Ngô Quý Đức - chàng trai Hà Nội với hành trình giữ lửa nghề thủ công truyền thống
Nuối tiếc những giá trị truyền thống từ sản phẩm thủ công từng gắn bó mật thiết với các gia đình Việt dần mất đi theo thời gian, ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Ngô Quý Đức bắt đầu hành trình tìm lại sức sống cho các làng nghề.
Ngô Quý Đức - chàng trai phố thị và ước mơ "về làng"
Phóng viên: Xin chào nhà sáng lập dự án "về làng" Ngô Quý Đức. Là một người con của thủ đô, điều gì khiến anh bén duyên và có niềm yêu thích, say mê với các làng nghề truyền thống của dân tộc?
Anh Ngô Quý Đức: Thực ra ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều sản phẩm thủ công. Khi ấy, ở nhà ông tôi có treo những bức tranh dân gian Đông Hồ, tranh Hàng Trống, hay cả bộ bàn ghế bằng mây tre, những chiếc hộp sơn mài… Những thứ đồ vật đó dường như đã gắn liền với cả tuổi thơ của tôi. Sau này khi lớn lên, xã hội phát triển, đáng tiếc rằng những sản phẩm thủ công đó không còn xuất hiện thường xuyên trong các hoạt động đời sống hằng ngày nữa.
Đến khoảng năm 2006, tôi học xong và có một dự án về văn hóa. Nhờ dự án đó, tôi được trở về với những làng quê xung quanh Hà Nội. Trong những chuyến đi của mình, tôi bắt gặp lại chính những sản phẩm mà bản thân từng thấy, từng gắn bó trước đây, được chứng kiến từng công đoạn để những người thợ thủ công làm ra từng sản phẩm. Dần dần, tôi bắt đầu đam mê, muốn tìm hiểu sâu hơn về các làng nghề truyền thống của dân tộc và cảm thấy bản thân có những sự kết nối sâu sắc với lĩnh vực này. Không dừng lại ở việc tìm hiểu, sau này tôi cũng có những mong muốn lớn hơn đó là làm cách nào để có thể đưa những sản phẩm thủ công truyền thống quay trở lại, một lần nữa trở nên thân thuộc với đời sống của người dân Việt Nam. Đó cũng là lúc tôi bắt đầu hành trình của mình.
Phóng viên: Cái tên "Về làng" đến với anh như thế nào? Anh có tốn nhiều nhiều thời gian để nghĩ ra nó không?
Anh Ngô Quý Đức: 2018, tôi có qua chơi với các bác trong Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, lúc ấy các bác bảo: "Mày về đây làm với các bác đi, rồi các bác thành lập cho một cái câu lạc bộ." Sau đó, Câu lạc bộ Văn hóa Dân gian Làng nghề Việt ra đời với mục đích lan tỏa các giá trị văn hóa của các làng nghề Việt Nam. Trong khoảng thời gian làm việc cho câu lạc bộ, tôi cảm thấy định hướng của các bác không phù hợp với bản thân và mong muốn được thực hiện một dự án của riêng mình. Năm 2018, rồi 2019, tôi bắt đầu nghĩ dần về cái tên cho "đứa con tinh thần" mình đang ấp ủ nhưng chưa thể nghĩ ra.
Cho đến năm 2020, "Về làng" đến với tôi bằng câu chuyện hơi tâm linh một chút. Một hôm, người bạn thân thiết của tôi nói rằng trong lúc ngủ được "báo mộng" cái tên "Về làng", hãy dùng tên đó làm tên cho dự án. Vậy là "Về làng" xuất hiện và được sử dụng từ đó. Sau khi được ra mắt, may mắn rằng rất nhiều người thích và ấn tượng với cái tên này.
Phóng viên: Việc phối hợp với cộng đồng địa phương là yếu tố quan trọng đối với sự thành công của dự án, vậy làm thế nào để dự án nhận được sự hỗ trợ từ phía người dân làng nghề?
Anh Ngô Quý Đức: Chia sẻ ra chắc mọi người khó tin. Trước khi đi khảo sát trực tiếp ở các làng nghề, có rất nhiều người nói với tôi rằng những người thợ hay những người nghệ nhân đều rất khó tính, khó tiếp cận. Gần như sẽ không ai chia sẻ khi được hỏi về bí quyết làm nghề đâu. Hỏi về sản phẩm để mua thì họ trả lời, còn không thì thôi, miễn tiếp.
