Người đàn ông sốc phản vệ sau vài phút bị ong đốt khi làm vườn

Nhật Minh
00:34 - 16/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Người đàn ông đã bị ong đốt khiến rơi vào tình trạng sốc phản vệ nhanh chóng, nếu không được cấp cứu kịp thời dễ gây nguy hiểm tới tính mạng.

‏Khoảng 16 giờ ngày 14/6, anh Nguyễn Xuân T. (40 tuổi, trú tại xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng, Phú Thọ) khi làm vườn đã bị đàn ong vang đốt. ‏

‏Ngay lập tức, anh đã được đưa vào bệnh viện đa khoa Hùng Vương cấp cứu trong tình trạng khó thở, tức ngực, hồi hộp ngày càng tăng,...

Người đàn ông sốc phản vệ nặng sau vài phút bị ong đốt khi làm vườn - Ảnh 1.

Bệnh nhân T. sau khi bị ong đốt đã được đưa đi cấp cứu khẩn cấp ngay sau đó. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương

‏‏Được biết, anh T. là kỹ sư chuyên ngành thiết bị y tế và làm tại bệnh viện nên khi bị đốt ít phút, anh hiểu được tình trạng của mình có thể có nguy cơ phản vệ với nọc ong, bệnh nhân đã nhanh chóng được đưa đi bệnh viện cấp cứu khẩn cấp.‏

‏Dù nhà chỉ cách bệnh viện 1km vậy mà khi tới phòng cấp cứu nạn nhân đã rơi vào trạng thái tiền hôn mê, thở rít, sp02 dưới 80% mạch nhanh, nhỏ, huyết áp tụt, da, niêm mạc toàn thân tím tái,...‏

‏Các bác sĩ thực hiện cấp cứu sốc phản vệ, sử dụng kịp thời các thuốc vận mạch, chống sốc, chủ lực vẫn là Adrenalin.‏

‏Sau ít phút, bệnh nhân đã thoát cơn nguy kịch, các chỉ số sinh tồn dần ổn định.‏

‏Hiện tại bệnh nhân hoàn toàn ổn định và có thể ra viện trong vài giờ tới.‏

‏Tình trạng sốc phản vệ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và hậu quả vô cùng nguy hiểm nếu không được cấp cứu kịp thời. ‏

‏Do đó, các bác sĩ khuyến cáo khi cơ thể có dấu hiệu bất thường sau khi tiếp xúc với ong đốt, kiến đốt, tiêm, uống thuốc, ăn các loại thực phẩm... người dân cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Một số lưu ý và đặc điểm ngay sau khi bị ong đốt:

- Ra khỏi khu vực có nhiều ong ngay lập tức.‏

‏- Nếu vòi chích có phần nổi lên bề mặt da, có thể thử lấy nhíp gắp ra. Tuyệt đối lưu ý không cố gắng lấy vòi chích bằng cách nặn vết thương vì có thể làm lan tràn độc tố.‏

‏- Chườm đá hoặc đắp một miếng gạc lạnh sạch để giảm sưng và đau vết thương.‏

‏- Rửa vết đốt bằng nước sạch hoặc xà phòng.‏

‏- Dùng dung dịch sát khuẩn vết thương hằng ngày.

‏Ngoài ra, cần đưa người bị ong đốt đến các cơ sở y tế gần nhất nếu có các biểu hiện sau:‏ Bị ong đốt ở nhiều vị trí trên cơ thể, nhất là ở vùng đầu, mặt, cổ; Xác định được loài ong đốt là ong rừng, ong bắp cày hay ong vò vẽ... Đây là những loài ong có nọc độc mạnh, có khả năng cao gây ra nhiều biến chứng toàn thân; Người bị đốt có các triệu chứng khó thở, đau nhiều, chóng mặt, mệt mỏi, phù mặt, tiểu máu, đại tiện phân lỏng...

Nhật Minh‏