Ngoại tôi "ba năm mươi"

Kiều Minh
19:34 - 11/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đám hiếu của ngoại tôi, các con, cháu, chắt, chút và bà con làng trên xóm dưới ai ai cũng hụt hẫng, tiếc nuối, nhớ thương ngoại. Nhưng có một cảm nhận rất khó tả thành lời về sự ra đi của ngoại trong lòng mọi người hôm ấy - đó là hầu như ai nấy đều cảm thấy hoan hỉ…

Ngoại tôi "ba năm mươi" - Ảnh 1.

Tôi cũng sẽ nhớ nằm lòng lời của ngoại: "Cho đi mới nhận lại", "Hãy yêu thương... đừng ghét bỏ nhau... yêu thương từ chính những người thân ruột thịt của mình trước". Ảnh: NVCC

Năm 1949 bà ngoại tôi từ Sóc Sơn theo chồng di cư lên Thái Nguyên. Hồi đó ngoại mới sinh được bác Cả và bác Hai, còn đang trứng gà trứng vịt, ngoại đặt các con vào quang gánh, tay đùm tay nải, dắt díu nhau lên xứ đồng rừng. Nhờ tài khai hoang của ông ngoại, hai người có mảnh đất dựng nhà, làm vườn, cây cối phát triển xanh tươi, ngoại sinh thêm con đàn, nếp tẻ đủ cả.

Bà ngoại "tiểu thư"

Ngoại sinh năm 1923, vốn là tiểu thư cành vàng lá ngọc. Như lời ngoại từng kể, hồi ở Sóc Sơn, bố ngoại bình phong bên ngoài là "địa chủ" nhưng bên trong nuôi cán bộ Việt Minh, được vinh dự kết nạp Đảng, nên ngoại rất tự hào về bố, về gia đình của mình. 

Thời thiếu nữ của ngoại đẹp như hoa mộng, gia đình ngoại có những thửa ruộng cò bay thẳng cánh, lúa gạo đầy sân, gà lợn đầy đàn, người làm cả tá, nên ngoại chỉ việc tung tăng xiêm áo, xúng xính đi chơi. Ngoại cũng được bố dạy chữ, đọc sách, cả làm thơ. Bác ruột của ngoại làm Trưởng ga Yên Bái, nên ngoại còn được bác cho trải nghiệm những chuyến tàu liên tỉnh, được ngắm vẻ đẹp theo khắp chiều dài đất nước, ngoại biết nhiều thứ, cuộc sống của ngoại như thời nay người ta gọi là "màu hồng".

Rất nhiều trai làng theo đuổi ngoại, nhiều con ông này bà kia đặt lời, dạm hỏi ngoại, nhưng bố của ngoại đã từ chối hết, "chấm" cho ngoại một người đàn ông nông chí điền lực lưỡng to khỏe, hiền lành, chân chất – vốn là người làm công trong nhà, để gả con gái với mong muốn cho con cả đời được ấm no, an yên cùng người chồng cần cù, chịu thương chịu khó ấy.

Ngoại được chồng chiều như trứng mỏng, sau này lên Thái Nguyên ngoại cũng chẳng phải động tay động chân vào cái cày, cái cuốc, chỉ ở nhà lo cơm nước cho chồng. Ngoại đẻ đàn con 6 người: 5 gái, 1 trai.

Ông ngoại tôi, người không bao giờ nề hà công to việc lớn gì, cả đời ông gắn với cái cày, cái cuốc, sức khỏe vững như thạch, như đồng. Ông nuôi vợ và đàn con đủ ăn, đủ mặc. Người nông dân chân chỉ hạt bột ấy cũng có thời gian xa vợ con nhiều tháng trời, tham gia lực lượng dân công hỏa tuyến trong kháng chiến chống Pháp, dù việc nhà hay việc nước, ông đều tận tụy cống hiến hết tâm sức của mình. Thế nhưng, trong những ngày tháng vô cùng vất vả, gian nan nơi "hòn tên mũi đạn" mà ông chẳng hề hấn gì, thì bỗng một ngày, ông lại dời bỏ cuộc sống, rời bỏ gia đình sang bên kia thế giới, chỉ vì một cơn cảm lạnh sau khi đi cày đồng về. Lúc ấy ông 65 tuổi.

