Nhìn lại sau 50 năm Mỹ rút quân khỏi miền Nam Việt Nam (29/3/1973- 29/3/2023): "lỗ" -"lãi" của Mỹ ra sao?

Nguyễn Năng Lực
16:07 - 09/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ ngày Mỹ buộc phải rút quân khỏi Việt Nam đến nay vừa tròn 50 năm. Vậy nhìn theo góc độ kinh tế, chính quyền Mỹ đã "lỗ" và "lãi" từ cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam như thế nào?

50 năm Ngày Mỹ rút quân (29-3-1973), nhìn lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam: Lỗ và lãi - Ảnh 1.

B-52, chiếc máy bay đắt giá của Không quân Chiến lược Hoa Kỳ. Tư liệu TTXVN.

Thiệt hại nặng nề từ "canh bạc" trút mưa bom, bão đạn xuống miền Bắc Việt Nam tháng 12/1972

Từ ngày 18 đến 30/12/1972, Mỹ đã huy động 193/400 chiếc B-52 của cả nước Mỹ tiến hành 663 phi vụ B-52 và 3.920 lần máy bay chiến thuật, trút hơn 100 nghìn tấn bom, đạn xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã ở miền Bắc với mức độ chưa từng có kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II.

Riêng ở Hà Nội, Mỹ sử dụng 441 lần chiếc B-52 cùng nhiều máy bay chiến thuật, ném hàng chục nghìn tấn bom xuống các khu dân cư, sân bay, nhà ga, bệnh viện, trường học...

Trong 12 ngày đêm, Mỹ đã bị quân và dân Việt Nam tiêu diệt 81 máy bay các loại, trong đó có 34 chiếc B-52 (16 chiếc rơi tại chỗ), với tỉ lệ tổn thất hơn 17% trên số B-52 tham chiến (34/193). Không lực Hoa Kỳ còn mất hàng trăm phi công sừng sỏ trong chiến dịch này.

Không chịu nổi tổn thất ở "canh bạc" trút bom đạn xuống miền Bắc ("canh bạc" mà Mỹ tiến hành với mục đích "đưa Việt Nam trở về thời đồ đá") và thất bại nặng nề ở chiến trường miền Nam Việt Nam, Tổng thống Nixon phải ra lệnh chấm dứt ném bom, trở lại bàn đàm phán. Ngày 8/1/1973, vòng đàm phán cuối cùng diễn ra tại Paris. Ngày 13/1/1973, các bên hoàn thành văn bản của Hiệp định; những đợt gặp riêng giữa các ông Lê Đức Thọ - Xuân Thủy (đại diện nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và Kissinger (đại diện chính quyền Mỹ) kết thúc. Ngày 23/1/1973, Mỹ chấp nhận ký Hiệp định Paris không điều kiện;Ông Lê Đức Thọ và Kissinger tiến hành ký tắt Hiệp định và 4 Nghị định thư. Ngày 27/1/1973, bốn bên dự Hội nghị chính thức ký Hiệp định, mở ra một trang mới cho lịch sử Việt Nam.

Theo Hiệp định, Mỹ phải rút toàn bộ quân đội, nhân viên quân sự, vũ khí trang bị…khỏi miền Nam Việt Nam trong thời hạn 60 ngày. Ngày 29/3/1973, người lính Mỹ cuối cùng đã rút khỏi Việt Nam, chấm dứt hơn 8 năm can thiệp và trực tiếp đưa quân vào xâm lược miền Nam Việt Nam.

50 năm Ngày Mỹ rút quân (29-3-1973), nhìn lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam: Lỗ và lãi - Ảnh 2.

Toàn cảnh Lễ ký Hiệp định Paris ngày 27/1/1973. Ảnh: Tư liệu TTXVN.

Chính quyền Mỹ đã "lỗ" và "lãi" từ cuộc chiến như thế nào?

B-52 là một trong bộ ba vũ khí chiến lược của Mỹ (tên lửa đạn đạo, tàu ngầm hạt nhân, máy bay ném bom chiến lược). Đây thực sự là một "siêu pháo đài bay" khổng lồ, một "biểu tượng của sức mạnh Hoa Kỳ", rất đắt tiền, và Chiến dịch Linebacker II là một cú "áp phe" lớn, một "canh bạc tất tay" của Hoa Kỳ trong chiến tranh xâm lược Việt Nam

Tại thời điểm ngày 15/4/1952, khi chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52 "Stratofortress" đầu tiên xuất xưởng, mỗi chiếc có giá 14,43 triệu USD, tính theo thời giá hiện nay vào khoảng gần 100 triệu USD/chiếc. Tổng số Mỹ đã sản xuất 744 chiếc B-52, cho đến nay chỉ còn 76 chiếc đang hoạt động và Mỹ đang đầu tư 11 tỉ USD để kéo dài tuổi thọ của số B-52 này đến năm 2050.

