Nhiều nội dung mới trong Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi: Sửa mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

PV
17:35 - 09/11/2024
Công dân & Khuyến học trên

Ủy ban Xã hội đánh giá, việc mở rộng đối tượng như dự thảo Luật Việc làm sửa đổi không phải là giải pháp duy nhất để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

Nhiều nội dung mới trong Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi: Sửa mức đóng bảo hiểm thất nghiệp- Ảnh 1.

Phiên họp sáng 9/11 của Quốc hội. Ảnh: Quốc hội

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, ngày 9/11, Quốc hội nghe tờ trình và báo cáo thẩm tra Dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết một số nội dung sửa đổi, bổ sung lớn của dự thảo luật, trong đó có nhóm chính sách hoàn thiện chính sách bảo hiểm thất nghiệp là công cụ quản trị thị trường lao động.

Mở rộng đối tượng, sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Dự thảo mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Dự thảo cũng sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.

Các chế độ bảo hiểm thất nghiệp cũng được sửa đổi. Cụ thể, chế độ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động: sửa đổi, bổ sung theo hướng, quy định các trường hợp người sử dụng lao động được hỗ trợ (lý do kinh tế, thay đổi cơ cấu, công nghệ theo quy định tại Bộ luật Lao động; thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh nguy hiểm; thực hiện quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc di dời hoặc thu hẹp địa điểm sản xuất kinh doanh) và quy định điều kiện hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi dễ tiếp cận chính sách (gồm điều kiện về tham gia đóng bảo hiểm thất nghiệp và phương án đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động).

Nhiều nội dung mới trong Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi: Sửa mức đóng bảo hiểm thất nghiệp- Ảnh 2.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề xuất Dự thảo Luật Việc làm sửa đổi, trong đó có quy định mới về bảo hiểm thất nghiệp.

Cần cân nhắc, đánh giá kỹ việc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp

Thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, vể bảo hiểm thất nghiệp, Ủy ban Xã hội cho rằng, việc mở rộng đối tượng như dự thảo Luật không phải là giải pháp duy nhất để đạt mục tiêu đến năm 2030 có khoảng 45% lực lượng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp như xác định tại Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, mà cần nhiều giải pháp đồng bộ như các giải pháp về truyền thông, thanh tra, kiểm tra...

Bên cạnh đó, một số quy định liên quan đến bảo hiểm thất nghiệp cần được cân nhắc, tính toán, làm rõ thêm như quy định về mức đóng bảo hiểm thất nghiệp tối đa 1% tiền lương tháng và quy định người lao động bị sa thải hoặc bị xử lý kỷ luật buộc thôi việc không được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Do vậy, Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục bổ sung đánh giá tác động của các quy định mới và có các giải pháp bảo đảm tính khả thi, khắc phục các hạn chế hiện nay trong tổ chức thực hiện.

Về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, báo cáo thẩm tra nêu rõ, so với Luật hiện hành, dự thảo Luật đã quy định hỗ trợ tạo việc làm mới, duy trì, mở rộng việc làm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm, quy định cho vay hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, bổ sung chính sách hỗ trợ việc làm cho người cao tuổi và làm rõ hơn chính sách hỗ trợ việc làm cho thanh niên.

Ủy ban Xã hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, đánh giá để bảo đảm khả năng thực hiện, nhất là nguồn vốn cho vay ở địa phương để hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tiếp tục rà soát để quy định về nguồn vốn cho vay từ ngân sách nhà nước thống nhất với quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các luật khác có liên quan; quy định các nguyên tắc cơ bản để hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp; hỗ trợ việc làm cho thanh niên, người cao tuổi.

Bình luận của bạn

Bình luận