Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành

img
Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 1.

4 năm theo học tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Nông Thị Hà đạt nhiều thành tích tốt trong học tập và hoạt động ngoại khóa. 

Năm học 2018-2019, Hà nhận học bổng khen thưởng của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ; là Thủ khoa đầu vào ngành Truyền thông đại chúng khóa 39; đoạt Giải Đặc biệt tại Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2020-2021; 2 Giải A Giải Báo chí - Truyền thông Thắp sáng (Fire Up) 2021-2022; Giải "Sản phẩm được yêu thích nhất" trong cuộc thi Tôi lên tiếng tôi hành động" về phòng chống bạo lực phụ nữ và trẻ em gái do Quỹ Dân số Liên hợp quốc phối hợp với các đơn vị đồng tổ chức.

Gần đây nhất, nữ sinh cùng nhóm bạn đã đoạt Giải Nhì giải thưởng khoa học công nghệ dành cho sinh viên trong các cơ sở giáo dục đại học đại học năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức và nhận Bằng khen từ Ban chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

Thành tích của Hà không chỉ là niềm tự hào của gia đình cô, mà còn thắp lên hy vọng cho con đường học hành của nhiều em gái nơi cô sinh sống.

Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 2.

Hà kể, ở nhiều vùng của xã Đoài Dương, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, tỉ lệ trẻ em được học lên cao đẳng, đại học còn thấp. Người dân còn giữ quan niệm, con gái học hết lớp 12 (hoặc lớp 9) sẽ quay về làm công nhân, làm nông nghiệp rồi lấy chồng.

Mấy năm trước, cũng có những cô gái trong làng học đại học, nhưng lại bỏ dở hoặc trì hoãn giữa chừng, lấy chồng, sinh con. Người trong làng càng mất niềm tin và nghi ngờ về quyết định học cao của con gái.

Bởi vậy, mỗi lần Hà về quê, bà con hàng xóm thường lên nhà, thích nghe Hà kể về những điều mới mẻ ở Thủ đô, về những chuyện lạ bên ngoài xóm bản mà họ đã gắn bó cả đời.

Nông Thị Hà vốn ngoan ngoãn, lại có khiếu ăn nói, học ở bậc học mà ít người trong vùng đạt đến nên được cả làng thương. Ai cũng xuýt xoa vì ông Thành, bà Tuyết (bố mẹ Hà) đẻ được cô con gái vừa xinh xắn lại giỏi giang đến thế.

Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 3.

Ngay từ những ngày còn học tại Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng, Hà được thầy cô nhắc đến như một tấm gương học tập và rèn luyện. Khi lên đại học, cô gái này vẫn phát huy khả năng học tập tích cực và hoạt động phong trào sôi nổi, thường xuyên chia sẻ hoạt động của mình trên Facebook nên lan tỏa được nhiều thông tin tích cực tới mọi người. Thậm chí, theo Hà chia sẻ, tỉ lệ học sinh của Trường Trung học phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Cao Bằng biết và đăng ký vào Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhiều hơn.

Ngay cả trong làng nơi gia đình Hà sinh sống, tư tưởng học xong lớp 12 quay về làm công nhân, lấy chồng, sinh con của người dân trong làng cũng dần giảm đi, nhiều người bày tỏ các con của họ cũng mong muốn đi học, đạt được kết quả tốt như chị Hà.

Rất nhiều các em học sinh khóa sau thường xuyên nhắn tin cho Hà nhờ tư vấn để chọn trường, chọn ngành. Có em ở miền núi Tây Bắc cũng liên hệ đến để hỏi cách vượt qua áp lực trong học tập. Hà dành nhiều thời gian trả lời hết tin nhắn đó vì cô hiểu những chia sẻ của cô có ý nghĩa với các học sinh ở những nơi khó khăn như vậy.


Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 4.

Ở Nông Thị Hà luôn toát ra nguồn năng lượng tích cực, sôi nổi và ấm áp. Có được điều ấy là nhờ sự chăm sóc, yêu thương từ bố và cả gia đình. Hà kể: "Bố chăm sóc và nuôi dạy tôi với điều kiện tốt nhất trong khả năng. Mặc dù bất kỳ công việc gì từ việc đồng áng đến những kỹ năng bếp núc như thịt gà, sơ chế thức ăn... bố đều chỉ dạy tôi rất kỹ, nhưng ít khi bố để tôi phải làm. Bố ưu tiên cho tôi được có nhiều thời gian học tập, trau dồi kiến thức. Đối với bố, đó vừa là sự cưng chiều, vừa là mong muốn giúp con gái có được hành trang tốt để thích nghi và tồn tại được trong bất kỳ hoàn cảnh nào".

Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 5.

Bố là điểm tựa tinh thần lớn lao trong cuộc đời của Hà.

Hà nhớ khi chuẩn bị vào lớp 1, sách phải đi mượn từ các anh chị, bố Hà đã bọc lại chúng cẩn thận, dán nhãn vở, xem thời khóa biểu rồi cắp sách cho Hà lên trường.

