Phòng ngừa sớm bạo lực gia đình, tăng cường truyền thông đến vùng khó khăn
Chiều ngày 14/6/2022, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường tiến hành thảo luận về dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi).
Bạo lực gia đình là một dạng thức của bạo lực xã hội, là “hành vi cố ý của các thành viên gia đình gây tổn hại hoặc đe dọa gây tổn hại… với các thành viên khác trong gia đình” (Điều 1, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2007). Theo một nghiên cứu, 30% phụ nữ trên thế giới bị bạo hành gia đình. 66% số vụ ly hôn ở Việt Nam liên quan đến bạo hành gia đình, 25% gia đình có hành vi bạo lực tinh thần. 30% cặp vợ chồng xảy ra hiện tượng ép buộc quan hệ tình dục. 5% phụ nữ thường xuyên bị chồng đánh đập. 82% hộ dân nông thôn và 80% hộ ở thành phố có xảy ra bạo lực.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã quan tâm phòng, chống bạo lực gia đình và đã ban hành nhiều văn bản luật trực tiếp và gián tiếp như: Hiến pháp, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, Bộ luật Dân sự... và đặc biệt Luật phòng, chống bạo lực gia đình 2007. Những văn bản này đã tạo ra chuyển biến tích cực trong đời sống xã hội trong lĩnh vực phòng, chống bạo lực gia đình. Nhưng các quy phạm pháp luật này chưa thực sự đi vào cuộc sống, tình trạng bạo lực trong gia đình chưa có nhiều thay đổi và chưa có những chuyển biến tích cực.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, các đại biểu trước phiên họp toàn thể, đã thảo luận tại tổ về dự án Luật này. Các ý kiến đại biểu rất phong phú, cụ thể, gợi mở nhiều vấn đề cho Ban soạn thảo.
Một số đại biểu đề nghị, rất cần đẩy mạnh công tác thông tin truyền thông, giáo dục phòng, chống bạo lực gia đình ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong xử lý mâu thuẫn gia đình, cần quy định rõ hơn mối quan hệ giữa hòa giải với việc xử lý người có hành vi bạo lực gia đình.
Về biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, đại biểu cho rằng đây là việc cần tiến hành sớm, tuy nhiên, nội dung này trong dự thảo Luật còn hạn chế, chủ yếu là tập trung vào công tác thông tin, tuyên truyền.
Đối với 18 nội dung dự thảo quy định về hành vi bạo lực gia đình, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo phân loại theo nhóm, tính chất, mức độ hành vi để làm cơ sở xây dựng quy định, chế tài tương ứng với các điều khoản tiếp theo của Luật này, vừa bảo đảm tính khoa học, dễ tiếp cận và áp dụng được thuận lợi hơn. Cũng cần xem xét đưa vào Luật các hình thức cưỡng ép tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, các hành vi lợi dụng phong tục, tập quán biến tướng gây ra bạo lực gia đình như tục bắt vợ... Các biện pháp bảo vệ trẻ em cần được quy định ở mức độ cao hơn và sớm hơn.
Về ý kiến đề nghị đưa vào Luật các hình thức bạo lực gia đình với những trường hợp đã li hôn, các đại biểu đã tranh luận, làm rõ hơn nội hàm khái niệm "gia đình" để xác định hành vi thuộc chế tài của luật liên quan.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, đây là dự án luật được dư luận xã hội cũng như đại biểu Quốc hội quan tâm nên sau khi Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng báo cáo giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu Quốc hội nêu, Tổng Thư ký Quốc hội sẽ có báo cáo tổng hợp gửi đại biểu Quốc hội và các cơ quan có liên quan.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google