Người dân Mỹ phải gánh giá điện đắt đỏ cùng sự ô nhiễm từ các mỏ Bitcoin
Theo một cuộc điều tra của New York Times, các nhóm khai thác Bitcoin ở Hoa Kỳ đang gây ra ảnh hưởng lớn đến lưới điện quốc gia. Các mỏ đào Bitcoin tiêu thụ nhiều điện hơn gấp hàng chục nghìn lần cộng đồng dân cư xung quanh điều này khiến điện sinh hoạt trở nên đắt đỏ hơn.
Các mỏ Bitcoin tạo áp lực rất lớn cho lưới điện
Thời báo New York đã thu được rất nhiều thông tin quan trọng về các mỏ Bitcoin thông qua các hồ sơ tài chính, hình ảnh vệ tinh và nghiên cứu được ủy quyền.
Đây là phân tích toàn diện nhất về tác động của Bitcoin đối với môi trường và hệ thống năng lượng của Hoa Kỳ. Trong khi đó, những nhà lập pháp đảng Dân chủ tiếp tục gây áp lực lên cơ quan liên bang để yêu cầu các công ty tiền điện tử tiết lộ thông tin về hoạt động của họ.
Tờ báo đã xác định 34 mỏ khai thác tiền điện tử lớn nhất ở Hoa Kỳ, mỗi địa điểm tiêu thụ lượng điện ở mức 40 megawatt trở lên. Trong số đó mỗi mỏ sử dụng lượng điện ít nhất gấp 30.000 lần lượng điện của hộ gia đình trung bình ở Mỹ. Số liệu so sánh rất trực quan cho thấy, ở Rockdale, Texas, những mỏ khai thác Bitcoin lớn nhất tiêu thụ lượng điện năng bằng 300.000 gia đình.
Sự mở rộng quy mô của các mỏ Bitcoin tạo áp lực rất lớn cho lưới điện của Hoa Kỳ. The Times đã ví lượng tiêu thụ điện năng tại các mỏ khai thác tiền điện tử tương đương với việc có thêm một "khu sầm uất ở Thành phố New York".
Gây ra ô nhiễm tương đương 3,5 triệu ô tô
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng, lưới điện có thể phải bật các máy phát điện dự phòng, thường chạy bằng khí đốt tự nhiên hoặc than đá.
Một số công ty khai thác tiền điện tử cho khôi phục các nhà máy điện nhiên liệu hóa thạch đã đóng cửa để khai thác Bitcoin. Điều đó làm cho việc đào Bitcoin trở nên hấp dẫn đối với các bang như Texas và North Dakota, nơi sản xuất một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch.
Ô nhiễm do các mỏ Bitcoin tạo ra dẫn đến sự phản đối gay gắt của những người ủng hộ môi trường và các nhà lập pháp trong Đảng Dân chủ.
Theo The Times, nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của các trang trại khai thác Bitcoin gây ra ô nhiễm tương đương với lượng khí thải hàng năm của 3,5 triệu ô tô. Theo New York Times, các nhà máy than và khí đốt tự nhiên đáp ứng khoảng 85% nhu cầu khai thác Bitcoin.
Ngoài ra, nhu cầu điện tăng cao đã đẩy giá điện sinh hoạt lên cao. The Times thống kê mức tiêu thụ năng lượng đang làm tăng hóa đơn tiền điện của các khách hàng khác ở Texas lên gần 5%. Điều đó tương đương với mức tăng 1,8 tỷ đô la hàng năm trong hóa đơn tiền điện cho người tiêu dùng Texas.
Kazakhstan gặp khủng hoảng năng lượng do đào Bitcoin
Theo Financial Times, Kazakhstan thậm chí gặp khủng hoảng năng lượng do hoạt động khai thác Bitcoin. Vào cuối năm 2021, ba nhà máy nhiệt điện quan trọng của Kazakhstan phải ngừng khẩn cấp do quá tải.
Để hạn chế, chính phủ nước này đã siết chặt quản lý với việc đào Bitcoin và một số trang trại lớn buộc phải ngừng hoạt động. Didar Bekbau, CEO công ty Xive, cho biết họ phải dừng 2.500 máy đào vì thiếu điện.
Việc thiếu hụt năng lượng do khai thác Bitcoin không chỉ xảy ra tại Kazakhstan. Hồi tháng 5/2021, Iran cấm khai thác tiền điện tử trong bốn tháng để ngăn tình trạng mất điện thường xuyên tại quốc gia này. Trước đó, Kosovo cũng ra lệnh cấm khai thác tiền mã hóa nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng năng lượng tại nước này, khiến nhiều chủ trang trại phải bán tháo thiết bị đào Bitcoin.
Nga vừa trở thành quốc gia khai thác tiền điện tử lớn thứ hai thế giới trong năm nay, theo Nhật báo kinh doanh Kommersant trích dẫn Bitriver - Nhà cung cấp dịch vụ khai thác Bitcoin lớn nhất của Nga. Nga đã chiếm vị trí trước đây của Kazakhstan, quốc gia đã đưa ra các hạn chế đối với hoạt động khai thác tiền điện tử vào năm 2022 và hiện đang xếp thứ 9.
Trung Quốc, nơi đã cấm khai thác tiền điện tử vào năm 2021, không lọt vào top 10 của Bitriver.
Liên minh châu Âu đã áp đặt lệnh cấm hoàn toàn việc thực hiện các giao dịch tiền điện tử với công dân Nga và bất kỳ ai cư trú tại quốc gia này như một phần của vòng trừng phạt thứ 8 được đưa ra vào năm ngoái.
Ngày 11/4 thị trường ghi nhận sự vụt tăng mạnh mẽ của đồng tiền kỹ thuật số Bitcoin (BTC) khi BTC phá mốc quan trọng 30.000 USD lần đầu tiên của 10 tháng trước đó. Ở mức tăng này, giá của đồng tiền điện tử này đã tăng 80% so với đầu năm.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google