Ngộ độc khí CO khó phát hiện và nguy hiểm như thế nào?
Mới đây, tại Khánh Hòa đã xảy ra vụ việc 4 mẹ con tử vong do bị đầu dộc khí CO (carbon monoxide). Đây là loại khí có độc tính cao, gây nguy hiểm đến tính mạng khi hít phải nhưng lại không màu, không mùi, rất khó phát hiện.
Ngày 25/8, Công an tỉnh Khánh Hòa đã ban hành các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Hồ Xuân Hải (sinh năm 1971) để điều tra, xử lý về tội giết người xảy ra tại thôn Vĩnh Đông, xã Cam An Nam, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa. Hải là nghi can duy nhất được cho là đã thực hiện hành vi đầu độc khiến vợ và 3 con gái ruột của mình thiệt mạng. Khám nghiệm các tử thi, cơ quan chức năng xác định nguyên nhân dẫn đến tử vong đối với vợ và 3 người con của Hải là do ngộ độc khí CO.
Làm việc với Cơ quan Cảnh sát điều tra, Hồ Xuân Hải khai nhận do gia đình đầu tư kinh doanh thất bại và lâm vào nợ nần số tiền lớn, Hải thực hiện đầu độc cả nhà bằng khí CO sau đó cùng vào phòng có khí độc tự tử để thoát khỏi cảnh bế tắc.
Ngộ độc khí CO gây ra "cái chết thầm lặng"
Khí CO (carbon monoxide) là một loại khí độc được mệnh danh là "kẻ giết người thầm lặng" vì không màu, không mùi, không vị và không gây kích thích, có khả năng khuếch tán mạnh. Khi bị ngộ độc khí CO thường khó phát hiện, đến khi nạn nhân nhận biết được mình bị nhiễm độc thì thường không còn khả năng gọi cấp cứu nữa. Carbon monoxide là nguyên nhân ngộ độc tử vong hàng đầu từ các chất độc không chủ ý.
Khí CO gây ngạt toàn thân do nó tranh chấp với oxy gây giảm oxy máu ở tất cả các cơ quan của cơ thể, những cơ quan sử dụng nhiều oxy nhất sẽ bị tổn thương nặng nhất đặc biệt là não và tim. Tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc, nạn nhân bị ngộ độc CO có thể bị tổn thương hô hấp hoặc hệ thần kinh và tử vong nếu không được phát hiện.
CO thường có trong khói sinh ra khi đốt cháy nhiên liệu trong ô tô, xe máy, chạy máy phát điện, dùng các loại than để đun nấu, sưởi ấm ở phòng kín, ít lưu thông khí, khói từ các vụ cháy nhà,...
Các triệu chứng ngộ độc khí CO
Mọi người có thể phát hiện nạn nhân ngộ độc khí CO khi có các dấu hiệu sau: nạn nhân có tiếp xúc với nơi đốt than, củi, chạy động cơ xăng dầu trong phòng kín… Ở người bị ngộ độc khí CO, lúc đầu triệu chứng tản mạn và không rõ.
Nếu ngộ độc nhẹ nạn nhân thường đau đầu (triệu chứng phổ biến nhất), mệt mỏi, chóng mặt, buồn nôn, có thể da đỏ như quả anh đào nhưng là dấu hiệu không đặc hiệu.
Khi ngộ độc mức độ vừa, nạn nhân bị đau ngực, khó tập trung, nhìn mờ, khó thở khi gắng sức nhẹ, mạch nhanh, thở nhanh, hoại tử cơ, thất điều.
Trường hợp ngộ độc khí CO nặng thường có các biểu hiện: ngất, tím ở môi và các đầu ngón tay, ngón chân. Co giật, bất tỉnh co cứng tay chân hoặc có những động tác bất thường, tụt huyết áp. Đau ngực cũng là triệu chứng chiếm tới 1/3 bệnh nhân bị ngộ độc CO vừa và nặng. Tổn thương cơ tim cấp, thiếu máu cơ tim, loạn nhịp tim. Nạn nhân khó thở, trào bọt hồng ra mép. Tay chân sưng đau, nước tiểu sẫm màu, đỏ và đi tiểu ít dần.
Tiếp xúc với CO từ khói đốt cháy gây nguy hiểm cho tất cả mọi người. Tuy nhiên, phụ nữ có thai, trẻ sơ sinh, người cao tuổi, người hút thuốc lá, người có bệnh tim mãn tính, thiếu máu hoặc có vấn đề về hô hấp là những người dễ bị tác động hơn cả. Ngoài ra, ngộ độc carbon monoxide cũng đặc biệt nguy hiểm cho những người đang ngủ hay say rượu vì có thể tử vong mà không có biểu hiện nào.
