Phó Giáo sư Bùi Thị An: Cần có thang bậc lương và chế độ đãi ngộ đặc thù cho giáo viên

img

Kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2022), Tạp chí Công dân và Khuyến học đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư Bùi Thị An - Đại biểu Quốc hội khóa 13, Chủ tịch Hội Nữ tri thức Hà Nội để lắng nghe quan điểm của bà về vai trò, phẩm chất của người thầy trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo cùng những chính sách cần có để thu hút người tài vào ngành sư phạm.


Phó Giáo sư Bùi Thị An: Cần có thang bậc lương và chế độ đãi ngộ đặc thù cho giáo viên - Ảnh 1.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Thưa Phó Giáo sư Bùi Thị An, theo bà, người thầy có vị trí, vai trò như thế nào trong thời kỳ đổi mới giáo dục và đào tạo hiện nay?

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Từ xưa đến nay, dù ở bất kỳ giai đoạn nào, người thầy đều có vị trí vô cùng quan trọng trong xã hội. Dân tộc Việt Nam ta vẫn luôn gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp "tôn sư trọng đạo" truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Cần có thang bậc lương và chế độ đãi ngộ đặc thù cho giáo viên - Ảnh 2.

Phó Giáo sư Bùi Thị An. Ảnh: NVCC

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: "Không có thầy giáo thì không có giáo dục. Nhiệm vụ của thầy cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang". 

Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng ghi nhận: "Nghề dạy học là nghề cao quý trong các nghề cao quý. Nghề dạy học là nghề sáng tạo bậc nhất trong các nghề sáng tạo. Vì nó sáng tạo ra những người sáng tạo".

Thời điểm hiện tại, ngành giáo dục đang dồn toàn tâm, toàn sức để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong bối cảnh đó, vị trí, vai trò của người thầy lại càng đặc biệt hơn. 

Nếu như trước kia xã hội biết đến người thầy là người truyền đạt tri thức thì ngày nay, giáo viên là "huấn luyện viên" dẫn dắt, hướng dẫn, tạo điều kiện để học trò tiếp cận tri thức.

Người thầy trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo là người mở đường để người học tự thân vận động nhiều hơn; dạy học sinh biết tự học, tự nghiên cứu, tìm tòi, phát hiện những điều mới mẻ, sáng tạo ra nhiều phương pháp học hiệu quả.

Và trước sự thay đổi của giáo dục trong bối cảnh mới, người thầy cũng có những vai trò mới trong sự nghiệp "trồng người".

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Cần có thang bậc lương và chế độ đãi ngộ đặc thù cho giáo viên - Ảnh 4.

Thứ nhất, người thầy phải là nhà giáo dục chuyên nghiệp, thực hiện sứ mệnh cải tạo xã hội, phát triển toàn diện học sinh bằng năng lực tư duy, năng lực hành động. 

Thứ hai, người thầy phải là tấm gương học tập suốt đời, tự đào tạo, tự hoàn thiện để thích ứng với thời cuộc. 

Để có được những điều này, người thầy cần quan tâm đến việc cập nhật tri thức, không ngừng rèn luyện kỹ năng, không chỉ ở vị trí của người thầy mà còn dựa trên học sinh nghĩ gì, muốn gì, làm gì, cần gì... Có như thế, người thầy mới đứng vững trong nghề, chinh phục được các thế hệ học trò khác nhau.

Thứ ba, người thầy phải là một nhà nghiên cứu và giải quyết những vấn đề của thực tiễn giáo dục. 

Thứ tư, người thầy phải là nhà văn hóa - xã hội với lối sống lành mạnh, giản dị, trung thực, khiêm tốn, thiện chí tại nơi làm việc, cộng đồng địa phương. 

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Trước những đổi mới của nền giáo dục nước nhà, người thầy cần có những phẩm chất gì để phù hợp với sự thay đổi và phát triển, thưa Phó Giáo sư?

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Theo tôi, người thầy trước hết phải có đạo đức, sau là có tài. Trong bất cứ xã hội nào, người thầy luôn là một chuẩn mực đạo đức để mọi người noi theo, là "kiến trúc sư trí tuệ" tạo ra thế hệ tương lai của dân tộc. 