Ngoại tôi góa chồng vào tuổi 59 - đó cũng là lúc ngoại mới chính thức phải đụng chân đụng tay đến việc đồng áng, đến cái cày, cái cuốc để tiếp tục cuộc sống mưu sinh cùng đàn con. Trước đó, ngoại chỉ quanh quẩn bếp núc, chăn lợn, nuôi gà, chăm con, nhưng khi góa bụa, ngoại cùng các con ra đồng cày sâu cuốc bẫm, chân lấm tay bùn, như chưa từng có những ngày mưa không đến mặt, nắng chẳng đến đầu trước đó.

Ngoại chứng kiến những người con của mình lần lượt thoát li, kể cả người con trai duy nhất cũng đi bộ đội, bác Hai làm xã đội trưởng dân quân du kích lấy chồng, ở cùng làng với ngoại, nên chủ yếu ngoại sống một mình trong ngôi nhà 5 gian trống trải với khu vườn rộng đầy cây trái.

Mẹ tôi là con gái thứ 3 của ngoại, khi lấy bố tôi, mẹ ra ở riêng, sau này khi nghỉ hưu, bố tôi chiều mẹ đã mua ngôi nhà gần với ngoại hơn, để tiện chạy về thăm ngoại. Trong số các con, mẹ tôi là người rất "quấn" ngoại, hầu như tranh thủ lúc nào rảnh việc là mẹ tôi ghé về thăm ngoại, mỗi lần về, lại tha theo tôi và một trong hai đứa em của tôi, ríu ra ríu rít. 

Tôi nhớ tuổi thơ tôi mỗi lần theo mẹ về ngoại, được đắm mình trong bóng xanh mát của khu vườn rộng với hàng trăm loại cây trái, nào là mít, là ổi, là nhãn, là hồng xiêm, là khoai, là sắn… Mùa nào thức nấy, lũ cháu chúng tôi ngập miệng quà quê. Thứ gì ở nhà ngoại cũng tốt tươi, xum xuê, ngọt lành.

Sống là "cho đi để được nhận"

Như tôi đã nói, ngoại có 6 người con, trong số 6 người con ấy, sau khi dựng vợ, gả chồng rồi sinh con (tức là đàn cháu của ngoại), thì ai cũng được ngoại nuôi cho ít nhất một đứa.

Hồi đó, không phải ai cũng kế hoạch hóa gia đình, các con ngoại đa số mỗi người đều sinh 3-4 đứa cháu, nên, chẳng cần lí do, ngoại cứ "gánh" cho mỗi nhà một đứa cháu. Có đứa ngoại nuôi từ nhỏ cho đến hết cấp 3 mới về với bố mẹ. Như em trai tôi, ngoại nuôi bộ từ lúc em 24 ngày tuổi, vì lúc sinh em, mẹ tôi bị sót rau nhiễm trùng máu, bố tôi cực chẳng đã phải gửi tôi về quê nội lúc tôi 2 tuổi, người em đỏ hỏn của tôi thì nhờ ngoại nuôi, để bố tôi "tha" mẹ tôi đi khắp các bệnh viện dưới Hà Nội, cứ viện này trả về, bố lại "tha" mẹ đến viện kia, trong lòng kiên định "còn nước còn tát". Em trai tôi được ngoại nuôi bộ bằng sữa bò, bằng nước cơm chắt, bằng cháo, bằng rau… Em lớn dần, còn tưởng ngoại là mẹ, em yêu ngoại từ lúc nhận biết ngoại đến lúc ngoại hơn trăm tuổi, một thứ tình cảm khó mà cân đong đo đếm được. 

Sau mẹ tôi là dì Tư, cậu Năm, và dì Út, ngoại vẫn tiếp tục nuôi mỗi nhà một đứa cháu, những đứa cháu được ngoại nuôi ấy luôn coi ngoại như… người mẹ thứ hai của mình.

