Phát huy tối đa vai trò của các trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia
Thủ tướng Chính phủ mong muốn các trí thức và chuyên gia người Việt tại Australia tiếp tục đóng góp trực tiếp, thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước bằng những chương trình, dự án cụ thể.
Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia là cầu nối, góp phần xây dựng và phát triển đất nước
Sáng 9/3, tại Thủ đô Canberra, tiếp tục chương trình chuyến thăm chính thức Australia, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia.
Theo VGP, tại cuộc gặp, các đại biểu đã trình bày, giới thiệu với đoàn công tác về các hoạt động, chương trình, dự án và nêu một số đề xuất, kiến nghị để tiếp tục cống hiến quê hương, cho đất nước Australia và quan hệ giữa hai nước. Trong đó, Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia và các thành viên có thể phát huy vai trò cầu nối, thúc đẩy các đối tác Australia cung cấp học bổng nhiều hơn, tốt hơn cho sinh viên Việt Nam.
Giáo sư Nghiêm Đức Long từ Đại học Công nghệ Sydney, Chủ tịch Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam tại Australia cho biết, Hội mong muốn phát huy những hiểu biết, kinh nghiệm của các thành viên và cả mạng lưới liên quan với các nhà khoa học, chuyên gia, trí thức Australia để góp phần xây dựng và phát triển đất nước, đặc biệt trong những lĩnh vực mới nổi, như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, đào tạo nhân lực… Ngay sau khi thành lập, Hội có thể tự chủ được kinh phí hoạt động tại Australia, song kiến nghị cần có đầu mối và nhân lực hỗ trợ, phối hợp để triển khai các hoạt động tại Việt Nam.
Sau khi nghe các bộ trưởng trao đổi, phản hồi về các đề xuất, kiến nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, cuộc làm việc là cách làm mới để triển khai ngay các công việc nhằm cụ thể hóa khuôn khổ Đối tác Chiến lược toàn diện vừa được thiết lập giữa hai nước.
Trong "6 điểm hơn" của khuôn khổ quan hệ mới giữa hai nước, có nội dung "thúc đẩy hợp tác khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh mạnh mẽ hơn" và "hợp tác văn hoá, giáo dục đào tạo, môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu toàn diện, sâu sắc hơn".
Khuôn khổ quan hệ mới này cũng sẽ góp phần tạo điều kiện cho các hội đoàn hữu nghị hai nước tăng cường hợp tác, đẩy mạnh giao lưu nhân dân, phát huy vai trò, đóng góp vào phát triển quan hệ song phương.
Thủ tướng vui mừng chứng kiến cộng đồng người Việt tại Australia, đặc biệt là cộng đồng trí thức và chuyên gia, ngày càng đoàn kết, gắn bó và có nhiều hoạt động thiết thực hướng về quê hương, đất nước; đánh giá cao các hoạt động của Hội Trí thức và chuyên gia Việt Nam, tuy mới được thành lập hơn 1 năm nhưng đã có địa vị pháp lý, có tổ chức chặt chẽ, triển khai một số hoạt động hiệu quả và đóng góp rất đáng khích lệ.
Trong chuyến thăm, phía Australia đánh giá cao sáng kiến của Thủ tướng về đề nghị xem xét, công nhận cộng đồng người Việt Nam là dân tộc thiểu số.
Thủ tướng nêu rõ, Đảng và Nhà nước đã khẳng định kiều bào ta ở nước ngoài luôn là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam. Thủ tướng mong muốn các trí thức và chuyên gia người Việt chủ động, tích cực phát huy trí tuệ, hiểu biết, kinh nghiệm và công nghệ đã tiếp thu từ quốc tế, tìm cách áp dụng vào môi trường, điều kiện cụ thể ở Việt Nam, thúc đẩy khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, đóng góp trực tiếp, thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước bằng những chương trình, dự án cụ thể.
Thủ tướng đề nghị Hội là cầu nối, làm nòng cốt phát huy tối đa vai trò của các trí thức, chuyên gia Việt Nam tại Australia, tiếp tục kết nối các trí thức, nhà khoa học, cơ sở nghiên cứu, đào tạo, doanh nghiệp của Australia và phối hợp với các bộ ngành Việt Nam để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, kinh tế-thương mại-đầu tư, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn, chế biến sâu khoáng sản, phát triển giao thông xanh, thị trường tín chỉ carbon, hỗ trợ nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp, nâng cao giá trị gia tăng ngành nông nghiệp, chế biến thực phẩm, bảo quản sau thu hoạch, ứng phó biến đổi khí hậu, nhất là tại Đồng bằng sông Cửu Long…
Thủ tướng giao Bộ Giáo dục và Đào tạo trực tiếp làm việc, kết nối với Hội để thúc đẩy hợp tác đào tạo nhân lực, phía Australia tăng học bổng cho Việt Nam trong các lĩnh vực chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, đặc biệt là đào tạo sớm, đào tạo nhanh đội ngũ kỹ sư chíp bán dẫn để tận dụng được cơ hội rất lớn hiện nay về bán dẫn.
Thủ tướng mong các trí thức, chuyên gia đi trước truyền đạt kinh nghiệm, tích cực giúp đỡ các sinh viên, du học sinh Việt Nam mới sang; đồng thời lưu ý việc tổ chức cho sinh viên gốc Việt về nước để tăng cường kết nối với quê hương, đất nước.
Thủ tướng giao các cơ quan rà soát, thực hiện nhanh các thủ tục để triển khai các chương trình, dự án cụ thể theo quy định của pháp luật; đẩy mạnh công tác truyền thông, kết nối thông tin trong và ngoài nước.
Phản hồi thêm về các đề xuất, ngoài việc giao Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền về giải thưởng về khoa học-công nghệ cho người Việt Nam ở nước ngoài, Thủ tướng giao Bộ Ngoại giao khẩn trương xây dựng đề án, trình cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức tại Việt Nam diễn đàn trí thức và chuyên gia Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là hoạt động cuối cùng của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Australia, trong chuyến công tác tham dự Hội nghị Cấp cao đặc biệt kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ASEAN-Australia và thăm chính thức Australia từ ngày 5-9/3.
Sau hoạt động này, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng Phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Canberra, Australia đi Aucklan, New Zealand, bắt đầu chương trình chuyến thăm chính thức nước này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google