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Cần có thang bậc lương và chế độ đãi ngộ đặc thù cho giáo viên - Ảnh 5.

Để trở thành người dẫn đường, người truyền cảm hứng cho học sinh, người thầy cần hội tụ nhiều năng lực và phẩm chất: gương mẫu về đạo đức, yêu thương học trò, tận tụy với nghề, giỏi chuyên môn, có năng lực sư phạm chuyên sâu. 

Đồng thời, người thầy phải là người kết nối cả xã hội cùng tham gia vào giáo dục, biết lắng nghe, thấu hiểu, chia sẻ với học sinh và những người xung quanh.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Đội ngũ nhà giáo là nhân tố quyết định sự thành công của công cuộc đổi mới giáo dục và đào tạo. Vậy làm thế nào để thu hút người giỏi vào ngành sư phạm, thưa Phó Giáo sư?

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Hiện nay, sinh viên sư phạm được Nhà nước hỗ trợ học phí và sinh hoạt phí theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP. Đây cũng là một chính sách ưu việt nhằm thu hút người giỏi theo học và phục vụ trong ngành sư phạm.

Tuy nhiên, chính sách này chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ.

Điều kiện đủ là chế độ sau khi tốt nghiệp (có việc làm ngay) và chế độ khi đi dạy (lương hấp dẫn, môi trường làm việc tốt). Nếu được như thế thì không cần thu hút, người khá, giỏi cũng sẽ tự động thi vào sư phạm. Và đây cũng là việc vừa khó vừa lớn mà các cơ quan, bộ, ngành cần phải lưu tâm.

Bên cạnh những chính sách về học phí thì sức hút mạnh nhất chính là chất lượng đào tạo của nhà trường.

Chính vì vậy, các trường cần liên tục đổi mới để nâng cao chất lượng đào tạo. Trong đó phải có chiến lược, chính sách rõ ràng để đầu tư, phát triển đội ngũ giảng viên. 

Tiếp tục chuẩn hóa đội ngũ giảng viên đại học, tăng tỷ lệ giảng viên có trình độ tiến sĩ, tiến tới dạy đại học là phải có bằng tiến sĩ. Ngoài trình độ chuyên môn, giảng viên cần có năng lực giảng dạy, năng lực giáo dục, năng lực nghiên cứu khoa học.

Tiếp đến là phát triển các chương trình đào tạo mới. Nội dung chương trình phải tiếp cận được với các chương trình giáo dục của những nước tiên tiến, đáp ứng được yêu cầu của đổi mới giáo dục hiện nay.

Cùng với đó, các trường đại học, cao đẳng khối ngành sư phạm cần đầu tư nhiều hơn cho công tác truyền thông, quảng bá, tuyển sinh.

Không chỉ dừng lại ở hình thức truyền thông trực tuyến, tổ công tác tuyển sinh của các khoa chuyên môn nên phối hợp với các phòng chức năng của nhà trường đến tận trường phổ thông trên cả nước để tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh.


Phó Giáo sư Bùi Thị An: Cần có thang bậc lương và chế độ đãi ngộ đặc thù cho giáo viên - Ảnh 7.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Một số ý kiến cho rằng, muốn có chất lượng giáo dục tốt trước tiên phải quan tâm thực chất đến thầy cô giáo. Tuy nhiên, hiện nay lương giáo viên vẫn đang ở mức thấp. Xin Phó Giáo sư cho ý kiến về chế độ, chính sách đối với nhà giáo hiện nay?

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Chính sách tiền lương của giáo viên vẫn còn thấp so với mặt bằng thu nhập chung. 

Hiện, có khoảng 50% giáo viên trên cả nước chỉ nhận được mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Những giáo viên có thâm niên cũng chỉ nhận 9-10 triệu đồng/tháng, còn giáo viên trẻ mới ra trường, lương 3 triệu đồng/tháng. 

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Cần có thang bậc lương và chế độ đãi ngộ đặc thù cho giáo viên - Ảnh 8.