Trong "canh bạc" 12 ngày đêm, Mỹ tổn thất 34 chiếc B-52 và 47 chiếc máy bay các loại. Chỉ tính riêng B-52, theo thời giá năm 2011, Mỹ đã "lỗ" xấp xỉ 3 tỉ USD. Đó là chưa tính đến việc Không lực Hoa Kỳ còn mất hàng trăm phi công sừng sỏ trong chiến dịch này, mà chi phí đào tạo mỗi phi công như vậy cực kỳ tốn kém.

Trong cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân ra miền Bắc Việt Nam (1964 – 1972), Mỹ đã bị bắn hạ 4.181 máy bay các loại, hàng nghìn phi công bị bắt và bị chết.

Tổng cộng, quân đội Hoa Kỳ đã mất ở cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam gần 10.000 máy bay, trực thăng và máy bay không người lái (3.744 máy bay, 5.607 máy bay trực thăng và 578 máy bay không người lái). Chính quyền ngụy Sài Gòn mất 1.018 máy bay và trực thăng từ tháng 1/1964 đến tháng 9/1973. Đó là chưa tín 877 máy bay của Chính quyền ngụy Sài Gòn bị quân và dân Việt Nam thu giữ trong cuộc Tổng tiến công mùa xuân năm 1975.

Theo một nguồn tin, ước tính tổng chi tiêu cuối cùng của Mỹ trong giai đoạn 1954-1973 cho cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên tới 950 tỉ USD, gấp 3,8 lần chi phí của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ Nhất và chỉ đứng sau chi phí của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ Hai. Nếu tính cả chi phí trợ cấp, điều trị y tế cho cựu binh Mỹ (khoảng 350 tới 900 tỉ USD theo thời giá năm 2011) thì nước Mỹ đã tốn kém khoảng 1.200 - 1.800 tỉ USD cho cuộc chiến tại Việt Nam (riêng năm 1968, chi phí cho cuộc chiến Việt Nam đã tiêu tốn 2,3% GDP của Mỹ). Và trong cuộc chiến tranh này, phía Mỹ có 58.318 quân nhân thiệt mạng.

Cái gọi là "thành lũy ngăn chặn làn sóng đỏ" do Mỹ dựng lên ở Đông Nam Á đã sụp đổ hoàn toàn. Miền Bắc Việt Nam anh dũng, kiên cường đối đầu với cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ, vẫn vững vàng, là hậu phương vững chắc cho miền Nam đánh Mỹ.

Quên đi quá khứ, hướng tới tương lai

Sau hơn 20 năm anh dũng chiến đấu chống xâm lược, Mùa Xuân năm 1975, với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân Việt Nam trên toàn chiến trường miền Nam, Việt Nam hoàn toàn thống nhất, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Ngay sau đó, Mỹ và nhiều nước phương Tây tuyên bố cấm vận kinh tế với Việt Nam. Nhưng do những thành tựu quan trọng và toàn diện nhờ đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, do áp lực từ đấu tranh của các nước tiến bộ, năm 1995 Chính phủ Mỹ phải dỡ bỏ chính sách cấm vận vốn chẳng đem lại lợi ích gì.

Hiểu lẽ hơn - thua, được - mất, người Mỹ đã và đang tiếp tục trở lại với những khoản đầu tư ngày càng lớn, để cùng Việt Nam hướng tới mục tiêu hòa bình, với quan điểm, tâm thế khác: Hai bên cùng có lợi.

50 năm Ngày Mỹ rút quân (29-3-1973), nhìn lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam: Lỗ và lãi - Ảnh 4.

Lễ kí Hợp đồng xây dựng nhà máy sản xuất ô tô điện Vinfast và pin trị giá 4 tỉ USD của Việt Nam tại bang Bắc Carolina (Mỹ). Ảnh: TTXVN.

Sự có mặt của các tên tuổi lớn như Ford, General Electric, Pepsi, Coca-Cola, Nike, Microsoft, Citi Group, P&G, Metlife, UPS, Quantum… đã cho thấy sự quan tâm lớn của Hoa Kỳ tới thị trường Việt Nam. Đến nay, Hoa Kỳ có gần 1.160 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn đăng ký đạt 10,47 tỉ USD, cao thứ 11 trong số 139 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam.

Có đi có lại, đầu tư của Việt Nam sang Mỹ tuy chiếm tỉ trọng còn thấp trong tổng vốn đầu tư ra nước ngoài nhưng hiện nay đang tăng trưởng mạnh mẽ.

Đó là hướng đi đúng cho cả hai nước. Với chính sách ngoại giao mềm dẻo của Việt Nam, khoản "lãi" mà nước Mỹ sẽ thu được ở đất nước đã trở thành định mệnh với họ là đầy hứa hẹn, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

50 năm Ngày Mỹ rút quân (29-3-1973), nhìn lại cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam: Lỗ và lãi - Ảnh 5.

Ford Việt Nam - liên doanh sản xuất ô tô giữa doanh nghiệp Mỹ và Việt Nam. Ảnh: Lê Hoàng.