Người dân có thể tố giác tội phạm trên ứng dụng định danh điện tử VNeID

Hồng Ngọc
15:05 - 24/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tài khoản định danh điện tử VNeID cung cấp một kênh chính thống để người dân tố giác tội phạm với cơ quan công an một cách bảo mật, an toàn mà không lo lọt lộ thông tin.

Tài khoản định danh điện là gì?

Theo Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, tài khoản định danh điện tử (VNeID) là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của công dân), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an. Tài khoản này được quản lý và xác thực trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia do Bộ Công an phát triển.

Người dân có thể tố giác tội phạm trên ứng dụng định danh điện tử - Ảnh 1.

Ảnh: Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội.

Tài khoản định danh điện tử sẽ được cấp khi công dân có yêu cầu. Theo nhu cầu sử dụng của công dân, tài khoản định danh điện tử có 2 mức. Mức 1 dành cho công dân đăng ký online trên ứng dụng VNeID. Mức 2 dành cho công dân đăng ký trực tiếp tại cơ quan Công an hoặc đăng ký khi đi làm căn cước công dân gắn chip.

Tài khoản định danh điện tử có thể hiểu là "ví giấy tờ điện tử", là phương thức quản lý thông tin thẻ căn cước của công dân hay toàn bộ giấy tờ tùy thân trên môi trường mạng.

Tài khoản định danh điện tử bao gồm thông tin về các loại giấy tờ của công dân (thẻ căn cước công dân, đăng ký xe, bằng lái xe, thẻ bảo hiểm y tế,...). Thông qua tài khoản này, người dân có thể thực hiện các dịch vụ công mà không cần phải xác minh lại thông tin cá nhân.

Bên cạnh đó, VNeID cung cấp một kênh chính thống để người dân tố cáo các hành vi phạm tội với cơ quan công an một cách bảo mật, an toàn mà không lộ lọt thông tin.

Những hành vi có thể tố giác trên ứng dụng định danh điện tử

Tài khoản mức 2 trên ứng dụng định danh điện tử (VNeID) có chức năng tố giác tội phạm.

Các hành vi phạm tội người dân có thể tố cáo thông qua VNeID bao gồm: tội thu thập tàng trữ trao đổi mua bán không khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng; tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính mạng viễn thông; tội sử dụng trái phép tần số vô tuyến điện dành riêng cho mục đích cấp cứu an toàn tìm kiếm cứu hộ cứu nạn quốc phòng an ninh.

Ngoài ra còn có tội cố ý gây nhiễu có hại; tội vi phạm quy định về sử dụng lao động dưới 16 tuổi; tội cưỡng bức lao động; tội bắt cóc con tin; tội cướp biển; tội làm nhục đồng đội; tội hành hung đồng đội; tội chiếm đoạt mua bán hoặc tiêu hủy tài liệu bí mật công tác quân sự; tội làm mất tài liệu bí mật công tác quân sự; tội đăng ký hộ tịch trái pháp luật; tội làm lính đánh thuê; tội tổ chức môi giới cho người khác xuất cảnh nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép; tội vi phạm quy định về giam giữ; tội gây rối trật tự phiên tòa.

Cách thức tố giác tội phạm trên ứng dụng định danh điện tử

Bước 1: Đăng nhập tài khoản mức 2 và truy cập chức năng tố giác tội phạm trên ứng dụng định danh điện tử (VNeID).

Bước 2: Chọn “Tạo mới yêu cầu”, hệ thống sẽ hiển thị giao diện để nhập thông tin.

Bước 3: Tiến hành nhập thông tin. Nếu người tố giác muốn giữ bí mật về thông tin của mình có thể chọn ô “Ẩn danh”.

Bước 4: Sau khi đã nhập đủ và đúng các trường thông tin, người dùng ấn “Tiếp tục” để xác nhận nội dung hồ sơ tố giác, tin báo đã nhập.

Người tố giác cần chọn mục “Tôi xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về lời khai ở trên” trước khi ấn “Xác nhận” để xác nhận lại các thông tin trong hồ sơ tin báo, tố giác là đúng sự thật.

Bước 5: Sau khi xác nhận, hệ thống sẽ tạo hồ sơ tin báo tố giác và gửi tới cho cơ quan công an tiếp nhận và xử lý hồ sơ.

Mức độ bảo mật thông tin của tài khoản định danh điện tử

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội cho biết, các dữ liệu về định danh điện tử không lưu trữ trên thiết bị di động đã cài đặt ứng dụng VNeID nên phần mềm hacker khó truy cập vào thiết bị để đánh cắp thông tin.

Chỉ khi công dân đăng ký truy cập mới được hiển thị lên ứng dụng. Khi cán bộ chức năng yêu cầu kiểm tra thông tin cá nhân, giấy tờ của công dân thì công dân phải cho phép (cấp quyền kiểm tra) thì cán bộ mới có thể xem được thông tin.

Bên thứ 3 (ngân hàng, ví điện tử, y tế, bảo hiểm, hệ thống dịch vụ công) muốn sử dụng dữ liệu của công dân sẽ phải được sự đồng ý của chủ tài khoản.

Ngoài ra, thông tin công dân sẽ được ký số (chống thay đổi, chống chối bỏ) và được mã hóa. Hệ thống của các bên thứ 3 khi kết nối với hệ thống định danh, xác thực điện tử đều phải được xác thực bảo mật. Dữ liệu mã hóa cộng với giải pháp bảo mật ở mức độ cao, nên có thể ngăn ngừa hacker xâm nhập để đánh cắp thông tin cá nhân.