Tôi nhớ những ngày hè, tất cả các anh chị em họ chúng tôi được nghỉ học, ùa về nhà ngoại, ăn dầm ở dề. Ngoại luôn dành cho các cháu những thứ ngon ngọt thơm lành nhất. Cả đàn cháu của ngoại đứa nào cũng thân thiết và hết mực yêu quý ngoại. Nhà ngoại - đó là một chốn quá đỗi yên bình với chúng tôi. Về với ngoại - đó là những mùa hè hạnh phúc của tuổi thơ chúng tôi.

Tôi nhớ, có lần về gọi ngoại ời ời từ cổng, thấy tiếng ngoại trả lời, mà chẳng thấy người đâu, hóa ra ngoại ở ngoài vườn, chót vót trên ngọn cây mít, ngoại thòng cái quang gánh vào sợi dây thừng, một tay ngoại cầm dao buộc vào đầu cây sào để vỗ mít, trái nào chín, ngoại chặt thả vào quang gánh ròng xuống đất. Ngày nào, ngoại cũng vỗ mít như thế, xếp trái chín đầy hè cho các con cháu về ăn.

Có lẽ, do ngoại là con nhà có của ăn của để, được cưng chiều cả đời, nên ngoại luôn có tiền đầy trong ruột tượng, ngoại cũng là người không ngần ngại thể hiện sự yêu tiền, có bao nhiêu, ngoại lận hết vào ruột tượng, cất sâu qua 2-3 lớp áo, cài kỹ với cả chục chiếc kim băng. Nhưng ngoại cũng là người thoáng tính hiếm thấy, mỗi khi con cháu về, là ngoại lại lần lần, dở dở, vạch áo, tháo kim băng, lôi cái ruột tượng ra, rút tập tiền dày, chấm chấm đầu ngón tay vào lưỡi, miết miết từng tờ tiền, rồi cho mỗi đứa cháu một tờ. Kể cả khách đến chơi, ngoại cũng làm vậy. Tôi nhớ sau này khi tôi thắc mắc về việc ngoại cứ bạ ai cho tiền người nấy, ngoại bảo: "Cho đi mới được nhận chứ!".

Ngoại một tay nuôi đàn con, cả đàn cháu, và luôn nói với anh chị em chúng tôi, từ nhỏ tới lớn, rằng: "Hãy yêu thương chứ đừng ghét bỏ nhau tội lắm, và yêu thương từ chính người thân ruột thịt của mình trước". Ngoại đã làm được điều đó trong suốt cuộc đời vui của ngoại.

Lúc ngoài 90 tuổi, ngoại bị lẫn. Lẫn nhưng ngoại vẫn tiếp tục cho tiền, bất kỳ người nào ngoại gặp. Có lần, mẹ tôi kể, mọi người đến thăm chơi dịp lễ tết, mừng tuổi ngoại rất nhiều tờ tiền mệnh giá lớn, vậy mà ai đó nỡ ác tâm, đổi hết tiền mệnh giá lớn của ngoại, thay vào đó là cả tập tiền lẻ. Nhưng với ngoại, lúc đó tiền to hay nhỏ có ý nghĩa gì đâu. Ngoại đơn giản chỉ hạnh phúc khi được lần ruột tượng chia tiền cho mọi người.

Đời ngoại, từ lúc tỉnh táo cho đến khi lẫn ngẫn, ngoại đều sống những tháng ngày "cho đi để được nhận" như thế.

Thời gian ngoại bị lẫn, ngoại ở cùng cậu mợ. Cậu mợ đi làm kiếm sống, các con đi học, nên khóa cổng để ngoại ở trong nhà, ngoại buồn, nhớ con gái Hai, nhớ con gái Ba (là hai người con sống gần nhà ngoại nhất), nên ngoại cứ trèo tường băng qua nhà hàng xóm, đi ra đường, lầm bẩm "tôi đi thăm cái Hai, cái Ba". Thế mà có lúc bước chân đưa ngoại đi xa lắc, tận làng bên, có người thấy quen, đèo ngoại về, hoặc có người biết ngoại nên giữ ngoại và gọi điện cho cậu mợ đến đón.