Tuy nhiên, thực tế lại khác xa, trong quá trình tôi đi, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với rất nhiều người dân trong các làng nghề nhưng gần như không gặp phải những tình huống như được kể. Có những người chỉ ngay lần gặp lần đầu tiên đã cảm thấy như người thân trong nhà, sẵn sàng cùng nhau trò chuyện thân tình. Đặc biệt, có cả những người chỉ biết đến tôi mà chưa từng gặp mặt, nhưng cũng sẵn sàng liên hệ, mời tôi về địa phương để chia sẻ tất cả mọi thứ, hoặc gửi thẳng các sản phẩm thủ công về tận nhà tôi.
Con đường ngược về quá khứ đã được chọn kỹ càng của Ngô Quý Đức
Phóng viên: Trong suốt hành trình của mình, đi qua vô số các làng nghề, có chuyến đi nào để lại trong anh ấn tượng đặc biệt không?
Anh Ngô Quý Đức: Tôi có quen một cặp vợ chồng làm nghề đúc đồng ở Thanh Hóa qua mạng xã hội. Năm 2019, nhân ngày giỗ tổ nghề, anh chị mời tôi về làng chơi. Thế là trên chiếc xe máy cà tàng, tôi đi 180km từ Hà Nội về Thanh Hoá. Từ 10 giờ sáng đến 5 giờ chiều thì đến nơi. Lúc đó, dẫu chỉ mới gặp nhau lần đầu tiên nhưng anh chị đối xử với tôi thân thiết như người nhà vậy. Tôi được anh chị dẫn đi tham quan xung quanh làng, được gặp gỡ và giao lưu với nhiều nghệ nhân khác. Vào sáng ngày hôm sau, tôi còn có cơ hội tham gia hội làng và lễ đúc trống đồng khổng lồ. Thật sự rất ấn tượng.
Trước lúc tôi quay về Hà Nội, anh chị có dúi cho tôi 200 nghìn đồng bảo là tiền xăng xe. Tôi không nhận nhưng thực sự rất cảm kích tấm lòng của họ. Họ làm nghề, họ mời mình về, cho mình ăn uống, ngủ nghỉ miễn phí rồi mà đến lúc ra về họ vẫn quan tâm, lo lắng cho mình. Lúc ấy, tôi thực sự cảm nhận được tình người thật quý giá.
Sau lần đó đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa sắp xếp được thời gian quay lại thăm anh chị. Thế nhưng hồi năm 2020, khi tôi bắt đầu mở một không gian trưng bày sản phẩm, tôi có nói "em cần một số sản phẩm của anh chị để trưng bày", anh chị lập tức gửi hai chiếc trống đồng lên Hà Nội cho tôi luôn mà không tốn bất cứ chi phí gì. Trong khi giá trị thực tế của chiếc trống đồng rơi vào khoảng 40-50 triệu đồng.
Phóng viên: Điểm đặc sắc của dự án "Về làng" còn là các tour du lịch về các làng nghề. Vậy làm thế nào để anh duy trì được sự đa dạng và hấp dẫn trong các hoạt động trải nghiệm?
Anh Ngô Quý Đức: Để có thể lên kế hoạch cho một tour như vậy cần phải nghiên cứu rất kỹ. Trước tiên, tôi phải nghiên cứu trong số rất nhiều các làng nghề truyền thống, đâu là nơi có tiềm năng để phát triển hoạt động du lịch văn hóa? Sau đó, phải tìm hiểu xem ở làng đó có những giá trị văn hóa gì? Thành hoàng làng đó là ai? Tổ nghề làng là vị nào?…
Số lượng các làng nghề truyền thống tại Hà Nội rất lớn. Nếu tính riêng trong Hà Nội, con số đã lên đến 1350 làng nghề. Vậy nên mỗi tour sẽ có sự đặc sắc riêng, có nét độc đáo riêng và không bị trùng lặp. Mỗi lần du khách đăng ký tham gia sẽ là một trải nghiệm hoàn toàn mới.
Sự kiện Về làng "Rước đèn trung thu và đón ông tiến sĩ giấy 2023" cùng nghệ nhân Nguyễn Thị Tuyến tại làng Hậu Ái, Hà Nội. Ảnh: NVCC
Du khách khi tham gia sẽ được gặp gỡ, giao lưu cùng những người thợ thủ công lành nghề trong làng, được họ hướng dẫn những kỹ thuật làm nghề cơ bản. Trong quá trình trải nghiệm, mọi người sẽ biết được để làm ra một sản phẩm thủ công cần sự cầu kỳ, tỉ mỉ và khéo tay như thế nào. Qua những chuyến đi như vậy, du khách sẽ thêm trân trọng những sản phẩm thủ công truyền thống của dân tộc.
