Nhà sư Đại Cồ Việt làm thơ khiến sứ giả nhà Tống thất kinh

Nguyễn Năng Lực
15:15 - 26/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

"Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu". Các nhà trí thức Việt đã tỏ rõ tài năng, trí tuệ trong khi đối đáp với sứ thần nhà Tống, giữ được quốc thể, khiến cho sứ Tống nhiều phen kinh phục

Năm 981, Lê Hoàn lãnh đạo quân dân Đại Cồ Việt đánh thắng cuộc chiến tranh xâm lược lần thứ hai của nhà Tống thời Tống Thái Tông. Cuộc chiến kéo dài từ tháng 1 đến tháng 4, kết thúc bằng chiến thắng Bạch Đằng. Sau cuộc chiến này, năm 986, Hoàng đế Đại Tống phải công nhận nhà Tiền Lê và ban chế phong cho Lê Đại Hành. Từ đó hai nước bang giao bình thường, thỉnh thoảng gửi sứ thần sang nhau. Cuộc đấu võ chuyển sang đấu văn. Các nhà trí thức Việt đã tỏ rõ tài năng, trí tuệ trong khi đối đáp với sứ thần nhà Tống, giữ được quốc thể, khiến cho sứ Tống nhiều phen kinh phục.

“Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu” -  Nhà sư Đại Cồ Việt làm thơ khiến sứ giả nhà Tống thất kinh. - Ảnh 1.

Đại việt sử ký toàn thư chép: Năm Đinh Hợi (987), nhà Tống lại sai Lý Giác sang. Lý Giác được Tống Hy Tông phong là Quốc Tử Giám Bác sĩ, là một văn thần, học vấn rộng, thơ văn giỏi. Đưa Lý Giác đi sứ, ngoài mục đích thăm dò tình hình Đại Cồ Việt, nhà Tống còn muốn xem sau khi Lê Hoàn lên ngôi thay họ Đinh thì sĩ phu Việt có ủng hộ không? Nếu nhận thấy trong triều của Lê Hoàn không có những người cơ trí thì tức là sĩ phu Đại Việt đã quay lưng. Nhà Tống sẽ càng củng cố thêm quyết tâm thôn tính Đại Cồ Việt.

Lần này, muốn để cho sứ Tống thấy nước ta là một nước văn hiến, có nhiều nhân tài nên Lê Hoàn cử nhà sư Pháp Thuận ra ứng phó. Thiền sư Pháp Thuận (914-990) họ Đỗ, là thiền sư đời thứ 10, dòng Tỳ-ni-đa-lưu-chi, nổi tiếng học rộng, thơ hay. Khi nhà Tiền Lê dựng nghiệp, sư đã tham dự đắc lực. giúp vua trù kế hoạch, định sách lược. Ðến khi thiên hạ thái bình, sư không nhận phong thưởng. Khi sứ Tống đến thì ông lại ra giúp nước.

“Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu” -  Nhà sư Đại Cồ Việt làm thơ khiến sứ giả nhà Tống thất kinh. - Ảnh 2.

Khi Lý Giác đến chùa Sách Giang, Pháp Thuận giả làm người lái đò ra đón. Giác rất thích nói chuyện văn thơ. Lúc ấy nhân có hai con ngỗng bơi lội trên mặt nước, Giác vui ngâm rằng:

Nga nga lưỡng nga nga,

Ngưỡng diện hướng thiên nha.

(Ngỗng ngỗng hai con ngỗng,

Ngửa mặt nhìn chân trời).

Thoạt nghe, tưởng sứ nhà Tống chỉ tả ngỗng nhưng không phải. Với tâm thế của kẻ luôn coi mình là đại diện cho nước lớn, sứ giả của thiên triều, câu "ngưỡng diện hướng thiên nha" cho thấy sứ Tống ám chỉ vua tôi nhà Tiền Lê như bầy ngỗng đang ngẩng mặt hướng về mặt trời, thần phục thiên triều (Vua Tống luôn tự coi mình là thiên tử).

Thiền sư dừng tay chèo, theo vần làm nối đọc cho Giác nghe:

Bạch mao phô lục thủy,

Hồng trạo bãi thanh ba.

(Nước lục phô lông trắng,

Chèo hồng sóng xanh bơi)

“Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu” -  Nhà sư Đại Cồ Việt làm thơ khiến sứ giả nhà Tống thất kinh. - Ảnh 3.

Nghe vậy, sứ nhà Tống giật mình kinh hãi. Lý Giác ngâm thơ mượn theo ý hai câu đầu của bài Vịnh Nga do Lạc Tân Vương làm từ ba thế kỷ trước. Chẳng ngờ, người chèo đò cũng mượn luôn hai câu sau của bài Vịnh Nga ấy để đáp trả, ngầm cho sứ Tống hiểu rằng người nước Nam đã "phổ cập văn hóa", ai cũng thuộc văn thơ, điển tích, hiểu thâm ý của khách. Câu thơ nối vận của người chèo đò còn ngầm cho sứ Tống hiểu rằng, người Việt tuy nhìn vẻ ngoài có thể nhẹ nhàng thế thôi, nhưng đừng quên luôn có mái chèo phía dưới sẵn sàng dập đầu sóng xanh. Có thể nói sư Pháp Thuận đã vận dụng khéo léo đường lối đối ngoại của quốc gia Đại Cồ Việt, vừa mềm dẻo, vừa cứng rắn, ngầm thể hiện khí phách dân tộc một cách đầy trí tuệ, đối chuẩn từ thơ đến ý, bẻ gãy luôn sự ngạo mạn của sứ Tống khi đặt chân đến nước Nam.

Từ đó cho đến cuối chuyến "công tác", Lý Giác luôn giữ thái độ khiêm tốn, biết điều. Trước khi ra về, Lý Giác có bài thơ tiễn biệt, trong đó có câu: "Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu" (Ngoài trời còn có trời soi sáng), có ý ca ngợi Vua nước Nam.

Nguồn: Tổng hợp