Phương án sắp xếp, tinh gọn Ngân hàng Nhà nước, Bảo hiểm xã hội
Ngân hàng Nhà nước sẽ giảm các chi nhánh và sắp xếp lại cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng từ tổng cục xuống cục. Trong khi đó, Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ sáp nhập, hợp nhất để giảm 5 đơn vị.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh nguyên tắc sắp xếp tổ chức bộ máy là nhất quán tuân thủ và nghiêm túc triển khai thực hiện sắp xếp, tinh gọn theo định hướng, kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo của Chính phủ về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách.
Phương án tinh gọn bộ máy Ngân hàng Nhà nước
Về phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo cụ thể về phương án sắp xếp các vụ, cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc; phương án sắp xếp cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng và các chi nhánh Ngân hàng Nhà nước ở các địa phương.
Trong đó có 2 khối giảm lớn nhất là chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tại các tỉnh, thành phố và sắp xếp lại cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng từ mô hình tổng cục xuống cục.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh, trong quá trình triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy cần làm tốt công tác tư tưởng để tạo sự đồng thuận trong hệ thống, đồng thời nghiên cứu đề xuất các chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động bị ảnh hưởng.
Công tác thanh tra, giám sát ngân hàng phải đảm bảo quy mô hợp lý, đủ người, đủ trách nhiệm để thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ được giao.
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy thời gian quan, đơn vị đã quán triệt nghiêm túc, khẩn trương triển khai việc sắp xếp, tinh giản bộ máy, nhanh chóng thành lập Ban Chỉ đạo do Thống đốc làm Trưởng ban, triển khai xây dựng các phương án sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo tinh thần một việc một đầu mối.
Đại diện Ngân hàng Nhà nước đã nêu một số khó khăn liên quan đến việc sắp xếp (có lộ trình để bảo đảm hoạt động thường xuyên về nghiệp vụ của ngành, bảo đảm an toàn tài sản của nhà nước) và việc bảo đảm chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động sau khi sắp xếp bộ máy.
Cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tiếp nhận nhân sự
Với phương án sắp xếp Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ý kiến của các bộ liên quan thống nhất với phương án chuyển một phần chức năng, nhiệm vụ và nhân sự về Bộ Tài chính và phần còn lại chuyển về Ngân hàng Nhà nước theo tinh thần "người đi theo việc".
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ thì tiếp nhận nhân sự. Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia phối hợp với Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước để triển khai phương án chuyển giao nhân sự; đề xuất chuyển giao trụ sở, tài sản.
Quá trình chuyển giao đảm bảo nguyên tắc tách bạch chức năng quản lý nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu, các bộ quản lý ngành, trên cơ sở tiếp nhận bộ máy nhân sự "người theo việc" hình thành đơn vị độc lập thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp.
Với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, phương án chuyển giao nguyên trạng chức năng, nhiệm vụ thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty về các bộ quản lý chuyên ngành.
Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ngành, tổng công ty liên quan đều khẳng định tinh thần quyết tâm thực hiện nghiêm việc tổ chức sắp xếp, tinh gọn bộ máy theo đúng chỉ đạo, kế hoạch và tiến độ của cấp có thẩm quyền đề ra.
Đại diện các doanh nghiệp đã kiến nghị một số nội dung cần xử lý ngay để bảo đảm hoạt động sản xuất kinh doanh liên tục; mong muốn qua sắp xếp, cơ cấu lại sẽ hoàn thiện cơ chế, chính sách, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, nâng cao năng lực quản trị, linh hoạt trong sản xuất kinh doanh, đảm bảo tính cạnh tranh trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Tinh gọn bộ máy Bảo hiểm xã hội giảm 5 đơn vị
Tổng giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đề xuất việc sắp xếp tinh gọn bộ máy theo hướng giảm 5 đơn vị từ 21 ban và tương đương hiện nay.
Tương tự, tại Bảo hiểm xã hội các tỉnh cũng sẽ sắp xếp để giảm 24,6% đầu mối. Ở cấp huyện cũng tiếp tục tinh gọn, tổ chức mô hình liên huyện tại các địa phương thuận lợi, đồng thời có tính toán tới đặc thù những huyện khó khăn.
Lãnh đạo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Nội vụ, Bộ Tư pháp… thống nhất cao với việc tổ chức Bảo hiểm xã hội Việt Nam trực thuộc Bộ Tài chính. Đồng thời, cần tính toán, thiết kế để bảo đảm tính độc lập tương đối phù hợp với tính đặc thù của cơ quan này.
Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ, tinh gọn để bộ máy gọn nhẹ, giảm chi thường xuyên, đầu mối phải giảm tối thiểu 15%. Đặc biệt, bộ máy làm việc phải giữ ổn định để bảo đảm quyền lợi cho người tham gia Bảo hiểm xã hội.
Đồng thời yêu cầu thu gọn đầu mối bộ máy Bảo hiểm xã hội ở Trung ương, chỉ giữ các đơn vị "xương sống", sáp nhập, hợp nhất các đơn vị có tính chất tương đồng; thu gọn đầu mối bảo hiểm các tỉnh.
Đối với các huyện miền núi, do đặc thù địa hình, thì nên giữ nguyên. Khu vực đồng bằng có thể thu gọn lại và thành lập mô hình bảo hiểm xã hội liên huyện.
Ngoài ra, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vẫn quản lý Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, Quỹ Bảo hiểm y tế.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google