Những cơ quan báo chí nào thực hiện sáp nhập, hợp nhất theo Nghị quyết 18-NQ/TW?
Thông tin mới về một số cơ quan báo chí thực hiện sáp nhập, hợp nhất, tinh giản bộ máy bên trong để hoạt động trong thời gian tới.

Thực hiện sắp xếp, tinh gọn hệ thống cơ quan báo chí theo Nghị quyết 18-NQ/TW
Một số cơ quan báo chí đã chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, dừng hoạt động
Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có kế hoạch sắp xếp lại các cơ quan báo chí. Đơn cử Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ sắp xếp 11 cơ quan báo chí, tạp chí thành 1 báo và 1 tạp chí.
Theo đó, Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc phối hợp xây dựng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (sau hợp nhất).
Theo phụ lục về phân công xây dựng Đề án hợp nhất; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Bộ Tài chính (sau hợp nhất) có nêu về việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập trong cơ cấu tổ chức.
Dự kiến, Thời báo Tài chính Việt Nam (Bộ Tài chính), Báo Đầu tư (Bộ Tài chính) và Báo Đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) sẽ được hợp nhất thành Báo Tài chính - Đầu tư.
Cùng với đó 8 cơ quan báo, tạp chí của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam sẽ được hợp nhất thành Tạp chí Kinh tế - Tài chính.
Trong đó có 5 cơ quan báo, tạp chí thuộc Bộ Tài chính là: Tạp chí Tài chính, Báo Hải quan (Tổng cục Hải quan), Tạp chí Thuế (Tổng cục Thuế), Tạp chí Chứng khoán (Ủy ban Chứng khoán Nhà nước), Tạp chí Quản lý Ngân quỹ Quốc gia (Kho bạc Nhà nước).
2 tạp chí thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư là: Tạp chí Kinh tế và Dự báo (Viện Chiến lược phát triển), Tạp chí Con số và Sự kiện (Tổng cục Thống kê).
1 tạp chí thuộc Bảo hiểm xã hội Việt Nam đó là Tạp chí Bảo hiểm xã hội.
Trong khi đó, từ ngày 1/3, Bộ Nội vụ có thêm các đơn vị sự nghiệp công lập gồm: Báo Dân trí; Tạp chí Tổ chức Nhà nước và Lao động. Trước đó, Báo Dân trí là cơ quan của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 27/2025/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Thông tấn xã Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/3/2025.
Đáng chú ý, báo Tin tức, Báo ảnh Dân tộc và Miền núi, Báo Việt Nam News, Tạp chí Vietnam Law and Legal Forum, Trung tâm Phát triển Truyền thông Thông tấn tiếp tục hoạt động động cho đến khi Tổng giám đốc Thông tấn xã Việt Nam ban hành chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Báo Tin tức và Dân tộc, Báo Việt Nam News and Law, Trung tâm Nội dung số và Truyền thông và được cấp có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.
Thời gian thực hiện không quá 3 tháng kể từ khi Nghị định này có hiệu lực thi hành.
Đồng thời kết thúc hoạt động của Truyền hình Thông tấn.
Ngoài ra, Thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Tạp chí Ngân hàng và Cổng thông tin điện tử của Ngân hàng Nhà nước cũng thực hiện sáp nhập vào Thời báo Ngân hàng.
Trước đó, một số cơ quan báo chí cũng đã thực hiện chuyển giao chức năng, nhiệm vụ, kết thúc hoạt động như Tạp chí Tuyên giáo, Truyền hình VTC, Truyền hình Quốc hội, Truyền hình Nhân dân, Truyền hình VOV, Báo điện tử Đảng Cộng sản.
Sắp xếp hoạt động của các cơ quan báo chí địa phương
Ngày 17/2, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương ban hành Công văn số 34 về việc chỉ đạo triển khai Nghị quyết 18-NQ/TW đối với báo chí tỉnh, thành phố.
Theo đó, đối với các địa phương có phương án sắp xếp hợp nhất báo Đảng và đài phát thanh, truyền hình, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị Thường trực tỉnh ủy, thành ủy bám sát chủ trương, quan điểm, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Trong đó lưu ý quan điểm, mục tiêu, báo chí phải đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật.
Việc sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan báo đảng và đài phát thanh, truyền hình địa phương cần khắc phục tình trạng chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; tinh gọn về tổ chức bộ máy; tập trung nguồn lực đầu tư bảo đảm mục tiêu cơ quan báo chí sau sáp nhập, hợp nhất phải hoạt động tốt hơn, thực hiện hiệu quả hơn nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền.
Về phương án sắp xếp, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương lưu ý xây dựng phương án, sáp nhập, hợp nhất báo đảng địa phương và đài phát thanh, truyền hình địa phương.
Về mô hình và cơ quan chủ quản, hoạt động theo mô hình đơn vị sự nghiệp trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy.
Về tên cơ quan báo chí, bám sát Quy định 338 ngày 26/11/2010 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan báo của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Quy định 232 ngày 20/1/2025 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về thi hành Điều lệ Đảng; Luật Báo chí 2016 và các quy định liên quan.
Đồng thời kế thừa và phát huy giá trị thương hiệu truyền thống quen thuộc của báo đảng địa phương, thống nhất tên gọi là báo gắn với tên đơn vị hành chính của địa phương.
Trong trường hợp phát sinh vướng mắc, trao đổi với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương và các cơ quan có thẩm quyền để được hướng dẫn.
Công văn nhấn mạnh: “Quá trình sắp xếp, hợp nhất, cần chú trọng công tác tư tưởng đối với cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người lao động, không để việc sắp xếp, hợp nhất ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị thông tin, tuyên truyền của địa phương”.
Đối với thành phố Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương đề nghị bám sát quan điểm, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về báo chí, Luật Thủ đô 2024, Nghị quyết 98 ngày 24/6/2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh và tình hình thực tiễn hoạt động báo chí của Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, khẩn trương nghiên cứu, xây dựng phương án sắp xếp, mô hình cơ quan báo chí phù hợp để trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, thẩm định, phê duyệt.
Trước đó, ngày 14/2, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú đã ký ban hành Kết luận số 126 của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về một số nội dung tiếp tục sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị năm 2025.
Theo đó, Bộ Chính trị, Ban Bí thư giao Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương được giao chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, các cấp ủy, tổ chức đảng nghiên cứu định hướng việc sắp xếp cơ quan báo chí địa phương theo hướng sáp nhập cơ quan phát thanh, truyền hình thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh vào cơ quan báo của đảng bộ tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Chính trị, Ban Bí thư cũng giao Đảng ủy Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Đảng ủy Chính phủ, Đảng ủy Quốc hội và đảng ủy các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng ở Trung ương do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, lãnh đạo, chỉ đạo tổng rà soát chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của các cơ quan, tổ chức trực thuộc, nhất là các cơ quan báo chí nhằm bảo đảm quản lý thống nhất, hiệu quả hoạt động theo hướng tinh gọn tối đa, chỉ duy trì các đơn vị thực sự cần thiết, báo cáo Bộ Chính trị trong quý 2/2025.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google