Những điều cần tháo gỡ đối với giáo dục phổ thông trong năm học mới
Thời điểm này, các cấp học phổ thông chuẩn bị bước vào năm thứ tư giảng dạy chương trình mới ở tiểu học, năm thứ 3 ở cấp trung học cơ sở và năm thứ 2 ở cấp trung học phổ thông. Tuy nhiên, vẫn còn băn khoăn nhiều về hạn chế, bất cập vẫn xảy ra trong quá trình thực hiện chương trình mới.
Niềm tin của xã hội vào ngành giáo dục trong thời gian qua nhiều khi bị thách thức khi giá dịch vụ giáo dục được đẩy lên cao. Chương trình mới còn bất cập; tình trạng dạy thêm, học thêm; bạo lực học đường; tình trạng lạm thu; những cuộc thi vô bổ… vẫn còn nhiều. Chính vì thế, muốn cho xã hội tin, đội ngũ nhà giáo toàn tâm, toàn ý cho công việc, cho ngành giáo dục thì cần phải thay đổi, chấn chỉnh cho phù hợp nhằm tạo niềm tin cho xã hội và động lực cho đội ngũ nhà giáo ở các nhà trường.
Thứ nhất: Những năm gần đây, mỗi khi chuẩn bị bước vào năm học mới thì câu chuyện giá thành sách giáo khoa lại được phản ánh khá nhiều. Mặc dù chương trình mới đã chủ trương xã hội hóa sách giáo khoa và thực tế 3 bộ sách được Bộ thẩm định nhưng giá thành sách giáo khoa chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang cao gấp 2-3 lần sách giáo khoa chương trình 2006. Việc phụ huynh đi mua sách giáo khoa cho con em mình ở thời điểm đầu năm học vẫn gặp những khó khăn.
Mức chi phí phát hành (chiết khấu) tối đa đối với sách giáo khoa phục vụ năm học 2020-2021, 2021-2022 của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam là 29% giá bìa, sách bài tập là 33%, sách giáo viên là 15%. Năm học 2022-2023 đối với sách giáo khoa là 28,5% giá bìa, sách bài tập là 35%, sách giáo viên là 15%. Chính vì mức chiết khấu cao như vậy nên giá sách giáo khoa chương trình mới cao hơn trước đây và tất nhiên phụ huynh cũng phải mua những bộ sách đắt đỏ này.
Thứ hai: Các môn tích hợp ở cấp Trung học phổ thông vẫn đang là thách thức đối với đội ngũ nhà giáo, học sinh khi học các môn này. Sách giáo khoa viết theo từng mạch kiến thức, từng chủ đề theo các phân môn riêng lẻ nhưng Bộ chủ trương 1 giáo viên sẽ dạy cả môn học sau khi có chứng chỉ tích hợp theo Quyết định 2454/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên môn Khoa học tự nhiên và Quyết định 2455/QĐ-BGDĐT về Chương trình bồi dưỡng giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý. Thế nhưng, thực tế cho thấy, một số giáo viên đã có chứng chỉ nhưng vẫn đang gặp khó khăn khi giảng dạy.
Chính vì thế, tại chương trình "Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" ngày 15/8 vừa qua, nhiều giáo viên cũng đã có nhiều chia sẻ, tâm tư với Bộ trưởng về các môn học tích hợp.
Trao đổi vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Bộ sẽ xem xét để có thể điều chỉnh dạy học tích hợp cấp trung học cơ sở. Song, điều chỉnh như thế nào để không xáo trộn và không gây sốc là việc cần cân nhắc. Điều chỉnh để tốt hơn, thuận lợi hơn và phù hợp với yêu cầu đổi mới giáo dục". Song, điều chỉnh như thế nào trong lúc này cũng khó tránh khỏi những khó khăn khi chương trình đã được ban hành, sách giáo khoa đã được phê duyệt, xuất bản, phát hành ra thị trường.
Thứ ba: Những hướng dẫn về chuyên môn của Bộ được thể hiện qua các công văn hướng dẫn nhiệm vụ năm học hàng năm vẫn khá chung chung, khiến cho các nhà trường, giáo viên khó khăn khi phân công giảng dạy, sắp xếp thời khóa biểu, tổ chức kiểm tra, đánh giá- nhất là các môn tích hợp, môn học ghép.
Thứ tư: Chuyện bổ nhiệm hạng cho giáo viên theo Chùm thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT đến nay vẫn khá rối, chưa có sự thống nhất giữa văn bản của Bộ với nhiều địa phương. Vì thế, sau khi Bộ ban hành chùm thông tư này phải sửa đổi và ban hành thêm nhiều công văn hướng dẫn khác nhau nhưng đến thời điểm hiện nay vẫn đang khá phức tạp. Có nơi đã bổ nhiệm hạng, xếp lương và giáo viên đã hưởng lương mới nhưng đa phần các địa phương vẫn chưa có gì thay đổi. Lương giáo viên vẫn đang trả theo hệ số cũ từ 2,34- 4,98 (giống như khi chưa có Chùm thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT).
Chính sách tiền lương của giáo viên vẫn đang trả theo kiểu cào bằng, theo năm công tác. Vì thế, khó tạo được động lực cho giáo viên phát huy khả năng của mình mà còn tạo ra sức ì của một bộ phận giáo viên. Vì phấn đấu cũng vậy, không phấn đấu cũng thế, không bị kỷ luật thì 3 năm tăng 1 bậc lương với hệ số 0,33.
Thứ năm: Tình trạng dạy thêm, học thêm hiện nay vẫn đang diễn ra tràn lan ở mọi nơi, mọi cấp học. Công tác quản lý, cấp giấy phép dạy thêm cho giáo viên hiện nay đang bị bỏ ngỏ nên giáo viên thường dạy thêm cho học sinh chính khóa. Vì thế, có tình trạng giáo viên lên lớp dạy hời hợt để kéo học sinh đến học thêm tại nhà. Từ đây, dẫn đến tình trạng ảo về điểm số, bệnh thành tích tràn lan.
Thứ sáu: Tình trạng lạm thu vẫn xảy ra ở nhiều trường học, nhất là thời điểm đầu năm học với rất nhiều loại tiền trường trên danh nghĩa "tự nguyện" khiến cho phụ huynh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, là các loại dịch vụ bán cho học sinh và các loại quỹ khiến cho phụ huynh nhiều khi ngao ngán, như: sách vở; đồng phục; tin nhắn điện tử; quỹ xã hội hóa; quỹ phụ huynh…
Thứ bảy: Các hội thi, cuộc thi đối với giáo viên và học sinh hiện nay đang được tổ chức quá nhiều qua từng năm học ở mọi thời điểm khác nhau. Từ đó, khiến cho cả thầy và trò cứ phải quay cuồng trong vòng xoáy phong trào của nhiều cấp cùng tổ chức.
Ngành giáo dục, các nhà trường còn để xảy ra những bất cập và nó đang cần được tháo gỡ để tạo niềm tin đối với phụ huynh, học sinh và xã hội. Việc tháo gỡ những bất cập này chắc chắn phải bắt đầu từ những chính sách, điều hành, quản lý của ngành, của lãnh đạo nhà trường. Nếu không, mọi thứ vẫn tồn tại và niềm tin về giáo dục có thể vẫn bị thách thức, mai một.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google