"Ngày đầu đến trường, cô giáo dạy bảng chữ cái. Dù được bố giúp chuẩn bị bài và dạy rất kỹ vào đêm hôm trước, nhưng tôi vẫn rụt rè không dám giơ tay phát biểu. Trong lúc rất bối rối vì bị cô bất ngờ gọi đứng dậy đọc bài, tôi đã nghe thấy tiếng bố cổ vũ mình, hóa ra bố đã đứng ngoài cửa sổ từ bao giờ.

Trong buổi học đầu tiên đó, bố cũng là phụ huynh duy nhất đã đứng suốt cả sáng để xem và đợi đón tôi về nhà. Nhờ đó, các buổi học tiếp theo, tôi luôn cảm giác mình có chỗ dựa vững chãi là bố nên việc gì cũng tự tin hơn, và dần dần mạnh dạn hơn".

Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 6.

Hà luôn cố gắng tạo cảm giác thoải mái, dễ chịu cho những người làm việc cùng mình.

Năm lớp 11, Hà tiếp tục theo học tại nội trú tỉnh cách nhà hơn 60km. Trong lần gọi điện về nhà, cô vô tình nói thèm hạt dẻ, nói bâng quơ vậy thôi, vậy mà, sáng hôm sau, khi vừa kết thúc tiết thể dục, về tới ký túc xá thì có nghe các bạn nhắc có một người đàn ông lạ mặt đỗ xe dưới cổng ký túc xá nhờ nhắn gặp Hà. Chạy ra hành lang ngó xuống, Hà bất ngờ bố mình đứng đó. Cô con gái vừa mừng vui, vừa rơm rớm khi đón túi hạt dẻ bố lấy ra từ cốp xe, vẫn còn ấm nóng bàn tay.

Cứ vậy, Hà đã có những tháng ngày học phổ thông yên ấm trong sự chăm lo của bố. Khi thi vào đại học, dù được nhiều người tư vấn vào những ngành hot như bác sĩ, quân đội, an ninh, ngoại ngữ… Nhưng Hà lựa chọn ngành Truyền thông đại chúng của Học viện Báo chí và Tuyên truyền – một ngành học lạ, ngôi trường lạ với hầu hết mọi người ở quê Hà.

"Hầu như ai cũng cản tôi, khiến tôi cũng có chút phân tâm, đắn đo. Đến khi gần nhập học, bố hỏi tôi có muốn học ngành đó không. Tôi nói có. Bố dặn: Thế thì đi học ngành đó đi. Bố nghĩ trường nào cũng được, miễn là con thích, con lựa chọn, con cố gắng là được. Không có trường nào tốt hẳn cả. Nếu người ta học không tốt mà mình học tốt mới đáng tự hào", Hà nhớ lại.

Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 7.

Những ngày đầu vào đại học, Hà bị sốc vì thấy các bạn quá giỏi. Trong khi cô còn chưa biết đặt xe công nghệ như nào, chưa biết soạn thảo văn bản hoàn chỉnh vì không có máy tính, những tiết Tin học ở trường cấp 3 không đủ cho Hà tự tin bởi ở môi trường đại học này, nhiều bạn trong lớp đã học xong khóa học thiết kế đồ họa, dựng phim chuyên nghiệp – những kỹ năng phục vụ cho ngành học mà Hà đang theo đuổi.

Thấy các bạn quá giỏi, Hà tự nhủ sẽ học đại học một cách thầm lặng, gác lại những hoạt động ngoại khóa sôi nổi mà cô từng tham gia rất  nhiệt huyết thời học phổ thông.

Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 8.

Hà gọi điện thoại về tâm sự với bố mấy tiếng đồng hồ về việc này. Bố Hà động viên: "Con gái bố giỏi giang mà, bây giờ chưa quen thôi, mấy nữa quen rồi thì con  làm được mà!".

Bố động viên Hà cứ bình tĩnh phát huy giá trị của bản thân, thấy việc cần thì làm, không sợ sai.

Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 9.

Nông Thị Hà cùng bạn bè, người thân trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: NVCC

Sau lần tâm sự đó, Hà tự tin hơn. Trong lớp học, Hà mạnh dạn giơ tay xung phong, trao đổi bài học cùng thầy cô, góp ý vào các hoạt động của lớp trong các buổi họp. Hà nhìn ra điểm yếu của mình về công nghệ để tập trung khắc phục, phát huy các kỹ năng như hội họa, múa, hát vào hoạt động chung của lớp, của trường.

"Tôi nhớ mãi lời bố nói: trong cùng một vấn đề, con đừng nghĩ con không làm được mà hãy nghĩ là con muốn hay không. Khi nào con muốn thì con sẽ học được. Bố luôn tạo dựng niềm tin cho tôi như vậy", Hà chia sẻ.

