Nhật Bản thông qua chính sách thúc đẩy đầu tư lâu dài
Ngày 28/11, Chính phủ Nhật Bản đã thông qua kế hoạch tăng gấp đôi thu nhập từ tài sản của người dân thông qua chính sách miễn thuế cho chương trình Tài khoản Tiết kiệm Cá nhân Nhật Bản (NISA).
Kế hoạch này bao gồm việc biến các khoản đầu tư quy mô nhỏ trong chương trình Tài khoản Tiết kiệm Cá nhân Nhật Bản (NISA) thành các khoản đầu tư lâu dài và được miễn thuế. Cụ thể, Chính phủ Nhật Bản đặt mục tiêu tăng gấp đôi số lượng tài khoản NISA lên 34 triệu và tổng số tiền đầu tư theo chương trình này lên 56.000 tỷ yen trong vòng 5 năm tới.
Được triển khai từ đầu năm 2014, NISA là một chương trình của Chính phủ Nhật Bản nhằm khuyến khích người dân đầu tư để có thêm tiền tiết kiệm cho lúc nghỉ hưu. Chương trình này được xây dựng theo mô hình của chương trình Tài khoản Tiết kiệm Cá nhân (ISA) ở Vương quốc Anh. Tuy nhiên, khác với ISA, những người tham gia NISA phải đang sống ở Nhật Bản và từ 20 tuổi trở lên.
Họ có thể đầu tư tối đa 1 triệu yen/năm và thu nhập từ các khoản đầu tư theo NISA chỉ được miễn thuế trong 5 năm đầu tiên. NISA được đưa ra sau khi có các nghiên cứu cho thấy phần lớn người dân Nhật Bản có rất ít hoặc không có khoản tiết kiệm dành cho lúc nghỉ hưu và phần lớn số tiền tiết kiệm đó nằm dưới dạng tiền mặt hơn là các khoản đầu tư.
Cùng với việc khuyến khích người dân chuyển từ tiết kiệm sang đầu tư, Chính phủ Nhật Bản cũng thông qua kế hoạch nâng tổng số vốn đầu tư trong nước cho các doanh nghiệp khởi nghiệp lên khoảng 10.000 tỷ yen vào tài khóa 2027, tức là tăng gấp 12 lần so với hiện nay, đồng thời tăng số lượng doanh nghiệp khởi nghiệp lên 100.000, cao hơn 10 lần so với hiện nay.
Cả hai kế hoạch trên đều là một phần quan trọng trong các nỗ lực của Thủ tướng Fumio Kishida nhằm tạo ra chu kỳ tăng trưởng và phân phối của cải bền vững ở Nhật Bản.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google