Cũng vì vậy mà phần lớn giáo viên phải tìm đến nghề "tay trái" để nuôi nghề tay phải - nghề dạy học của mình.

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Cần có thang bậc lương và chế độ đãi ngộ đặc thù cho giáo viên - Ảnh 9.

Có người dạy thêm, viết thuê sáng kiến kinh nghiệm, viết báo cáo thi giáo viên giỏi, người chọn bán hàng online để kiếm thêm thu nhập.

Việc này có thể khiến giáo viên không dồn hết tâm sức vào các giờ dạy chính khóa. Vô hình trung gây ra những tiêu cực, làm mất đi vẻ cao quý vốn rất đáng tự hào trong nghề dạy học của nhà giáo.

Tôi cho rằng, thời gian tới cần phải có chế độ đãi ngộ đặc thù đối với giáo viên, nâng thang bậc lương của ngành giáo dục ở mức xứng đáng bởi sản phẩm của giáo dục là con người, là nguồn nhân lực của toàn xã hội.

Nếu không, việc giáo viên bỏ nghề hoặc rời bỏ hệ thống giáo dục Nhà nước là điều khó tránh khỏi và thực tế đã diễn ra trong thời gian qua. Đây đều là những dấu hiệu rất đáng báo động cho các nhà quản lý và ngành giáo dục.

Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, cả nước có 16.000 giáo viên bỏ việc, bình quân cứ 100 nhà giáo thì một người ra khỏi ngành.

Bên cạnh đó, hiện cả nước thiếu khoảng 100.000 giáo viên mầm non, phổ thông; thiếu giáo viên một số môn học khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 như môn tiếng Anh, tin học đối với cấp tiểu học và môn âm nhạc, mỹ thuật đối với trung học phổ thông.

Tạp chí Công dân và Khuyến học: Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, là một người dành nhiều tâm huyết cho sự nghiệp giáo dục, Phó Giáo sư có gửi gắm gì tới đội ngũ thầy cô đã và đang công tác trong ngành giáo dục?

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Đào tạo nguồn nhân lực có vai trò quyết định tới sự phát triển của đất nước. Không gì có thể sánh được công lao vất vả của những người thầy giáo, cô giáo trong sự nghiệp trồng người. 

Trong quá khứ, người thầy đã vượt lên tất cả những khó khăn, vất vả. Ngày nay, trong thời đại 4.0, người thầy phải không ngừng tiếp tục phấn đấu, miệt mài nghiên cứu, nâng cao trình độ để xứng đáng là người dẫn đường cho các thể hệ đi sau. 

Phó Giáo sư Bùi Thị An: Cần có thang bậc lương và chế độ đãi ngộ đặc thù cho giáo viên - Ảnh 10.

Đội ngũ giáo viên hiện nay vẫn luôn đồng hành với những khó khăn vất vả của ngành Giáo dục. Ảnh: Phạm Linh

Mặc dù đất nước đã phát triển, người thầy vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là những nhà giáo đang cống hiến cho sự nghiệp giáo dục ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. 

Đã có không ít giáo viên phải hy sinh tuổi trẻ, hạnh phúc riêng, chấp nhận xa gia đình lên cắm bản, cắm làng để các em học sinh nghèo, học sinh dân tộc thiểu số được tiếp tục đến trường. Họ mãi mãi là những tấm gương mà xã hội cần phải tôn vinh.

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi xin được gửi đến tất cả các thầy, cô giáo, cán bộ quản lý, nhân viên toàn ngành giáo dục lời tri ân, lời chúc sức khỏe. Chúc thầy, cô gặt hái được nhiều thành công trong công việc cũng như trong cuộc sống.

Mong rằng đội ngũ nhà giáo trên mọi miền của Tổ quốc luôn giữ được ngọn lửa yêu nghề, năng động, sáng tạo, vượt lên những khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ, xứng đáng với niềm tin yêu, sự kính trọng, tôn vinh mà xã hội dành cho nghề giáo.

Xin trân trọng cảm ơn Phó Giáo sư Bùi Thị An!

Ngọc Ánh (thực hiện)