Phát hiện chất tạo nạc Salbutamol cấm dùng trong chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp ra công điện khẩn

N.Cường
14:49 - 11/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã ra công điện khẩn sau khi phát hiện các trường hợp vi phạm quy định sử dụng và nghi sử dụng chất cấm Salbutamol đối với vật nuôi tại khu cách ly nhập khẩu, cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc.

Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm

Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, một số địa phương phản ánh và các phương tiện thông tin truyền thông cũng đã đưa tin về các trường hợp vi phạm quy định sử dụng và nghi sử dụng chất cấm thuộc nhóm Beta-agonist (Salbutamol) đối với vật nuôi tại khu cách ly nhập khẩu, cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc có nguy cơ không bảo đảm an toàn thực phẩm, vi phạm quy định của pháp luật.

Để chủ động ngăn ngừa, phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, ngày 10/1, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã có công điện khẩn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, giết mổ gia súc.

Phát hiện chất tạo nạc Salbutamol cấm dùng trong chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp ra công điện khẩn - Ảnh 1.

Salbutamol được xem như một loại hoocmon tăng trưởng. Tại Việt Nam, Salbutamol đã bị cấm sử dụng từ năm 2002. Ảnh: biorexfooddiagnostics

Trong nội dung công điện, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp nhằm kiểm tra, giám sát, xử lý các trường hợp kinh doanh, mua bán, vận chuyển chất cấm; sử dụng chất cấm tại cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mồ gia súc theo quy định của Luật Chăn nuôi, Luật Thú y và các văn bản hướng dẫn, các văn bản của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (Công văn số 8239/BNNTY gửi 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; 8247/BNN-TY, 8248/BNN-TY, 8249/BNN-TY gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế...).

Trong đó, các địa phương cần chú trọng tập trung chỉ đạo các cơ quan liên quan, chính quyền các cấp của địa phương phối hợp chặt chẽ với cơ quan chuyên môn về chăn nuôi, thú y.

Tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về những nguy hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng và uy tín của ngành chăn nuôi Việt Nam, đồng thời thông tin kịp thời cho dư luận biết về tình hình và danh tính của các đối tượng vi phạm việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi trên địa bàn.

Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát kinh doanh, mua bán, vận chuyển chất cấm; sử dụng chất cấm đối với vật nuôi tại cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc (trâu, bò, lợn) trên địa bàn, đặc biệt trong thời gian trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão.

Các địa phương chỉ đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn tổ chức thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu giám sát sử dụng chất cấm tại các cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ gia súc (trâu, bò, lợn) trên địa bàn; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình giám sát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tại địa phương.

Bên cạnh đó, chỉ đạo, thành lập các chuyên án, đấu tranh và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân buôn bán, vận chuyển, giết mổ trâu, bò, lợn chưa được kiểm dịch của cơ quan thú y, sử dụng và nghi sử dụng chất cấm trong chăn nuôi.

Các địa phương cần thực hiện định kỳ vào ngày 30 hằng tháng, báo cáo kết quả về Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (thông qua Cục Chăn nuôi, Cục Thú y) để tổng hợp.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn giao Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với cơ quan chuyên môn về chăn nuôi, thú y tại địa phương và các cơ quan có liên quan thành lập các đoàn kiểm tra, giám sát sử dụng chất cấm tại cơ sở nuôi vỗ béo, cơ sở chăn nuôi (trâu, bò, lợn) tại các địa phương trên toàn quốc.

Cục Thú y sẽ hướng dẫn địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát sử dụng chất cấm trong chăn nuôi. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật về chất cấm trong chăn nuôi cho phù hợp với quy định của pháp luật trong nước, quốc tế và bảo đảm tính khả thi trong thực tiễn.

Đồng thời, Cục Thú y phối hợp với cơ quan chuyên môn về chăn nuôi, thú y tại địa phương và các cơ quan có liên quan giám sát sử dụng chất cấm tại các khu cách ly nhập khẩu, cơ sở giết mổ gia súc (trâu, bò, lợn) theo quy định tại Thông tư số 10/2022/TT-BNNPTNT ngày 14/9/2022 của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn và pháp luật có liên quan.

