo hậu cần nói chung và đảm bảo quân y nói riêng trong thời gian qua luôn được Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Đặc biệt, Tổng cục Hậu cần thường xuyên quan tâm chuẩn bị từ trước, từ xa cho các nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu nói chung và phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn nói riêng. Trung tướng Trần Duy Giang, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần cho biết, công tác hậu cần trong đợt tham gia nhiệm vụ tại Thổ Nhĩ Kỳ lần này sẽ tập trung chủ yếu vào việc bảo đảm sẵn sàng về quân y cho các lực lượng của Quân đội nhân dân Việt Nam và một số nước khi có yêu cầu. Điều quan trọng nhất là bảo đảm cứu hộ, cứu nạn cho các lực lượng, nhân dân ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sau khi xảy ra thảm họa, trong đó có việc tập trung tìm kiếm người bị thương, cứu chữa nạn nhân.

Về cơ sở vật chất, Tổng cục Hậu cần đã chỉ đạo chuẩn bị toàn diện, đầy đủ các mặt, trong đó có thuốc, vật chất quân y và các vật chất cần thiết liên quan đến bảo đảm đời sống cho nhân dân, sẵn sàng đáp ứng khi có yêu cầu.

Nguồn: TTXVN/mod.gov.vn