Nguyên nhân Hải Hà Petro bị thu hồi giấy phép kinh doanh

Trang Linh
08:30 - 13/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Bộ Công Thương thu hồi giấy phép kinh doanh của Hải Hà Petro do doanh nghiệp này lạm dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu và nợ thuế.

hải hà petro

Hải Hà Petro là một trong 4 doanh nghiệp có vi phạm về kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, cũng như sử dụng quỹ bình ổn giá không đúng mục đích. Ảnh: Kiều Dung

Ngày 12/1, Bộ Công Thương ban hành Quyết định số 63/QĐ-BCT về việc thu hồi Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đối với Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải thủy bộ Hải Hà - Hải Hà Petro (địa chỉ trụ sở chính tại số 132 khu 6, thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình).

Cùng ngày, Bộ Công Thương có văn bản gửi Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty xăng dầu Quân đội (Mipec) bảo đảm nguồn cung, không để xảy ra tình trạng thiếu hụt xăng dầu tại các tỉnh Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội, Quảng Ninh, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Thái Bình cũng được cơ quan điều tra thông báo đề nghị quản lý hoạt động vận tải trên biển đối với các tàu chở dầu thuộc sở hữu của Hải Hà Petro. Tạm thời dừng hoạt động vận tải, lưu thông chở hàng hóa trên vùng biển đối với các tàu này.

Thu giấy phép kinh doanh Hải Hà Petro do có nhiều sai phạm trong nộp thuế và sử dụng sai quỹ bình ổn

Trước đó ngày 4/1, Thanh tra Chính phủ đã ra thông báo kết luận thanh tra về việc thực hiện chính sách và pháp luật trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về xăng dầu. 

Theo đó, Hải Hà Petro có hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu sai mục đích.

Tính đến ngày 31/12/2022, thuế và các khoản phải nộp Nhà nước của Công ty trách nhiệm hữu hạn Vận tải thủy bộ Hải Hà là 1.375 tỉ đồng. Trong đó có 1.141 tỉ đồng thuế bảo vệ môi trường và các loại thuế khác. Đứng sau là thuế giá trị gia tăng phải nộp (163 tỉ đồng), thuế tiêu thụ đặc biệt (37,4 tỉ đồng), thuế xuất nhập khẩu (34 tỉ đồng). 

Như vậy, so với hồi cuối năm 2022, số nợ thuế của Hải Hà Petro tăng 406 tỉ đồng, tương đương 29,5%.

Đáng chú ý, Hải Hà Petro bị "bêu tên" vì nợ thuế không lâu sau khi Cục Thuế tỉnh Thái Bình có thông báo gửi Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an về việc đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với bà Trần Tuyết Mai, người đại diện theo pháp luật của Hải Hà Petro.

Cơ quan thanh tra đã chuyển hồ sơ đến Bộ Công an xem xét, xử lý theo quy định pháp luật đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu và việc sử dụng Quỹ Bình ổn giá sai mục đích bình ổn giá tại Hải Hà Petro.