Nhưng, một cú sốc đã đến với cô sinh viên đang bỡ ngỡ bước vào đại học năm thứ nhất: người bố thương yêu của Hà mất vì mắc bệnh hiểm nghèo. Trong khoảnh khắc đau buồn, Hà từng nghĩ "không còn bố ở bên đồng hành, có nên đi học tiếp không?". Nhưng ý nghĩ ấy nhanh chóng vụt qua, vì lời bố dặn "con phải theo đuổi sự học cho nên người" vang lên mạnh mẽ, đó là điều bố muốn, Hà muốn.

Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 10.

Trong bốn năm đại học, Nông Thị Hà phát huy tinh thần ham học, sôi nổi trong các hoạt động, tham gia các câu lạc bộ, thậm chí đi làm thêm. Cô hăng say đến mức thường xuyên thức thâu đêm, thói quen này khiến Hà phải trả giá bằng sức khỏe: cô bị bệnh về dạ dày.

"Có lần tôi đau đến mức các bạn cùng phòng phải vào nhà vệ sinh để đỡ tôi ra. Khi đó tôi tự hỏi: mình đã làm gì với cơ thể vậy? Ngay lúc ấy, tôi quyết định từ bỏ một số hoạt động khác để có thời gian chăm sóc sức khỏe bản thân hơn", Hà kể.

Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 11.

Năm thứ tư đại học là khoảng thời gian Hà cảm thấy căng thẳng nhất. Giai đoạn này Hà thực hiện sản phẩm tốt nghiệp nên Hà căng thẳng, cộng với trục trặc trong mối quan hệ thân thiết nên có lúc cô bật khóc vì cảm thấy yếu đuối. 

Nhưng rồi, thời điểm ấy cũng qua, với bản năng ham học, Nông Thị Hà đã hoàn thành sản phẩm tốt nghiệp với điểm số xuất sắc.

Hiện tại, bên cạnh công việc truyền thông ở một công ty giáo dục, Hà đang theo học chương trình Thạc sĩ của Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hà bảo, việc học lên cao là điều tất yếu, để thỏa mãn khao khát của bản thân về việc tìm tòi, khám phá cái mới.

Nông Thị Hà: Tôi gắng học giỏi để các em gái quê tôi tin vào học hành- Ảnh 12.

Nông Thị Hà được kết nạp Đảng khi còn là sinh viên. Ảnh: NVCC

"Việc học giúp tôi có cái nhìn rộng mở hơn về thế giới vì được đi đây đi đó, biết bao dung hơn với những người xung quanh mình, sống tích cực, nhiều cảm xúc hơn. Tôi không ngừng học để ở nơi xa, bố biết rằng, con gái của bố vẫn đang sống cuộc đời ý nghĩa. Và để các em học sinh ở quê tôi, đặc biệt là các em gái có thêm niềm tin về kết quả tốt đẹp của sự học".

Hà khẳng định: "Nếu chỉ dừng lại học lớp 12 rồi lấy chồng, sinh con như nhiều bạn gái ở làng, tôi đã không được như ngày hôm nay".

Cô gái dân tộc Nùng Nông Thị Hà cũng chia sẻ thêm, cũng không nhất thiết phải ở trường lớp hay vào đại học mới là học. Việc học xuất hiện ở mọi hoàn cảnh, mọi điều kiện trong cuộc sống, ví như: học qua trao đổi với mọi người, học qua thực hiện những công việc mình làm, học qua chuyến đi... Tất cả sự trải nghiệm của bản thân mỗi người, có thể đúng, có thể sai, nhưng đó là sự kiểm chứng để mỗi người sẽ rút ra bài học cho bản thân.

"Tôi phù hợp với việc học tập ở trường lớp. Nhưng tôi nghĩ, còn có nhiều người khác, họ chỉ cần có tinh thần học hỏi, trong quá trình lao động luôn chịu khó nâng cao hiểu biết thì vẫn sẽ có những trải nghiệm và vốn sống phong phú cho riêng mình", Nông Thị Hà nói.

Một số thành tích khác của Nông Thị Hà khi là sinh viên:

- Top 11 sinh viên nhận khen thưởng xuất sắc toàn khóa 39, Học viện Báo chí và Tuyên truyền;

- Nhận Giấy khen Đoàn thanh niên Học viện Báo chí và Tuyên truyền năm học 2020-2021 và Giấy khen năm 2021-2022;

- Giấy khen của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tặng sinh viên Nghiên cứu khoa học đạt loại xuất sắc năm 2022;

- Giấy khen của Học viện Báo chí và Tuyên truyền tặng sinh viên đạt danh hiệu Sinh viên Giỏi và danh hiệu Sinh viên Xuất sắc năm học 2020-2021, 2021-2022 và 2023-2024;

- Giải Ba cuộc thi "Sinh con gái – Hái niềm vui" năm 2020 do Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình - Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) tổ chức;

- Là cựu thành viên nhóm Mắt Xanh thuộc dự án "Thanh niên vì môi trường - Youth for environment" của Quỹ Vì Tầm Vóc Việt...