Nhà mạng VNPT sẽ tiên phong nghiên cứu công nghệ 6G

PV
16:57 - 27/09/2024
Công dân & Khuyến học trên

Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) có kế hoạch tiên phong nghiên cứu công nghệ 6G góp phần để Việt Nam có thể là một trong các quốc gia sớm triển khai công nghệ 6G trên thế giới.

Chiến lược phát triển của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT)

Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc ký Quyết định 1019/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2035; Kế hoạch sản xuất kinh doanh và kế hoạch đầu tư phát triển đến năm 2025 của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

VNPT phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông 5G trên cơ sở tận dụng mạng viễn thông di động 4G, tăng cường chia sẻ hạ tầng viễn thông với các doanh nghiệp viễn thông khác. Tiên phong nghiên cứu công nghệ 6G góp phần để Việt Nam có thể là một trong các quốc gia sớm triển khai công nghệ 6G trên thế giới.

Cung cấp các giải pháp, các sản phẩm dịch vụ số dựa trên nền tảng đám mây thông minh, ứng dụng tích hợp và các công nghệ hiện đại AI, Big data, Blockchain, AR/VR/MR/XR...

Mục tiêu đến năm 2025, VNPT phát triển trở thành tập đoàn kinh tế chủ lực quốc gia; chuyển đổi thành công từ doanh nghiệp viễn thông truyền thống sang doanh nghiệp công nghệ, làm chủ một số nền tảng quan trọng dẫn dắt chuyển đổi số quốc gia.

Đến năm 2030, VNPT trở thành doanh nghiệp công nghệ số thông minh, năng động, hiệu quả, có vai trò quan trọng trong bản đồ số quốc gia của Việt Nam, đồng thời thâm nhập thành công thị trường khu vực, quốc tế.

Đến năm 2035, VNPT là nền tảng của mọi khách hàng, sở hữu hệ sinh thái của mọi sản phẩm dịch vụ; là nhà cung cấp mạng truyền dẫn chất lượng kết nối cao, thông minh, tin cậy đồng bộ với các nền tảng số hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

Chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển 5 năm giai đoạn đến năm 2025:

Đối với VNPT: Tổng doanh thu là 287.933 tỷ đồng; tổng lợi nhuận là 30.873 tỷ đồng; tổng giá trị nộp ngân sách là 26.064 tỷ đồng;

Đối với Công ty mẹ - VNPT: Tổng doanh thu là 207.140 tỷ đồng; tổng lợi nhuận là 22.147 tỷ đồng; tổng giá trị nộp ngân sách là 18.504 tỷ đồng; tổng vốn đầu tư là 40.824 tỷ đồng.

Được biết, VNPT hiện là một trong ba nhà mạng lớn nhất Việt Nam cùng với Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Tổng Công ty Viễn thông MobiFone chiếm giữ trên 90% thị phần viễn thông Việt Nam. 

Trong năm 2023, VNPT công ty mẹ của Vinaphone cùng với MobiFone chỉ nắm giữ khoảng 34% thị phần thuê bao di động, viễn thông. Để hoàn thành nhiệm vụ 5 năm, VNPT cần phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin phục vụ số hóa; phát triển sản phẩm dịch vụ số thông minh; đổi mới mô hình tổ chức, mô hình kinh doanh và phát triển nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hiệu quả hoá vốn đầu tư và chi phí…

VNPT và kế hoạch 5 năm tới

Nhiệm vụ Kế hoạch 5 năm giai đoạn đến năm 2025 của VNPT là nâng cao hiệu quả ứng dụng khoa học công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào các hoạt động sản xuất kinh doanh; phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh sản phẩm dịch vụ viễn thông, công nghệ thông tin, đóng góp tích cực và quan trọng vào chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ theo các lĩnh vực phát triển cơ bản sau: Hạ tầng số; Chính phủ số; kinh tế số; xã hội số.

Trong đó, về hạ tầng số phấn đấu đến năm 2025, mạng băng rộng cố định FTTx đạt 10 triệu thuê bao, cung cấp tốc độ trung bình 200Mb/s cho người dùng, tốc độ trung bình 1Gb/s cho tổ chức, doanh nghiệp; vùng phủ 4G/5G sẽ đạt 98% dân cư, tốc độ tải xuống trung bình 40Mb/s đối với mạng 4G, 100 Mb/s đối với mạng 5G.

Phát triển hệ sinh thái dịch vụ điện toán đám mây của VNPT trở thành thương hiệu mạnh cho các dịch vụ điện toán đám mây trong nước và khu vực, đến năm 2025 là nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây hàng đầu cho khối Chính phủ/chính quyền; trở thành nhà cung cấp đa nền tảng hàng đầu Việt Nam...

Về Chính phủ số, VNPT khẳng định uy tín và vị thế bằng việc tham gia thúc đẩy, hỗ trợ Chính phủ, bộ ngành địa phương phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số và nền kinh tế số. Triển khai chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh toàn diện cho các địa phương trong cả nước.

Triển khai hệ sinh thái dịch vụ chính quyền số đáp ứng nhu cầu Chính phủ số 4 cấp từ trung ương tới địa phương tạo đòn bẩy phát triển kinh tế, an sinh xã hội.


Bình luận của bạn

Bình luận