Phụ huynh cảnh giác trước thủ đoạn mạo danh công ty du lịch, trường học
Thời gian gần đây, một số các công ty du lịch, tổ chức, trường học… bị kẻ gian mạo danh nhằm lợi dụng lòng tin của người dân để chiếm đoạt tài sản, chuyên gia VPBank chia sẻ cẩm nang ứng phó.
Nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn mạo danh công ty du lịch, trường học
VPBank khuyến cáo Khách hàng nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn mạo danh công ty du lịch, trường học để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của phụ huynh và các gia đình.
Đối với hình thức giả mạo công ty du lịch, do hiện nay, nhu cầu đi lại, du lịch của người dân tăng cao, kẻ gian tinh vi lừa đảo dưới nhiều hình thức. Một số hình thức giả mạo công ty du lịch đã được các chuyên gia cảnh báo như sau:
Tạo ra các trang fanpage Facebook, Website mạo danh các Công ty du lịch uy tín và chạy quảng cáo chào bán các tour du lịch với các mức giá rất hấp dẫn so với mặt bằng chung kèm theo nhiều tiện ích và ưu đãi. Làm giả hợp đồng, hóa đơn và đề nghị khách hàng chuyển tiền cọc từ 30-50% hoặc chuyển toàn bộ chi phí để “giữ phòng”, “giữ chỗ”. Tài khoản được chỉ định cũng được các đối tượng giả mạo, giống tên với các công ty du lịch uy tín. Sau khi khách hàng chuyển tiền, kẻ gian chặn mọi liên hệ và chiếm đoạt toàn bộ số tiền của Khách hàng.
Các hình thức giả mạo trường học cũng được các chuyên gia chỉ rõ để các phụ huynh, gia đình và học sinh cảnh giác tránh mắc bẫy của kẻ gian.
Thực tế, một số trường học thời gian vừa qua đã phát đi cảnh báo về việc bị các đối tượng mạo danh để chiếm đoạt tiền của học sinh, sinh viên với nhiều hình thức
Hình thức lừa đảo đang có xu hướng phổ biến nhất là mạo danh các website, fanpage của trường học, hoặc sử dụng tài khoản zalo có tên trùng với tên của nhà trường để thông báo tới học sinh, sinh viên/phụ huynh về các khoản phí phải thu và yêu cầu chuyển khoản vào một tài khoản được chỉ định. Để tạo lòng tin, tài khoản chỉ định được kẻ gian cố tình tạo trùng với tên và số tài khoản thật của nhà trường nhưng được mở tại ngân hàng khác. Sau khi học sinh/sinh viên/phụ huynh chuyển tiền, đối tượng chặn liên hệ và chiếm đoạt toàn bộ số tiền trên.
Phụ huynh cần làm gì trước thủ đoạn mạo danh để lừa đảo?
Theo các chuyên gia của VPBank, nhằm bảo vệ tài sản của chính mình, phụ huynh học sinh/người dân nói chung cần chú ý các biện pháp sau đây:
Phụ huynh cần nâng cao tinh thần cảnh giác, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi lựa chọn các gói du lịch, nên lựa chọn dịch vụ đặt tour, đặt phòng, đặt vé máy bay của những công ty có uy tín hoặc đặt trên các app du lịch phổ biến. Cần kiểm tra kỹ thông tin trước khi thanh toán tiền cho bất cứ dịch vụ nào trên mạng xã hội; nên gọi điện trực tiếp đến các công ty/trường học để xác minh lại thông tin. Trường hợp nghi vấn đối tượng lừa đảo cần báo ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất để được hướng dẫn, hỗ trợ xử lý kịp thời.
Có thể nói, trong xã hội mà công nghệ và internet đang phát triển mạnh mẽ, các thủ đoạn mạo danh để lừa đảo ngày càng tinh vi, vì vậy phụ huynh càng phải chủ động, cảnh giác để bảo vệ tài sản của chính mình và gia đình.
Sự giáo dục trong gia đình cũng quan trọng, các bậc phụ huynh cần chia sẻ những kỹ năng, kinh nghiệm dành cho các con, em mình để có thể có những kiến thức cơ bản trong việc nhận biết các thủ đoạn lừa đảo, từ đó tránh mắc bẫy giả mạo của các kẻ xấu.
Phụ huynh cũng cần kiểm tra và xác minh thông tin một cách cẩn thận khi nhận được các tin nhắn, cuộc gọi hay email từ những nguồn không rõ ràng. Kiểm tra thông qua các kênh liên lạc chính thống của các tổ chức chủ quản, các cơ quan chức năng liên quan, hoặc cơ quan an ninh để xác minh thông tin một cách đầy đủ, rõ ràng trước khi quyết định.
Phụ huynh cũng cần tự trang bị các dãy mật khẩu, trang bị các công cụ bảo vệ tài khoản trực tuyến của mình để giúp tăng cường an toàn thông tin.
Những biện pháp trên sẽ giúp phụ huynh bảo vệ gia đình trước các thủ đoạn mạo danh và lừa đảo.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google