Các địa phương chỉ đạo lực lượng thú y thực hiện nghiêm các quy định về trình tự, thủ tục kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ theo quy định của pháp luật về thú y.

Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đề nghị Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành và chính quyền các cấp của địa phương khẩn trương tổ chức thực hiện; kịp thời thông báo về Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn để phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh.

Phát hiện chất tạo nạc Salbutamol cấm dùng trong chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp ra công điện khẩn - Ảnh 2.

Dùng Salbutamol cho lợn ăn sẽ làm cho lợn nở mông, nở đùi, tăng trọng nhanh, đặc biệt là tiêu biến mỡ và tăng tỷ lệ thịt nạc. Ảnh minh họa: chromsciences

Chất tạo nạc Salbutamol là gì?

Clenbuterol và Salbutamol là hai chất thuộc nhóm Beta-agonist có tác dụng làm giãn phế quản, được dùng làm thuốc để điều trị bệnh hen suyễn và một số bệnh về đường hô hấp khác với liều lượng rất nhỏ và có sự kiểm soát chặt chẽ của thầy thuốc, vì nó sẽ trở nên độc nếu sử dụng không đúng cách.

Năm 2006, Đại học Cornell và Đại học Stanford nghiên cứu trên những người thường xuyên hít Beta-agonist có nguy cơ tử vong do bệnh hô hấp tăng gấp đôi so với nhóm dùng giả dược khi sử dụng để điều trị bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính.

Salbutamol được xem như một loại hoocmon tăng trưởng bởi khi dùng Salbutamol cho lợn ăn sẽ làm cho lợn nở mông, nở đùi, tăng trọng nhanh, đặc biệt là tiêu biến mỡ và tăng tỷ lệ thịt nạc. Chất này đã bị cấm dùng trong thực phẩm, nằm trong nhóm chất độc hại mà Tổ chức Nông Lương Thế giới (FAO) cấm sử dụng nhiều năm nay. Tại Việt Nam, Salbutamol đã bị cấm sử dụng từ năm 2002.

Mặc dù bị cấm, nhưng một số người chăn nuôi hoặc sản xuất thức ăn chăn nuôi, vì lợi nhuận mà sử dụng trái phép chất này, khiến sức khỏe người tiêu dùng bị ảnh hưởng.

Khi sử dụng trái phép trong chăn nuôi, Salbutamol được dùng với liều lượng cao hơn gấp 5-10 lần so với quy định, gây nguy hiểm cho sức khỏe con người. Nguyên nhân là bởi để tạo nạc cho lợn, người chăn nuôi phải cho vào thức ăn một lượng Salbutamol rất lớn và kéo dài nhiều ngày, nhiều tháng… Đặc biệt, chất này được hấp thu dễ dàng qua đường tiêu hóa nên tồn dư trong thực phẩm bao nhiêu thì người sử dụng sẽ hấp thụ bấy nhiêu.

Sau một thời gian tích lũy trong cơ thể, người tiêu dùng sẽ bị nhiễm độc Salbutamol gây nhức đầu, run tay chân, buồn nôn, nhịp tim nhanh, làm tăng hoặc hạ huyết áp, rối loạn tiêu hóa, trường hợp nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng.

Nhận biết thịt heo có cho ăn chất cấm

Khi nuôi heo với chất cấm Beta-agonist thì thịt heo rất ít mỡ, phần nạc gần sát tới da. Thịt có màu đỏ tươi như thịt bò. Mặt cắt trên thớ thịt không được mịn, độ săn chắc kém, sợi thịt thô và lớn trong khi đó thịt heo bình thường có màu hồng tự nhiên, sớ thịt min và lớp mỡ dày hơn.

Thịt heo có dùng chất cấm khi nấu chín có màu sẩm đen, ăn có cảm giác thô dai, không có vị thơm ngon và độ ngọt của thịt.