Tùy thuộc vào mức độ và thời gian tiếp xúc, ngộ độc carbon monoxide có thể gây ra tổn thương não vĩnh viễn; ảnh hưởng đến tim dẫn đến biến chứng nguy hiểm tính mạng.
Cách cấp cứu nạn nhân bị ngộ độc khí CO
Nếu phát hiện ra nạn nhân ngộ độc khí CO, người cấp cứu cần khẩn trương cấp cứu theo trình tự như sau:
Khi nghi ngờ nạn nhân có tiếp xúc với khí CO như lò sưởi, bếp than, người nhà cần làm thông thoáng không khí trước khi đi vào vùng nhiễm độc. Mang mặt nạ phòng độc hoặc khẩu trang ẩm, nhanh chóng đưa nạn nhân ra khỏi nơi nguy hiểm, đề phòng khả năng nổ của không khí giàu CO.
Nhanh chóng mở rộng cửa, làm thoáng khí, đưa nạn nhân ra khỏi nơi nhiễm độc càng nhanh càng tốt, nhưng phải lưu ý đảm bảo an toàn cho cả người cấp cứu.
Nếu bệnh nhân thở yếu, ngừng thở phải tiến hành hà hơi thổi ngạt ngay. Cách hà hơi thổi ngạt: đặt nạn nhân nằm ưỡn cổ; đặt một khăn mùi soa hay miếng gạc qua miệng nạn nhân, dùng hai ngón tay cái và trỏ bịt mũi nạn nhân rồi thổi hơi trực tiếp vào miệng nạn nhân.
Nếu nạn nhân ngừng tim phải ép tim ngoài lồng ngực. Dùng 2 tay chồng lên nhau ép lên lồng ngực ngoài tim, tần số ép khoảng 100 lần/1 phút. Khi chỉ có một người cấp cứu thì thổi ngạt 2-3 hơi lại ép tim ngoài lồng ngực 10-15 nhịp. Nếu có hai người cấp cứu thì một người thổi ngạt, một người ép tim ngoài lồng ngực, làm kiên trì cho đến khi tim đập lại và thở trở lại. Sau đó phải chuyển nhanh nạn nhân đến bệnh viện để điều trị tiếp.
Phòng tránh ngộ độc khí CO
Để phòng tránh ngộ độc khí CO có thể xảy ra, mọi người dân cần thực hiện những điều sau:
Tuyệt đối không đốt than củi hay dùng lò nướng, bếp gas để sưởi ấm trong phòng kín. Hầu hết trường hợp ngạt khí khi ngủ không thể kêu cứu, nguy cơ tử vong cao nếu không được cấp cứu kịp thời.
Trường hợp thường xuyên phải dùng bếp than để đun nấu, nên đặt bếp ở nơi thông thoáng. Không đặt lò than trong phòng ngủ, nơi kín gió; không đốt qua đêm. Gia đình có thể dùng đèn sưởi, điều hòa 2 chiều để tăng nhiệt độ trong phòng nhưng tránh có gió lùa.
Không chạy máy phát điện ở nơi có không gian kín như tầng hầm, nhà để xe, phòng kín cửa.
Không nổ máy xe máy, xe ô tô trong phòng, trong gara kín gió, đóng kín cửa.
Định kỳ kiểm tra thiết bị an toàn của bếp gas, lò sưởi. Trong gia đình, nên mua thiết bị phát hiện khí CO để trong nhà. Ở cơ sở sản xuất phải đo nồng độ CO thường xuyên, đảm bảo nồng độ CO không vượt quá ngưỡng cho phép.
Nếu nghi ngờ đã tiếp xúc với khí CO, cần vào nơi không khí trong lành ngay lập tức và tìm kiếm sự chăm sóc y tế khẩn cấp. Nếu có thể, mở cửa sổ và cửa ra vào trên đường ra khỏi nhà.
Ngoài ra, khí CO thường có ở đáy những giếng cạn, đáy các bể làm mắm để khô kín gió lâu ngày vì tỷ trọng của khí này lớn hơn không khí. Do đó khi muốn xuống các nơi này làm vệ sinh cần phải thông gió trước bằng cách dùng quạt điện quạt trước 15-20 phút mới cho người xuống. Phải có người ở trên để theo dõi và sẵn sàng ứng cứu.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google