Nhà thờ đổ Hải Lý - bảo tàng sống về biến đổi khí hậu
Ngôi nhà thờ đổ tại bờ biển xã Hải Lý (Hải Hậu, Nam Định) hiện nay là chứng tích của biến đổi khí hậu xâm lấn cuộc sống con người. Nước biển dâng ở đồng bằng sông Hồng trở nên rất rõ rệt chỉ sau vài chục năm.
Ngày càng ít những công trình xây chính diện bờ biển
Nhà thờ đổ Hải Lý vốn là một công trình Công giáo có tên là nhà thờ Thánh Maria Madalena được xây dựng năm 1943 do một kiến trúc sư người Pháp thiết kế và giám sát xây dựng.
Khi xây dựng xong, kiến trúc nhà thờ đặc sắc với nhiều những cửa sổ hình trái tim đón nắng và gió biển, người dân thường gọi là nhà thờ trái tim.
Năm 2005, sau 60 năm tồn tại, ngôi nhà thờ thường gọi là nhà thờ trái tim của giáo xứ Xương Điền này bị cơn bão số 7 tàn phá.
Từ đó cha xứ của giáo phận và giáo dân trong vùng bỏ hoang ngôi nhà thờ, tìm một khu đất khác xây lại nơi sinh hoạt tôn giáo của họ, tránh hẳn khu vực bờ biển, vì lại sợ công trình bị bão biển tàn phá.
Đây cũng không phải lần đầu tiên, giáo xứ Xương Điền phải di chuyển nhà thờ vì xây dựng quá gần mực nước thủy triều. Mỗi lần nước biển xâm thực phá hủy công trình là một lần họ phải chuyển vào sâu bên trong mặc dù một công trình có kiến trúc vòm gothic châu Âu cổ điển được xây dựng bên bờ biển này vốn có vẻ đẹp ít công trình nào có thể so sánh.
Những cơn bão biển đã tàn phá ngôi nhà thờ ở Hải Lý. Ảnh: Thuỵ Văn
Biến đổi khí hậu xâm lấn bờ biển
Hiện trạng, công trình ngôi nhà thờ Thánh Maria Madalena chỉ còn lại tháp chuông và bức tường còn lại đổ nát ven biển Hải Lý. Trên thế giới, chứng tích nhìn thấy bằng mắt thường về quá trình biến đổi khí hậu và nước biển dâng không có nhiều. Vì vậy, nhà thờ đổ Hải Lý có thể xem là chứng tích còn lại của quá trình biến đổi khí hậu rất nhanh ở các đồng bằng phù sa cổ cửa biển. Một "bảo tàng sống" cho giới chuyên gia nghiên cứu môi trường, có giá trị cảnh báo nhắc nhở ý thức bảo vệ tự nhiên, tránh xâm phạm vào quy luật tự nhiên và mức độ tàn phá ghê gớm của thiên nhiên nếu bị xâm phạm. Chưa kể, công trình đổ nát này còn có giá trị nghiên cứu khoa học về biển, thủy văn và sự thích ứng với biến đổi khí hậu của con người.
Vào năm 1996, nước biển bắt đầu xâm lấn vào đất liền gần 1km. Sự xâm lấn này khiến cho cả ngôi làng Xương Điền và dải bờ biển bị kéo ra thềm lục địa. Mọi công trình không đủ sức kiên cố và chống đỡ đều nhanh chóng bị hủy, riêng nhà thờ Maria Madalena còn lại vì tường công trình chắc chắn, vững chãi, xây dựng cân đối khoa học. Dọc chiều dài 20km bờ biển Hải Hậu tại khu vực này là hướng biển xâm thực chính diện. Nước biển lấn sâu cùng với quá trình dân biển Hải Hậu phải di chuyển dần vào sâu bên trong, tránh xa bờ biển cứ bị gặm nhấm theo thời gian.
Từ năm 1920 đến nay thống kê sơ bộ huyện Hải Hậu mỗi năm biển lấn 15-20m, đã mất trên 6 triệu m2 đất. Huyện đã di chuyển nhân dân tại 5 xóm của 3 xã gồm Hải Lý, Hải Triều và Thị trấn Thịnh Long với tổng số nhân khẩu phải di chuyển vào trong đê tuyến 2 là 3.750 người. Làng chài Xương Điền bị xóa sổ đáng tiếc nhất. Đây là vùng đất nằm ở giữa 2 làng Doanh Châu và Văn Lý, thành quả quai đê lấn biển của nhân dân từ những năm đầu thế kỷ XVIII. Trong quá trình khai hoang mở đất, lấn biển, đời sống tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân cũng được phát triển, kinh tế trù phú, đời sống văn hóa riêng giàu bản sắc.
Điều quan trọng là trải qua nhiều năm, người dân bất lực trước thiên tai chỉ lùi vào sâu đất liền chứ mất hẳn phản xạ tiến ra phía bờ biển. Xét về thói quen đánh bắt hải sản và cư trú, người dân duyên hải hiểu hơn hết sức công phá của nước và sự biến động của thiên nhiên.
Tàn tích ngôi nhà thờ "ăn hình", hút giới trẻ
Nhưng vài năm gần đây, với trào lưu du lịch bụi, sự phát triển của công nghệ chụp ảnh, giới trẻ phát hiện ra ngôi nhà thờ bỏ hoang ven biển Hải Lý là một nơi ngắm biển tuyệt đẹp, nhất là 2 thời điểm trong ngày là bình minh lên và hoàng hôn xuống trên biển.
Cuộc sống của những ngư dân khai thác thủy hải sản ven bờ rất hấp dẫn du khách. Vì ở xa khu dân cư nên vị trí ở nhà thờ đổ là nơi chụp ảnh nghệ thuật, ảnh phong cảnh tuyệt đẹp. Kiến trúc hoang hóa, đổ nát hơi hướng cổ điển vốn rất "ăn hình". Tất cả hợp thành một địa điểm du lịch hấp dẫn và nổi tiếng nhanh chóng.
Chỉ còn ngọn tháp chuông và bức tường đổ nát, công trình này mỗi đợt thủy triều lên ngập dưới mực nước biển và có thể đổ xuống bất cứ lúc nào. Hiện nay, bên ngoài nhà thờ đổ, xã Hải Lý có rào hàng rào dây thép và cắm biển "nguy hiểm - cấm vào" nhưng lại cho phép nhiều hàng quán mọc lên tại khu vực này nhằm phục vụ khách du lịch bụi từ khắp nơi đổ về.
Trong khi tranh cãi giữ hay không giữ công trình đổ nát thì ngôi nhà thờ vẫn được du khách tìm tới hàng ngày, chụp ảnh lưu niệm và truyền tai nhau về cảnh quan nơi đây. Điều đáng nói là mạng xã hội cũng tạo nên hiệu ứng lan truyền về một địa điểm du lịch tự phát.
Vào mỗi mùa mưa bão, khu vực này thường có triều cường dâng cao hơn 1m, toàn bộ các công trình tạm làm hàng quán bị cuốn trôi. Tuyến đê bao ngay tại đây có nguy cơ bị vỡ. Địa phương cấm biển và ra thông báo về toàn bộ khu vực biển và ven biển nơi này không an toàn. Nhưng ngay sau khi bão tan, người ta lại đổ xô đến và hàng quán lại mọc lên.
Tình thế buộc địa phương phải tổ chức thi công xây dựng kè, rọ đá, gia cố phần móng bảo vệ chứng tích và đổ đường bê tông rộng 3m ra xung quanh với tổng kinh phí hàng tỉ đồng, và thường xuyên có người trông coi, nhắc nhở du khách.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google