Công dân khuyến học

Quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp: Không để các hoạt động bị gián đoạn

Quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp: Không để các hoạt động bị gián đoạn

23:25 - 13/03/2025
Công dân & Khuyến học trên

Tại phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình yêu cầu: không để các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như các dịch vụ công đối với người dân đứt gãy, gián đoạn.

Chiều 13/3, Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp đã họp Phiên họp lần thứ nhất. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp.
Không để các hoạt động chỉ đạo, điều hành bị gián đoạn trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy - Ảnh 1.

Phiên họp lần thứ nhất Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp. Ảnh: VGP

Sẽ phải sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để quy định về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo đã công bố Quyết định số 571/QĐ-TTg ngày 12/3/2025 về việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Hải Ninh thông tin về kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo, theo đó, sắp tới sẽ phải sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương để quy định về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, phân định rõ nhiệm vụ giữa chính quyền cấp tỉnh và cấp dưới tỉnh; các vấn đề liên quan đến chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương khi sắp xếp, tổ chức lại thành 2 cấp.

Theo đó, Bộ Tư pháp sẽ trao đổi với các cơ quan của Quốc hội xem có cần thiết phải xây dựng một nghị quyết xử lý một số vấn đề khi tổ chức lại đơn vị hành chính giống như Nghị quyết số 190/2025/QH15 của Quốc hội hay không. Phương án hoàn hảo nhất, khi sắp xếp tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp ở địa phương thì các bộ phải rà soát những nội dung thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của bộ mình và đề xuất 1 luật sửa nhiều luật. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp, một hệ thống pháp luật mà lúc nào cũng dùng nghị quyết mang tính chất xử lý tình huống thì không thực sự ổn lắm. 

Về nội dung này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhận định, nếu giải quyết một luật sửa nhiều luật không thể kịp vào kỳ họp Quốc hội tháng 5 này. Chúng ta đang quy định theo mô hình chính quyền địa phương 3 cấp, trong đó có những lĩnh vực chuyên ngành chính quyền cấp huyện có nhiều thẩm quyền và giải quyết rất nhiều thủ tục hành chính, ví dụ như lĩnh vực đất đai. Theo đó, kế hoạch chưa thể hiện khi nào chính thức kết thúc mô hình chính quyền huyện, sau khi sáp nhập cấp xã hay đến khi hoàn thành cấp tỉnh. Nếu kết thúc vào 30/6 thì cần thiết phải có Nghị quyết của Quốc hội, trong đó xử lý những vấn đề có tính cấp bách và căn cốt nhất liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho rằng, đất đai, an sinh xã hội, giáo dục, y tế… những vấn đề này thuộc thẩm quyền của cấp huyện. Trong Luật Đất đai, rất nhiều nội dung phụ thuộc vào cấp huyện, từ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện cho đến cấp giấy chứng nhận lần đầu… 

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy kiến nghị nên ban hành một nghị quyết của Quốc hội vào tháng 5/2025 và sửa Luật vào tháng 10/2025. Nếu vấn đề này không xử lý kịp thời sẽ ách tắc rất lớn kể cả trong quản lý xã hội lẫn phát triển kinh tế- xã hội. Khi báo cáo Trung ương xong cũng cần thống nhất thời điểm dừng mô hình chính quyền cấp huyện để Chính phủ chủ động trong việc xây dựng các văn bản hướng dẫn và các nội dung khác đi theo.

Đồng tình, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Phương Thủy nêu: sau Hội nghị Trung ương cần trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghị quyết về việc sắp xếp các đơn vị hành chính để làm cơ sở cho các địa phương xây dựng đề án và triển khai sớm việc sắp xếp.

Theo đó, bớt chính quyền cấp huyện và phân quyền nhiều hơn cho chính quyền cấp xã, ngoài yêu cầu tăng nhiệm vụ quyền hạn, đội ngũ cán bộ, công chức thì yêu cầu về nguồn lực hết sức quan trọng. Không sửa Luật Ngân sách Nhà nước để thay đổi định mức phân bổ cho các cấp chính quyền thì cấp xã không có đủ nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao. Luật Ngân sách Nhà nước là một ưu tiên cần sửa đổi bổ sung ngay, nếu không sẽ "tắc".