Có lần, ngoại tìm được nhà tôi, cách nhà ngoại 3-4km, ngoại luýnh quýnh bước chân vào cổng, nhìn thấy con thấy cháu, ngoại cười tít mắt, rồi lón tón sờ lần đủ việc từ quét sân, nhặt rau, đến gấp quần áo… Ngoại bảo, "em ra đây em làm việc chứ không ăn không ngồi rồi đâu".

Khi ngoại lẫn hơn và yếu hơn, chẳng còn sức trèo rào được nữa, ngoại ở trong nhà, buồn chân buồn tay nên ngoại lấy que chọc chó chơi, con chó kêu toáng cả làng trên xóm dưới, cậu tôi lắp camera trông thấy lại đôn đáo chạy về, dỗ dành ngoại "ngoan" đừng chọc chó nó ghét nó cắn cho. Mọi người yêu chiều ngoại như "em bé lớn tuổi".

Thời gian sau này, khi chúng tôi đón bố mẹ xuống định cư Hà Nội, ngoại phải xa người con gái thứ 3 của mình - người con mà hầu như ngày nào cũng ghé vào vấn an ngoại (kể từ lúc nghỉ hưu). Thế là ngoại nhớ mẹ tôi, thỉnh thoảng cậu mợ quên khóa cổng là ngoại trốn được, cứ đường cái quan ngoại đi, miệng lẩm bẩm "em ra thăm cái Ba nhà em". Cậu mợ mấy lần phải đôn đáo tìm ngoại. May mắn, ngoại luôn bình an.

Mẹ tôi từ khi xa quê, nhớ ngoại lắm, trước đây ngày nào mẹ cũng mang cho ngoại khi thì cốc tào phớ, lúc thì cái bánh giò, lúc là cốc chè dừa… Ngoại, như tôi đã nói, vốn là "tiểu thư" ăn sung mặc sướng, nên từ nhỏ đến già, ngoại vẫn thích ăn quà. Được ăn là ngoại vui, ai cho đồ ăn ngoại cũng hỏi: "Sao bác tốt với em thế, sao bác cho em ăn nhiều thứ ngon thế!".

Sau này về Hà Nội, mẹ hay ứa nước mắt mỗi khi nhớ ngoại mà không sao về được, có miếng gì ngon, mẹ cũng bảo "giá mà mang cho ngoại được miếng".

Mẹ bảo mẹ trả "nợ đồng lần", cũng như ngoại ngày xưa nuôi các cháu, giờ mẹ ở Hà Nội trông con cho chị em chúng tôi an tâm làm việc, phần vì đường sá xa xôi, không phải muốn là về được quê, nên nỗi nhớ thương ngoại cứ đau đáu trong mẹ. Sau này mạng xã hội phát triển, không ngày nào mẹ không "gọi facetime" (điện thoại có hình ảnh) cho cậu, để hỏi han về ngoại, để nói chuyện với ngoại, để được nhìn ngoại - dù ngoại chẳng nhận ra đó là con gái mình nữa, ngoại cứ gọi mẹ tôi là "chị Thẩm ở Sóc Sơn" (là tên một người cháu của ngoại).

