Người dân giám sát Cảnh sát giao thông như thế nào?

N.Cường
17:55 - 24/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Người dân có thể giám sát Cảnh sát giao thông thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ… và tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

Nhân dân giám sát về trật tự, an toàn giao thông

Theo thông tin từ Bộ Công an, ngày 28/11/2019, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký ban hành Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Thông tư gồm 3 chương 13 điều, có hiệu lực thi hành từ ngày 15/1/2020.

Cụ thể, điều 10 của Thông tư trên quy định về những việc nhân dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, gồm: Việc thi hành các quy định của pháp luật trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và việc chấp hành quy định của Bộ Công an về quy tắc ứng xử của cán bộ, chiến sỹ khi làm nhiệm vụ.

Người dân giám sát Cảnh sát giao thông như thế nào? - Ảnh 1.

Việc người dân giám sát Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định cụ thể tại Thông tư số 67/2019/TT-BCA. Ảnh: VGP

Việc nhân dân giám sát Công an nhân dân thực hiện các quy định trên phải khách quan, trung thực, đúng quy định của pháp luật, không được làm cản trở, ảnh hưởng đến việc thực thi nhiệm vụ của cán bộ, chiến sỹ.

Hình thức giám sát của nhân dân được quy định cụ thể tại Điều 11 của Thông tư số 67/2019/TT-BCA, gồm: Thông qua các thông tin công khai của Công an nhân dân và phản hồi qua các phương tiện thông tin đại chúng; Thông qua các chủ thể giám sát theo quy định của pháp luật; Thông qua tiếp xúc, giải quyết trực tiếp công việc với cán bộ, chiến sỹ; Thông qua kết quả giải quyết các vụ việc, đơn thư, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh.

Ngoài ra, thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình hoặc quan sát trực tiếp nhưng phải đảm bảo các điều kiện sau: Không làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cán bộ, chiến sỹ khi đang thực thi nhiệm vụ; Ngoài khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với nơi có triển khai khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông); Tuân thủ các quy định pháp luật khác có liên quan.

4 nội dung công khai về trật tự, an toàn giao thông

Những nội dung công khai của Công an nhân dân trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông được quy định tại Điều 5 của Thông tư số 67/2019/TT-BCA, gồm:

Công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm hành chính.

Công tác đăng ký, cấp biển số xe.

Công tác chỉ huy, điều khiển giao thông.

Công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

Người dân giám sát Cảnh sát giao thông như thế nào? - Ảnh 3.

Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh thường xuyên thông báo về các kế hoạch tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm và thực hiện chuyên đề cụ thể của đơn vị trên Trang thông tin điện tử. Ảnh: csgt.catphcm.bocongan.gov.vn

3 nội dung nhân dân tham gia ý kiến về trật tự, an toàn giao thông

Điều 7 của Thông tư số 67/2019/TT-BCA quy định về những việc nhân dân tham gia ý kiến về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, bao gồm những nội dung sau:

Tham gia ý kiến về chủ trương, biện pháp và sáng kiến góp phần bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Tham gia ý kiến dự thảo văn bản quy phạm pháp luật về hoạt động bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (đối với các văn bản phải lấy ý kiến của nhân dân theo quy định pháp luật).

Đồng thời, tham gia ý kiến về quy tắc ứng xử của Công an nhân dân khi làm nhiệm vụ; đề nghị biểu dương, khen thưởng gương người tốt, việc tốt; kiến nghị, phản ánh các trường hợp cán bộ, chiến sỹ thiếu trách nhiệm, vi phạm các quy định của pháp luật khi làm nhiệm vụ.

Theo quy định tại Điều 16 Thông tư số 65/2020/TT-BCA ngày 19/6/2020 của Bộ Công an, 4 trường hợp Cảnh sát giao thông được dừng phương tiện kiểm tra, gồm:

(1) Trực tiếp phát hiện hoặc thông qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ phát hiện, ghi thu được các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông đường bộ và các hành vi vi phạm pháp luật khác;

(2) Thực hiện mệnh lệnh, kế hoạch tổng kiểm soát phương tiện giao thông đường bộ, kế hoạch tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

(3) Có văn bản đề nghị của Thủ trưởng, Phó thủ trưởng cơ quan điều tra; văn bản đề nghị của cơ quan chức năng liên quan về dừng phương tiện giao thông để kiểm soát phục vụ công tác bảo đảm an ninh, trật tự, đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật khác. Văn bản đề nghị phải ghi cụ thể thời gian, tuyến đường, phương tiện giao thông dừng để kiểm soát, xử lý, lực lượng tham gia phối hợp;

(4) Tin báo, phản ánh, kiến nghị, tố cáo của tổ chức, cá nhân về hành vi vi phạm pháp luật của người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

(Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt, Công an Thành phố Hồ Chí Minh)