Pháp: nhóm người Kurd biểu tình sau vụ xả súng tại thủ đô Paris

HN
11:52 - 24/12/2022
Công dân & Khuyến học trên

Theo Reuters, tối ngày 23/12 (giờ Việt Nam), 3 người đã thiệt mạng và 3 người khác bị thương trong vụ xả súng tại một trung tâm văn hóa của người Kurd và một tiệm làm tóc tại trung tâm thủ đô Paris, Pháp.

3 nạn nhân thiệt mạng trong vụ xả súng đều là người Kurd. Đối tượng thực hiện vụ tấn công cũng bị thương trên mặt. Theo các công tố viên của thành phố Paris, một cuộc điều tra đang được triển khai để làm rõ vụ tấn công này. Giới chức Pháp sẽ xem xét mọi yếu tố phân biệt chủng tộc có thể liên quan tới động cơ gây án.

Pháp: nhóm người Kurd biểu tình sau vụ xả súng tại thủ đô Paris - Ảnh 1.

Lực lượng phản ứng nhanh dùng cáng để di chuyển một người đàn ông sau vụ xả súng tại trung tâm Paris ngày 23/12/2022. Ảnh: Reuters

Nghi phạm của vụ xả súng là công dân Pháp (69 tuổi) và là một lái tàu đã nghỉ hưu. Người này từng bị cáo buộc đã dùng dao tấn công ít nhất 2 người nhập cư tại một trại tạm trú của người nhập cư ở Paris ngày 8/12/2021. Đối tượng mới được trả tự do thời gian gần đây.

Pháp: nhóm người Kurd biểu tình sau vụ xả súng tại thủ đô Paris - Ảnh 2.

Cảnh sát và lực lượng chữa cháy bảo vệ tuyến phố sau vụ xả súng. Ảnh: Reuters

Trong bài đăng trên mạng xã hội Twitter, Tổng thống Pháp Emmanuel cho rằng đây là "một vụ tấn công tàn ác xảy ra giữa lòng thủ đô Paris", đồng thời cảm ơn lực lượng cảnh sát Pháp đã hành động quả cảm và bình tĩnh.

Theo Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin, kẻ thực hiện vụ tấn công rõ ràng đã nhắm vào người nước ngoài, nhưng ở giai đoạn này cảnh sát không có bằng chứng cho thấy người này có ý định làm hại người Kurd.

Sau vụ xả súng, nhóm biểu tình người Kurd đã đụng độ với cảnh sát ngay tại nơi xảy ra vụ tấn công.

Pháp: nhóm người Kurd biểu tình sau vụ xả súng tại thủ đô Paris - Ảnh 3.

Nhiều thành viên của nhóm biểu tình người Kurd tìm cách vượt qua hàng rào an ninh. Ảnh: AP

Cảnh sát Paris được triển khai và sử dụng hơi cay để giải tán những người biểu tình. Theo AFP, nhóm người biểu tình đã cố gắng vượt qua hàng rào cảnh sát bảo vệ Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerald Darmanin khi ông đến hiện trường để xem xét vụ việc.

Cảnh sát cũng cho biết những người biểu tình đã ném đồ vật vào họ, đốt thùng rác và dựng rào chắn. Một số ô tô đậu trong khu vực và xe cảnh sát đã bị đập vỡ cửa kính.

Pháp: nhóm người Kurd biểu tình sau vụ xả súng tại thủ đô Paris - Ảnh 4.

Cảnh sát bắn hơi cay để ngăn chặn cuộc biểu tình. Ảnh: Reuters

Một số người biểu tình hô vang khẩu hiệu ủng hộ đảng Công nhân người Kurd (PKK) - tổ chức bị Liên minh châu Âu xem là khủng bố.

Trung tâm cộng đồng người Kurd - nơi xảy ra vụ xả súng và biểu tình - có tên Ahmet Kaya, được một tổ chức từ thiện sử dụng để tổ chức các buổi hòa nhạc, triển lãm và giúp đỡ cộng đồng người Kurd ở khu vực Paris.

Ông Agit Polat, người phát ngôn Trung tâm Ahmet-Kaya cho biết: "Đối với chúng tôi, đây là một vụ tấn công khủng bố".

Người Kurd kêu gọi các nhà lãnh đạo bảo vệ tốt hơn cho cộng đồng của họ, một chủ đề nóng đối với người Kurd ở Pháp kể từ sau vụ việc 3 phụ nữ người Kurd bị sát hại một thập kỷ trước.

Thị trưởng Paris, Anne Hidalgo, đã viết trên Twitter: “Người Kurd, dù họ sống ở đâu, cũng phải được sống trong hòa bình và an ninh. Hơn bao giờ hết, Paris đang ở bên cạnh họ trong thời điểm đen tối này".

Người Kurd còn được gọi là dân tộc đông nhất thế giới không có quốc gia độc lập của riêng mình. Cộng đồng này gồm khoảng 30 triệu người chủ yếu theo Hồi giáo Sunni sinh sống ở khu vực rộng lớn giữa Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq, Syria và Iran. Họ có cùng văn hóa và nói một trong 2 phương ngữ chính của tiếng Kurd.

Đảng Công nhân Kurd hay PKK là một tổ chức chính trị cánh tả và Cộng sản có căn cứ ở Thổ Nhĩ Kỳ và vùng Kurdistan ở Iraq. Từ năm 1984, PKK đã khởi đầu một cuộc đấu tranh vũ lực mà chống lại chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ vì quyền về văn hóa và chính trị và quyền tự trị cho tộc người Kurd ở Thổ Nhĩ Kỳ đã bị đàn áp trong hàng chục năm.

Ý thức hệ nguyên thủy của PKK là sự phối hợp giữa chủ nghĩa Xã hội Cách mạng và chủ nghĩa Quốc gia Kurd, tranh đấu cho một nước Marxist–Leninist độc lập, mà được biết tới như là Kurdistan.

Tuy nhiên, từ khi bị bắt và bỏ tù vào năm 1999, lãnh tụ của PKK, Abdullah Öcalan, đã hoàn toàn từ bỏ chủ nghĩa Marx-Lenin dù vẫn thuộc phe xã hội chủ nghĩa và cánh tả, lãnh đạo đảng theo một chủ nghĩa mới của ông gọi là "Liên bang Dân chủ".

Vào năm 2013, PKK tuyên bố một thỏa hiệp ngưng chiến và bắt đầu rút lui những chiến binh của họ sang vùng Kurdistan ở Iraq như là một phần của quá trình giải quyết giữa chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ và dân tộc thiểu số Kurd mà lâu nay bị tước quyền.

Vào tháng 8 năm 2015, PKK tuyên bố họ sẽ chấp nhận ngưng chiến với Thổ Nhĩ Kỳ dưới sự bảo đảm của Mỹ.

PKK được đưa vào danh sách tổ chức khủng bố của nhiều quốc gia và tổ chức bao gồm NATO, Mỹ và EU. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc và các quốc gia như Thụy Sĩ, Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Ai Cập không xem PKK như là một tổ chức khủng bố.

Nguồn: Reuters, AFP
Bình luận của bạn

Bình luận