Mỗi lần "chị Thẩm" (mẹ tôi) về thăm ngoại, dù ngoại không nhớ đó là con mình nhưng sợi dây mẫu tử vô hình cứ cuốn lấy hai người, ngoại bịn rịn, quấn quýt bên mẹ tôi, cứ bảo: "Chị cho em theo về nhà chị với, em hứa em sẽ chăm chỉ giúp chị quét nhà, nhặt rau…". Mẹ tôi muốn lắm, mà lực  bất tòng tâm, vì mẹ bị bệnh parkinson, nên cậu tôi không đồng ý cho ngoại xuống chơi với mẹ. Cậu tôi thương mẹ tôi run tay run chân chăm ngoại sẽ vất vả, lo ngoại xuống ngoại quậy tưng chung cư, ồn ào ảnh hưởng hàng xóm. Cậu kể, ở nhà hầu như chẳng đêm nào ngoại ngủ, cứ mở cửa vào từng phòng, lật chăn lật màn, sờ mặt nắm tay các con cháu, hỏi: "Anh này là ai, chị này là chị nào"... Nếu đóng cửa lại thì ngoại đập cho bằng mở thì thôi. Cậu lo chẳng may xuống Hà Nội ở mà ngoại mở được cửa, đi đâu đó lạc lại khổ cả nhà tìm.

Những ngày cuối đời của ngoại

Cả đời ngoại, chẳng một lần đi viện vì đau ốm, nhưng tuổi cao như đèn treo trước gió, nhất là khi ngoại qua ngưỡng 100 trăm tuổi, ngoại hay đau mỏi hơn. Những lúc ấy, ngoại chỉ nằm một chỗ, không cả xoay người, ngoại thều thào: "Em đau hết cả người như muốn vỡ vụn ra các bác ạ!".

Những ngày tháng 4, là những ngày ngoại hay nằm trên giường triền miên.

Mẹ tôi về thăm và chăm ngoại, thì thầm vào tai ngoại:

- U ơi, con chào U!

- Bác là con nhà ai đấy nhỉ?

- Con là con gái thứ 3 của U đây, con Liên đây!

- Bác cứ đùa em, bác là chị Thẩm ở Sóc Sơn lên chơi với em chứ gì!

"Chị Thẩm" dìu ngoại đi tắm, ngoại vẫn còn bẽn lẽn bảo: "Bác cứ kì chân tay cho em thôi, đừng đụng vào chỗ bí mật của em, em tự làm được!".

Hôm ngoại khó thở, bác Hai, mợ và dì Út đưa ngoại đi viện, tự dưng trên xe cấp cứu ngoại tỉnh như sáo, ngoại bảo ngực ngoại nặng lắm, rồi thì thào: "Em sắp chết rồi các bác ơi, thương em với, em chỉ có một mình thôi...".

Đó cũng là những câu nói cuối cùng của ngoại, rồi sau đó ngoại hôn mê, rồi ngoại ra đi, rất nhẹ nhàng...

Khi còn sống, ngoại tôi hay nói là ngoại là người đáng thương vì "bồ côi" cha mẹ, nhưng ai nghe cũng vui, vì tuổi ngoại thì cha mẹ nào còn.

Ngoại đã sống một đời ấm êm, 101 năm tuổi - cái tuổi người ta hay nói "ba năm mươi", an vui bên 6 người con - 15 đứa cháu - 24 chắt - 1 chút.

Mọi người động viên gia đình tôi, rằng những ai "ba năm mươi" là thành tiên rồi, nên con cháu hãy an lòng để ngoại được thanh thản về cõi tiên. Vì thế, khi ngoại ra đi, ai ai cũng hoan hỉ, một lòng nguyện cho ngoại thênh thang bước vào cõi sáng…

Sau này, tôi sẽ kể cho các con cháu của mình chuyện về bà ngoại tôi - U của mẹ tôi - một người đáng yêu, hóm hỉnh, điệu đà, thích mặc đẹp, về già tóc cắt cua vẫn nhất định đòi đội mấn cho xinh, rất thích ăn ngon, không khi nào khô miệng vì đam mê quà vặt, đặc biệt là sở thích đếm tiền và cho tiền, với câu nói cửa miệng "để em cho vài đồng, em nhiều tiền lắm!". Cùng với những kỷ niệm tuổi thơ đẹp đẽ đầy ắp bóng dáng ngoại, tôi cũng sẽ nhớ nằm lòng lời của ngoại: "Cho đi mới nhận lại", "Hãy yêu thương... đừng ghét bỏ nhau... yêu thương từ chính những người thân ruột thịt của mình trước".