Phóng viên: Một phần quan trọng của dự án là giúp người dân trong các làng nghề tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm thủ công. Anh đã thực hiện những bước nào để đảm bảo việc tiếp cận thị trường và quảng bá sản phẩm của họ?
Anh Ngô Quý Đức: Du lịch chỉ đóng góp một phần nhỏ thôi. Để hỗ trợ các làng nghề còn đòi hỏi rất nhiều yếu tố khác nữa.
Nói về sản phẩm, có những làng nghề chất lượng sản phẩm rất tốt rồi nhưng lại chưa tìm được đầu ra. Khi đó, tôi sẽ giúp họ kết nối với khách hàng thông qua những chuyến du lịch trải nghiệm. Tôi cũng kết nối với những bên làm về thương mại, kinh doanh để những sản phẩm đó có thể đến tay người tiêu dùng.
Bên cạnh đó, ở một số làng nghề, tay nghề của thợ rất giỏi nhưng những sản phẩm họ làm ra chưa đáp ứng được nhu cầu cuộc sống hiện đại ngày nay. Vì vậy, tôi đã kết nối những người thợ ấy với các bạn trẻ làm thiết kế. Họ cùng nhau làm việc, cùng làm ra những sản phẩm phù hợp hơn, có tính ứng dụng cao trong đời sống. Khi ấy, những sản phẩm thủ công có thể tự tìm được đầu ra cho mình.
Phóng viên: Với sự thành công của dự án "Về làng", đã có những thay đổi tích cực nào đối với các làng nghề hoặc cộng đồng địa phương mà anh cảm thấy tự hào?
Anh Ngô Quý Đức: Sự thành công ở đây không phải điều mọi người có thể nhìn thấy một cách cụ thể. Thành công của tôi chính là đã kết nối được rất nhiều làng nghề với nhau. Ví dụ như làng nghề mây tre có thể bắt tay với làng nghề gốm sứ để cùng tạo ra một sản phẩm. Các làng nghề của chúng ta sẽ không chỉ hoạt động độc lập, đơn lẻ nữa, mà sẽ cùng hợp tác, chung tay để tạo nên những sản phẩm đặc sắc.
Thời gian tới, tôi cũng mong muốn sẽ có thể kết nối nhiều hơn nữa các làng nghề với nhau. Từ đó, không chỉ 1-2 làng nghề mà có thể lên tới 4-5 làng nghề cùng hợp tác với nhau trong một sản phẩm.
Phóng viên: Trong tương lai, anh đặt mục tiêu và mong muốn phát triển dự án như thế nào?
Anh Ngô Quý Đức: Trong tương lai, tôi cũng đang có kế hoạch để đưa những sản phẩm chất lượng cao của làng nghề Việt đến gần hơn với không chỉ cộng đồng trong nước mà còn cả quốc tế. Tôi muốn giới thiệu những câu chuyện về lịch sử, văn hóa, về những bản sắc rất riêng của người Việt, muốn bạn bè thế giới thấy được những gì tinh hoa nhất của làng nghề thủ công Việt Nam.
Trong thời kỳ phong kiến, Việt Nam có rất nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ được coi là tinh hoa nghệ thuật, ví dụ như ở Huế. Nếu có dịp đi Huế, các bạn có thể thấy được những sản phẩm thủ công với giá trị cao về mặt tay nghề và thẩm mỹ vẫn còn được lưu lại tại các cung điện trong Kinh thành cổ. Còn hiện tại, mặc dù có sự hỗ trợ của máy móc, có Internet để học hỏi nhiều thông tin, nhưng vẫn rất khó để có thể làm lại những sản phẩm có độ tinh xảo cao như của các nghệ nhân đi trước. Vì vậy, tôi cũng muốn dự án của mình có thể hỗ trợ cho các nghệ nhân trong việc hoàn thiện được những sản phẩm tinh hoa như của thế hệ trước.
Còn một dự định khác nữa, nhưng hiện tại tôi xin phép được giữ bí mật và sẽ chia sẻ với báo chí một ngày không xa.
Phóng viên: Xin cảm ơn anh đã cởi mở cho cuộc trò chuyện này!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google