Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam tổ chức lễ ra mắt chương trình "Tiếng Việt diệu kì"
Sau đây là những chia sẻ của bà Phùng Ngọc Hồng – Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam về ý nghĩa của Tiếng Việt đối với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

Các đại biểu tham dự chương trình tại trụ sở UBNN về NVNONN.
Câu hỏi 1: Mời bà chia sẻ về ý nghĩa và mục tiêu của sự kiện lần này?
Bà Phùng Ngọc Hồng – Phó Tổng Giám đốc Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam:
Sự kiện ra mắt chương trình "Tiếng Việt diệu kì" hôm nay nằm trong khuôn khổ Lễ phát động Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Chương trình nhằm triển khai thực hiện Đề án "Ngày Tôn vinh tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài giai đoạn 2023 – 2030" và Kế hoạch Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả dạy và học tiếng Việt với mong muốn giữ gìn và lan tỏa tiếng Việt cho người Việt Nam trên toàn thế giới, đặc biệt là trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.
Đây là dịp để chúng ta lan tỏa tinh thần yêu quý, giữ gìn và phát huy tiếng mẹ đẻ – vốn là cội rễ văn hóa dân tộc. Thông qua sự kiện, chúng tôi mong muốn tăng cường nhận thức trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, đặc biệt là thế hệ trẻ, về tầm quan trọng của việc học tiếng Việt và văn hóa truyền thống, qua đó góp phần củng cố bản sắc dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước.
Câu hỏi 2: Bà có đánh giá như thế nào về việc triển khai các chương trình dạy tiếng Việt mới, dưới nhiều phương thức thể hiện, dành cho nhiều đối tượng khán giả từ người Việt Nam ở nước ngoài, người nước ngoài?
Bà Phùng Ngọc Hồng:
Chúng tôi đánh giá rất cao sự đa dạng trong phương thức triển khai các chương trình dạy tiếng Việt hiện nay. Việc sử dụng các hình thức sáng tạo như hoạt hình, phim ngắn,… hay các chương trình truyền hình tương tác như "Chào tiếng Việt", "Tiếng Việt diệu kì" là một bước chuyển mình mạnh mẽ trong cách tiếp cận ngôn ngữ.
Sự đổi mới này không chỉ phù hợp với thói quen học tập của thế hệ trẻ mà còn mở ra nhiều cơ hội để người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài yêu mến văn hóa Việt, tiếp cận tiếng Việt một cách gần gũi và hấp dẫn hơn. Đây là hướng đi rất đáng khích lệ, góp phần đưa tiếng Việt lan tỏa mạnh mẽ và bền vững hơn trong cộng đồng quốc tế.
Câu hỏi 3: Theo bà, hiện tại, điều khó khăn nhất trong việc giữ gìn, lan tỏa tiếng Việt ra cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là gì?
Bà Phùng Ngọc Hồng:
Khó khăn lớn nhất hiện nay có lẽ là duy trì được sự kết nối ngôn ngữ giữa các thế hệ trong cộng đồng người Việt xa quê. Khi trẻ em sinh ra và lớn lên ở nước ngoài tiếp cận sớm với ngôn ngữ bản địa, việc giữ gìn tiếng Việt trở thành một thử thách, nhất là khi thiếu đi môi trường sử dụng thường xuyên trong gia đình và cộng đồng.
Việc thiếu học liệu phù hợp cũng là một trở ngại không nhỏ. Chúng tôi cho rằng, việc kết hợp giữa các cơ quan giáo dục, truyền thông và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài để cùng nhau xây dựng một hệ sinh thái học liệu phong phú, hỗ trợ việc sử dụng tiếng Việt là vô cùng cần thiết. Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã và đang triển khai hệ thống sách giáo khoa điện tử miễn phí để hỗ trợ công tác dạy và học tiếng Việt trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Chúng tôi cũng phối hợp với Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài cung ứng tài liệu học tập và bước đầu đưa sách vào các thư viện công tại một số nước để phục vụ cộng đồng. Tới đây, chúng tôi sẽ đẩy mạnh chuyển đổi số để có thể đưa các học liệu số tới cộng đồng một cách nhanh chóng và hiệu quả nhất.
Bên cạnh việc học ngôn ngữ, vấn đề giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam cũng cần được quan tâm. Đây chính là mục tiêu mà Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và VTV4 hướng tới khi xây dựng chương trình truyền hình "Tiếng Việt diệu kì". Chúng tôi hi vọng rằng, chương trình sẽ góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, khơi dậy tình yêu quê hương, đất nước cho các bạn nhỏ Việt Nam trên toàn thế giới.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google