Phó Thủ tướng Lê Thành Long: Một người công dân tốt là một người công dân học tập với những năng lực số
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhận định, một người công dân tốt trong giai đoạn hiện nay sẽ đồng thời là một người công dân học tập với những năng lực số và khả năng sống thích ứng với môi trường số, trong một quốc gia chuyển đổi số.
Ngày 30/9/2024, phát biểu tại Hội thảo khoa học tổ chức trực tiếp tại Hà Nội kết hợp trực tuyến với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương với chủ đề "Học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới", Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nhận định, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trở thành một trong những yếu tố cốt lõi để Việt Nam có thể sánh vai với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Việc học tập, làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là tiếp thu tri thức mà còn là sự phấn đấu để trở thành những người công dân gương mẫu, những cán bộ liêm chính, có đạo đức, có tầm nhìn, và tinh thần cống hiến cho đất nước, cho nhân dân.
Thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương và sự phối hợp chặt chẽ của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Hội Khuyến học Việt Nam đã thể hiện tốt vai trò là một tổ chức xã hội, lấy khuyến học, khuyến tài làm tôn chỉ hoạt động, coi xã hội học tập là nhiệm vụ trọng tâm, thực hiện việc học tập suốt đời như một đạo lý của dân tộc có truyền thống hiếu học.
Các hoạt động hỗ trợ, thúc đẩy học tập suốt đời của Hội Khuyến học Việt Nam đã tạo thêm sức mạnh để nền giáo dục nước nhà ngày một phát triển vững chắc và đạt được nhiều kết quả quan trọng trên trường quốc tế…
Phó Thủ tướng đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sâu sát các hoạt động khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo và các cơ quan, Bộ ngành, đoàn thể tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Khuyến học Việt Nam để đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; tích cực hưởng ứng phong trào cả nước thi đua xây dựng xã hội học tập, đẩy mạnh học tập suốt đời do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Các Ban, Bộ, ngành, đoàn thể và mọi người dân căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ được giao, xác định nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm trong từng giai đoạn để không ngừng phấn đấu trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong thời kỳ mới của đất nước.
Thông qua hội thảo hôm nay, tiếp tục nghiên cứu, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công dân tốt, cán bộ tốt để vận dụng vào việc không ngừng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên, hội viên khuyến học và việc giáo dục chính trị, tư tưởng, ý thức công dân cho học sinh, sinh viên, phấn đấu trở thành "công dân học tập", góp phần hình thành nguồn nhân lực có chất lượng, "vừa hồng, vừa chuyên" cho đất nước.
"Đề nghị các đồng chí trong phạm vi, lĩnh vực công tác của mình tăng cường chỉ đạo và đôn đốc việc ứng dụng công nghệ thông tin trong tổ chức thực hiện các hoạt động nhằm đào tạo nên những cán bộ tốt, công dân tốt theo ý nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một người công dân tốt trong giai đoạn hiện nay sẽ đồng thời là một người công dân học tập với những năng lực số và khả năng sống thích ứng với môi trường số, trong một quốc gia chuyển đổi số.
Tôi tin tưởng rằng, với tinh thần học tập và làm theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng ta sẽ xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công dân đủ tài, đủ đức, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đưa đất nước bước vào thời kỳ phát triển mới với nhiều thắng lợi", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Trao đổi tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Hội thảo có chủ đề hay và là sự hỗ trợ, động viên, ủng hộ đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, đúng với tinh thần Bộ Giáo dục và Đào tạo và Hội Khuyến học Việt Nam phối hợp chặt chẽ.
Theo Bộ trưởng, để phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về đào tạo và phấn đấu để trở thành người công dân tốt, người cán bộ tốt, trong Chương trình giáo dục phổ thông mới đang triển khai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đặc biệt nhấn mạnh "đến con người tốt", trên nền tảng con người thật tốt - đó là con người lương thiện, sống trách nhiệm, hạnh phúc mới có có công dân tốt, nhân lực tốt.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng đến hình thành và phát triển cho học sinh 5 phẩm chất chủ yếu: yêu nước, nhân ái, chăm chỉ, trung thực, trách nhiệm và những năng lực cốt lõi: năng lực tự chủ và tự học, năng lực giao tiếp và hợp tác, năng lực giải quyết vấn đề và sáng tạo… Những năng lực, phẩm chất này kế thừa tinh thần tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển con người, đồng thời đáp ứng yêu cầu thời đại về năng lực, phẩm chất, kỹ năng.
Bên cạnh triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 là công việc mang tầm vĩ mô, Bộ trưởng cũng chia sẻ những "việc nhỏ" mà ngành Giáo dục đang thực hiện để hình thành "con người tốt".
Đó là từ nhiều chục năm qua ngành Giáo dục đã giáo dục học sinh học tập và thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy và gần đây việc này được nhắc lại. Trong hướng dẫn sinh hoạt chính trị, sinh hoạt dưới cờ đầu năm học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề nghị các địa phương, nhà trường tổ chức thực hiện 5 Điều Bác Hồ dạy - đây chính là sự kế thừa giản dị tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đó là việc yêu cầu các em học sinh chào cờ hát quốc ca. Đối với trẻ em, khi hát quốc ca là khi tinh thần dân tộc, tinh thần yêu nước trở nên sống động. "Như vậy, yêu cầu học sinh phải làm từ chuyện nhỏ đến cái lớn, từ việc làm cụ thể để đi đến mục tiêu chung", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Tai hội thảo, các đại biểu tập trung thảo luận liên quan đến tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về tiêu chí đánh giá công dân tốt, cán bộ tốt và phấn đấu trở thành công dân tốt, cán bộ tốt trong bối cảnh hiện nay.
Cùng với đó là việc vận dụng tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào xây dựng mục tiêu đào tạo, chương trình đào tạo, phương pháp đào tạo để có đội ngũ "Hồng thắm, chuyên sâu" ở các lĩnh vực: giáo dục - đào tạo, các tổ chức chính trị - xã hội, các doanh nghiệp... Những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện kế hoạch, chương trình đã xây dựng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google