Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng: Tôi rất tâm đắc với tên của Tạp chí "Công dân và Khuyến học"
Trước thềm Kỷ niệm 97 năm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam (21/6/1925 – 21/6/2022), Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã dành cho Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học cuộc trả lời phỏng vấn.
Báo chí định hướng và làm chủ trận địa thông tin trong xã hội
- Thưa Phó Chủ tịch, từng là Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, bây giờ là Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Khuyến học Việt Nam, ông đánh giá thế nào về nghề báo và đội ngũ làm báo Việt Nam hiện nay?
Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hùng: Hôm nay chúng ta nhìn lại chặng đường 97 năm qua, trong quá trình giành độc lập, tự do cho dân tộc, giải phóng, xây dựng đất nước, có thể khẳng định rằng, mỗi nhà báo cách mạng thực sự là một chiến sĩ trên mặt trận tư tưởng văn hóa. Đội ngũ những người làm báo ngày càng lớn mạnh và có nhiều tác phẩm báo chí góp phần to lớn trong sự nghiệp xây dựng - bảo vệ tổ quốc, sự nghiệp đổi mới.
Ngày nay, trong thời kỳ bùng nổ thông tin, báo chí không chỉ phản ánh chân thật cuộc sống mà đã phát triển theo chiều sâu, kiến giải những bản chất, hiện tượng của xã hội; từ đó góp phần định hướng thông tin, làm chủ trận địa thông tin, định hướng cho nhân dân. Do vậy, nhân dân luôn tin tưởng báo chí cách mạng Việt Nam; tiếng nói của báo chí chính là tiếng nói của Đảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân.
Các nhà báo đã có đóng góp rất lớn trong việc phản ánh sự nghiệp cách mạng, nhất là sự nghiệp đổi mới; báo chí đã cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo.
Báo chí không ngừng góp phần định hướng thông tin, định hướng dư luận xã hội, cổ vũ những nhân tố mới, tích cực; đấu tranh với những hạn chế, tiêu cực trong xã hội để khẳng định những cái tốt, cái mới, cái đẹp. Chính vì vậy, vai trò của của báo chí là rất lớn trong xã hội bùng nổ thông tin hiện nay.
- Ông từng chia sẻ gần đây rằng, nhà báo thế kỷ 20 và nhà báo thế kỷ 21 có những điểm khác nhau. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hùng: Nhìn lại thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng trong thế kỷ 20, báo chí thường phản ánh và miêu tả hiện thực của cuộc sống. Nhưng sang thế kỷ 21, báo chí phải kiến giải thực tiễn đời sống xã hội nhiều hơn. Tờ báo nào kiến giải được bản chất, hiện tượng diễn ra hàng ngày của cuộc sống thì tờ báo đó thu hút được bạn đọc và làm chủ được thông tin, định hướng và dẫn dắt được dư luận xã hội.
Do vậy trong thế kỷ 21, nhà báo cần phải kiến giải được thực tiễn cuộc sống và tìm ra bản chất của các sự vật, hiện tượng. Trong thời kỳ bùng nổ thông tin nhiều chiều như hiện nay mà tìm ra được bản chất của sự vật, hiện tượng thì đó là điều quan trọng nhất. Có những thông tin thật - giả đan xen, nếu như không tìm ra được bản chất mà dính thông tin xấu - độc thì làm cho dư luận hoang mang. Nhà báo cũng phải kiến giải cho người dân biết, phấn đấu xây dựng một xã hội là như thế nào. Đó là xã hội mình vì mọi người, mọi người vì mỗi người, để tấm lòng nhân ái, cái thiện, cái mỹ trong xã hội chiếm vai trò chủ đạo. Muốn lấy cái đẹp dẹp cái xấu thì vai trò của báo chí kiến giải thực tiễn rất quan trọng, góp phần định hướng, dẫn dắt dư luận xã hội.
Báo chí bồi dưỡng niềm tin, truyền cảm hứng cho con người
- Ông đã có nhiều bài viết về báo chí trên các tờ báo trong cả nước. Điều gì trong đó khiến ông tâm đắc nhất?
Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hùng: Trong xã hội hiện đại, nếu một ngày mà ta không tiếp nhận thông tin thì thường cảm thấy "đói". Chắc chắn không có mấy ai, một ngày thức dậy không nghe - xem - đọc thông tin của các cơ quan báo chí, truyền thông. Do vậy, tôi nói vai trò, trọng trách, vinh dự của người làm báo là rất lớn. Khi người làm báo đưa tác phẩm của mình lên phương tiện truyền thông thì bài tác phẩm đó không chỉ là của riêng nhà báo đó nữa, mà nó đã vượt ra khỏi tầm của một cá nhân, trở thành sản phẩm của công chúng.
Báo chí đưa tin sao cho truyền cảm hứng, bồi dưỡng niềm tin, tạo ra động lực, khơi dậy giá trị của con người mới là vấn đề quan trọng. Những sự kiện của đất nước, dân tộc, địa phương vừa diễn ra đến được với người dân nhanh nhất là do báo chí. Nên tôi rất tâm đắc khi các nhà báo dấn thân, lăn lộn dưới cơ sở và phản ánh hiện thực cuộc sống thông qua lay động của trái tim mình và với tinh thần trách nhiệm công dân.
