Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới
Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 923/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025.
Phê duyệt Chương trình khoa học và công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
Chương trình nhằm cung cấp kịp thời những luận cứ khoa học, thực tiễn và giải pháp thúc đẩy thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030 thông qua tập hợp nguồn lực khoa học và công nghệ đa ngành; góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường nông thôn; nâng cao chất lượng đời sống của người dân; thúc đẩy liên kết và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền.
Theo đó, Chương trình đặt mục tiêu xây dựng và nhân rộng được các mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn phù hợp với điều kiện đặc thù, phát huy được thế mạnh của từng địa phương, vùng, miền (đặc biệt là tại các vùng khó khăn, vùng biên giới, vùng núi, vùng bãi ngang ven biển và hải đảo chưa đạt chuẩn nông thôn mới) trên cơ sở ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ, thúc đẩy liên kết sản xuất và phát triển thị trường theo chuỗi giá trị nhóm sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm cấp tỉnh và sản phẩm đặc thù địa phương.
Một số chỉ tiêu và sản phẩm đáng chú ý được Chương trình đề ra là: Các giải pháp khoa học, ứng dụng công nghệ đảm bảo tăng hiệu quả kinh tế tối thiểu 15%, đồng thời thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường; ít nhất 70% mô hình triển khai trong Chương trình được các địa phương tiếp tục triển khai, nhân rộng; tối thiểu 80% mô hình phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn được triển khai trong Chương trình có sự liên kết đa ngành, liên kết theo chuỗi giá trị và hợp tác công tư...
Một trong các nội dung của Chương trình là nghiên cứu hoàn thiện và đổi mới cơ chế, chính sách, giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, cụ thể là nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn để hoàn thiện cơ chế, chính sách xây dựng nông thôn mới bền vững gắn với quá trình đô thị hóa, hội nhập quốc tế và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, xây dựng Bộ tiêu chí quốc gia về nông thôn mới cho các giai đoạn tiếp theo; nghiên cứu đổi mới cơ chế giám sát, đánh giá kết quả thực hiện chương trình.
Bên cạnh đó, Chương trình hướng tới việc nghiên cứu hoàn thiện cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng nông thôn mới theo hướng tích hợp các chương trình, dự án trên địa bàn nông thôn với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới nhằm thống nhất cơ chế, chính sách hỗ trợ địa phương triển khai hiệu quả các nội dung của Chương trình, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư, đảm bảo không trùng lắp, chồng chéo, lãng phí nguồn lực.
Đồng thời, Chương trình đặt mục tiêu nghiên cứu giải pháp xã hội hóa, hợp tác công tư trong đầu tư, phát triển, quản lý và khai thác công trình bảo vệ môi trường, hạ tầng nông thôn, hạ tầng thương mại phục vụ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn bền vững; nghiên cứu giải pháp phát huy vai trò của chính quyền, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ các cấp trong việc thực hiện Chương trình nông thôn mới; giải pháp phát huy vai trò chủ thể của người dân và cộng đồng, nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của cán bộ và người dân về xây dựng nông thôn mới...
Ngoài ra, Chương trình còn đề cập đến các nội dung như: Nghiên cứu các giải pháp phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng nông thôn bền vững; xây dựng các mô hình nông thôn mới trên cơ sở ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ để phát triển kinh tế, xã hội; thực hiện các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức xã hội và quảng bá thành tựu khoa học công nghệ phục vụ xây dựng nông thôn mới.
Nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới
Ngày 2/8, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định số 926/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện tiêu chí an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025.
Theo Quyết định, Chương trình triển khai thực hiện ở địa bàn nông thôn trong toàn quốc từ năm 2022 đến hết năm 2025; tập trung nghiên cứu các nội dung tiêu chí về an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới, trong đó chú trọng công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới.
Mục tiêu chung của Chương trình là đảm bảo giữ vững an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn, tạo điều kiện cho người dân yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần thực hiện tốt các mục tiêu chung về xây dựng nông thôn mới, nhằm nâng cao chất lượng đời sống, vật chất, tinh thần cho người dân.
Chương trình cũng đề cập tới những mục tiêu cụ thể như: Tập trung đấu tranh, ngăn chặn và đẩy lùi các loại tội phạm, tệ nạn xã hội bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn; kiềm chế và kéo giảm các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông và vi phạm pháp luật khác về an ninh, trật tự so với năm trước, mỗi địa phương kéo giảm ít nhất 5% số vụ phạm tội về trật tự xã hội so với thống kê năm 2019 (khi chưa xảy ra dịch COVID-19).
Chương trình phấn đấu đến hết năm 2025, có 99% số xã đạt chỉ tiêu 19.2 của tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; 50% số xã đạt chỉ tiêu 19.2 của tiêu chí số 19 về Quốc phòng và An ninh trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới nâng cao theo hướng bền vững; có ít nhất 60% đơn vị cấp huyện đạt chỉ tiêu 9.4 của tiêu chí số 9 về Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công trong Bộ tiêu chí quốc gia về huyện nông thôn mới...
Để đạt được các mục tiêu trên, Chương trình đề ra 7 nhiệm vụ, giải pháp gồm: Hoàn thiện các văn bản pháp lý làm cơ sở cho việc thực hiện Chương trình, rà soát, nghiên cứu và ban hành văn bản hướng dẫn tiêu chí về an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ an ninh, trật tự góp phần xây dựng nông thôn mới; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh chính trị ở địa bàn nông thôn.
Bên cạnh đó, Chương trình cũng xác định một số nhiệm vụ, giải pháp như: Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội ở địa bàn nông thôn; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc ở địa bàn nông thôn; đẩy mạnh xây dựng lực lượng Công an xã chính quy đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới; tăng cường củng cố mối quan hệ phối hợp trong việc bảo đảm an ninh, trật tự ở địa bàn nông thôn.
Về tổ chức thực hiện, Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai các nội dung, nhiệm vụ của Chương trình.
Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, bố trí kinh phí thường xuyên thực hiện Chương trình theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp kinh phí để triển khai thực hiện Chương trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức tuyên truyền về công tác bảo đảm an ninh, trật tự trong xây dựng nông thôn mới; tổ chức xây dựng, nhân rộng điểm mô hình, điển hình tiên tiến trong công tác bảo đảm an ninh trật tự, gắn với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong xây dựng nông thôn mới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google