Nhiều vi phạm tại Đại học Thủy lợi
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố công khai kết luận thanh tra số 30/KL-TTr về việc thanh tra hoạt động tuyển sinh và đào tạo tại Đại học Thủy lợi.
Thanh tra kết luận nhiều vi phạm ở Trường Đại học Thủy Lợi
Đại học Thủy Lợi được biết đến là cơ sở giáo dục đại học đào tạo nguồn nhân lực, nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ chất lượng cao trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ, kinh tế đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Tuy nhiên, những năm gần đây, nhiều ngành học của cơ sở đào tạo này đã trở nên không còn hấp dẫn đối với nhiều sinh viên.
Căn cứ Điều 79 Luật Thanh tra 2022, Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công khai Kết luận số 30/KL-TTr ngày 18/9/2024 thanh tra hoạt động tuyển sinh và đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đối với Trường Đại học Thủy lợi.
Theo Kết luận Thanh tra, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã chỉ ra một số điểm thiếu sót tại Trường Đại học Thủy lợi trong công tác tuyển sinh và đào tạo.
Trong đó, liên quan đến việc tuyển sinh ngành Cơ học chất lỏng và khí đào tạo trình độ tiến sĩ sau 5 năm liên tiếp (từ 2018 - 2022) không tuyển sinh được, Trường đã phải dừng đào tạo trình độ này. Thiếu sót thứ hai liên quan tới việc có 2 ngành trình độ tiến sĩ là Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật cấp thoát nước năm 2022 và 2023 cũng không tuyển sinh được.
Về vi phạm, Thanh tra Bộ nhận thấy, trường xác định và công bố chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ năm 2022 các ngành: Kỹ thuật môi trường, Kỹ thuật xây dựng công trình giao thông, Kỹ thuật xây dựng công trình thủy vượt năng lực theo quy định của Bộ GDĐT, vi phạm Nghị định số 04 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục. Năm 2023, vi phạm này tiếp tục tái diễn ở các ngành Kỹ thuật cấp thoát nước, Quản lý xây dựng vượt năng lực theo quy định.
Hiệu trưởng, phó hiệu trưởng Đại học Thuỷ lợi chịu trách nhiệm về các vi phạm
Theo báo cáo, trách nhiệm của vi phạm nêu trên thuộc hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phụ trách tuyển sinh và các bộ phận liên quan tới tham mưu, bộ phận công tác tuyển sinh của trường.
Tại báo cáo kết luận, Thanh tra Bộ cũng đề xuất, kiến nghị các biện pháp xử lý khi các biện pháp theo thẩm quyền đã không được áp dụng.
Theo đó, các biện pháp xử lý trước mắt là cần chấn chỉnh ngay công tác quản lý tại Trường Đại học Thuỷ lợi. Rà soát các văn bản, quy định để kịp thời bổ sung, chỉnh lý cho phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh thực tế. Thực hiện tuân thủ các quy định về tuyển sinh và đào tạo theo đúng thẩm quyền và các quy định hiện hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Bên cạnh đó, nhà trường cũng cần có trách nhiệm rà soát, báo cáo Vụ Giáo dục Đại học đề xuất hướng xử lý các ngành học đang thực hiện sai các quy định để tránh tình trạng không tuyển sinh được trong nhiều năm liên tiếp.
Đặc biệt, cơ quan Thanh tra nghiêm khắc đề nghị trường tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân (trong đó có hiệu trưởng, hiệu phó) khi để xảy ra thiếu sót, vi phạm nêu trên và báo cáo kết quả thực hiện kết luận thanh tra về Bộ.
Trường Đại học Thủy lợi có tầm nhìn đến năm 2050 sẽ trở thành cơ sở giáo dục đại học đa ngành, định hướng nghiên cứu, một trong 10 trường hàng đầu ở Việt Nam trong các lĩnh vực kỹ thuật, công nghệ và kinh tế;
Đại học Thuỷ lợi cũng hướng tới giữ vững vị trí số một trong lĩnh vực thủy lợi, thủy điện (năng lượng tái tạo), tài nguyên, môi trường, phòng chống và giảm nhẹ thiên tai.
Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục đối với các cơ sở giáo dục đại học thuộc quyền quản lý của Bộ theo quy định khoản 36 Điều 1 Luật số 34/2018/QH14 ngày 19/11/2018 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Điều 5 Nghị định số 127/2018/NĐ-CP ngày 21/9/2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google