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội cho rằng, vừa qua mới sắp xếp bộ máy theo chiều ngang, cơ bản thẩm quyền tương đương nhau. Bây giờ bỏ 1 cấp chính quyền, phải có cách xử lý vấn đề phân định lại thẩm quyền trong khi sửa các văn bản pháp luật có liên quan. Có những nội dung cần phải quy định rõ hơn. Ví dụ, cái gì phải thay đổi giấy tờ, cái gì không phải thay, cần phải khẳng định rõ. Không nên quy định theo hướng nếu người dân có nhu cầu thì thay đổi.

Sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 đơn vị - "gần như là một huyện nhỏ"

Tại phiên họp, Bộ trưởng Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu: khối lượng công việc tới đây rất nhiều, Bộ Chính trị sẽ họp thống nhất chủ trương, sau đó Đảng ủy Chính phủ sẽ gửi đề án lấy ý kiến của các địa phương và gửi các bộ, ngành để cho ý kiến. Dự kiến khoảng trung tuần tháng 4/2025, Ban Chỉ đạo báo cáo Ban Chấp hành Trung ương.

Về việc tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã, theo Bộ trưởng Nội vụ, hiện là 10.035 đơn vị, sẽ tổ chức lại quy mô chỉ còn khoảng 2.000 đơn vị, "gần như là một huyện nhỏ". Việc này thuộc thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có thể làm ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương. 

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, sau khi Hiến pháp sửa đổi; sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương và các luật có liên quan có hiệu lực, sẽ kết thúc hoạt động của chính quyền địa phương cấp huyện.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, khi đã có đầy đủ cơ sở pháp lý là Hiến pháp sửa đổi, Luật sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đặc biệt có cả Nghị quyết thì chúng ta tập trung vào sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh… Sau đó sẽ triển khai các việc liên quan đến đại hội Đảng. Tất cả việc liên quan đến Mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cũng hoàn thành song song.

Không để các hoạt động chỉ đạo, điều hành bị gián đoạn trong quá trình sắp xếp, tinh gọn bộ máy - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP

Kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, đây là việc rất hệ trọng, liên quan đến quốc gia, đến nhân dân, đến tổ chức hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, công việc rất nhiều, rất phức tạp, đòi hỏi phải hoàn thành với chất lượng cao nhưng thời gian rất khẩn trương, Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành và các thành viên Ban Chỉ đạo phát huy tinh thần trách nhiệm, tham gia đầy đủ các phiên họp, nghiên cứu kỹ các tài liệu, có đóng góp cho Ban Chỉ đạo để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Theo Phó Thủ tướng, Ban Chỉ đạo mặc dù chỉ tồn tại mấy tháng nhưng chúng ta cũng phải làm việc cật lực và chất lượng cao, yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng đề nghị Bộ Nội vụ tiếp thu các ý kiến tại phiên họp để hoàn thiện kế hoạch. Về tiến độ, cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ…, ngày 14/3 Bộ Chính trị sẽ quyết và có thông báo. 

Cũng theo Phó Thủ tướng, trong đề án Chính phủ trình có khoảng 1/3 nhiệm vụ của huyện chuyển lên tỉnh, 2/3 chuyển xuống xã - xuống cơ sở. Trong tuần sau, Bộ Chính trị chủ trương lấy ý kiến tất cả các tổ chức đảng, bộ, ngành, địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Hòa Bình cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho một số bộ, ngành, đề nghị các cơ quan, Viện Kiểm sát, Tòa án chủ động đề xuất các nhiệm vụ liên quan đến trình tự, thẩm quyền tố tụng.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, trong quá trình thực hiện sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp phải được triển khai một cách chắc chắn, tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Theo đó, không để các hoạt động chỉ đạo, điều hành cũng như các dịch vụ công đối với người dân đứt gãy, gián đoạn.

Nguồn: Tổng hợp
Bình luận của bạn

Bình luận

icon icon