Cơ quan báo chí có tác phẩm tốt thì chắc chắn sẽ được công chúng ghi nhận, tôn vinh. Mỗi tờ báo có một nhiệm vụ tuyên truyền nhưng phải có bản sắc riêng, thông qua các bài viết sẽ tạo nên vị thế trong lòng công chúng.
- Bản sắc của tờ báo có thực sự quan trọng không, thưa ông?
Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hùng: Bản sắc vô cùng quan trọng. Cách thức phản ánh phải như thế nào mới tạo nên bản sắc riêng. Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học phải xây dựng bản sắc riêng, để làm sao bạn đọc nhìn vào là nhận ra ngay, hữu xạ tự nhiên hương, chắc chắn sẽ có vị thế.
Sứ mệnh quan trọng của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học
- Ông dự cảm như thế nào về tương lai phát triển của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học?
Phó Chủ tịch Lê Mạnh Hùng: Công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập là rất quan trọng, vì góp phần bồi dưỡng nguồn nhân lực trong điều kiện hiện nay, nhất là thời kỳ công nghiệp 4.0, thời kỳ kinh tế số, xã hội số và toàn cầu hóa.
Vừa qua, Tạp chí in Dạy và học Ngày nay, bây giờ là Tạp chí Công dân và Khuyến học, được Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin Truyền thông đồng ý cho tổ chức lại, "nâng cấp" thành cơ quan báo chí hiện đại với 2 loại hình: Tạp chí in và Tạp chí điện tử.
Bước đầu Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học ra mắt bản thử nghiệm những đã được dư luận xã hội đánh giá tốt. Tạp chí là cơ quan ngôn luận của Hội Khuyến học Việt Nam, tham gia tích cực trong việc tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về sự học tập, về khuyến học - khuyến tài, về đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực, nâng cao dân trí, góp phần phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước.
Trọng trách của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học là rất lớn, rất vinh quang. Theo tôi, tên của tạp chí có sức lay động. Công dân hiện nay phải là công dân số, công dân toàn cầu để xây dựng xã hội số, xã hội học tập, nên Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học có vai trò rất quan trọng.
Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học vừa phản ánh sự nghiệp đổi mới và giáo dục đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhưng đồng thời phải kiến giải những vấn đề thực tiễn đặt ra, nhất là về việc giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống, làm cho con người hoàn thiện đức - trí-thể - mỹ, để hình thành nên một đội ngũ công dân Việt Nam vừa có năng lực, trí tuệ, vừa có kỹ năng làm việc và kĩ năng chung sống, hội nhập.
Tạp chí phải làm sao phản ánh được phong trào thi đua học tập trong mọi lĩnh vực, trong mọi tầng lớp nhân dân; phải phản ánh được những điển hình, những nhân tố mới tiêu biểu trong phong trào khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập mà Hội Khuyến học Việt Nam đã phát động. Làm sao cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân, cán bộ, hội viên nòng cốt để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc đẩy mạnh sự nghiệp giáo dục và học tập.
Có thể nói, Hội Khuyến học Việt Nam rất phấn khởi khi Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học ra mắt. Muốn phong trào trở thành một hiện thực sinh động của cuộc sống thì phải nâng cao nhận thức. Muốn thế công tác tuyên truyền của cơ quan báo chí phải được nâng cao chất lượng. Mọi chủ trương chỉ đạo của Hội Khuyến học Việt Nam có đến được với cơ sở hay không, thì vai trò của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học là rất quan trọng.
Nguyễn Trãi - nhà văn hóa lớn của dân tộc ta từng nói: "Nên thợ nên thầy vì có học - No cơm, ấm áo bởi hay làm". Bác Hồ - vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, nhân ngày khai trường đầu tiên năm 1945 đã nói: "Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em". Bác cũng nói: "Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu", học không bao giờ là cùng, học tập suốt đời.
Đây là triết lý giáo dục của Bác mà tôi thấy nếu thấm sâu vào được quần chúng, vào các tầng lớp nhân dân thì đất nước của chúng ta sẽ phát triển. Vì nó góp phần đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực mà trong điều kiện hiện nay. Bất kỳ quốc gia nào muốn cạnh tranh thắng lợi thì trước hết phải có nguồn nhân lực chất lượng cao.
Do vậy, tôi khằng định: Vinh dự và trọng trách của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học rất lớn. Chúng tôi mong rằng Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học sẽ bám sát chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo cụ thể của Hội Khuyến học Việt Nam để tạo nên sự bứt phá, phát triển mới.
Tôi rất tâm đắc với tên của Tạp chí điện tử là "Công dân và Khuyến học". Từ tên của Tạp chí có thể hiểu: Mọi công dân dân phải gắn liền với sự học. Đất nước nào cũng vậy, đều phải học tập mới thoát nghèo. Muốn vươn lên văn minh, giàu có thì phải học tập. Do vậy, Tạp chí mang tên Công dân và Khuyến học tôi thấy rất tâm đắc. Khi mang tên như vậy thì trọng trách phải lớn và nội dung sẽ phải rất phong phú.
Tôi rất kỳ vọng vào đội ngũ phóng viên, biên tập viên của Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học hiện nay, những người làm báo vừa trẻ trung, năng động vừa có trách nhiệm. Chắc chắn Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học sẽ phát triển. Đây là niềm tin có cơ sở, là sự kỳ vọng không chỉ của riêng cá nhân tôi mà của cả Hội Khuyến học Việt Nam đối với Tạp chí điện tử Công dân và Khuyến học.
- Xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google