Nghịch lý, học sinh giỏi mới cho thi sư phạm nhưng cử nhân ngoài sư phạm lại được đi dạy

Hà Vy
06:10 - 05/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Muốn chất lượng giáo viên tốt thì đầu vào chắc chắn phải cao, muốn đầu vào cao phải thu hút được người giỏi. Để nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong tương lai, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra quy định riêng trong điều kiện để tuyển sinh.

Thông thường, những học sinh xếp loại học lực giỏi ở bậc phổ thông trung học thường học rất tốt tất cả các môn (đương nhiên đối với những trường học đánh giá, xếp loại giáo viên một cách nghiêm túc). 

Ngoài ra, hạnh kiểm của các em cũng luôn được xếp loại tốt. Tuyển được những học sinh này vào sư phạm, sẽ có được những thầy cô giáo tốt trong tương lai.

Bởi thế, quy định này của Bộ Giáo dục được xem là những tín hiệu tích cực để ngành sư phạm không phải rơi vào tình cảnh "vơ bèo vạt tép" như thời gian trước đây.

Vào nghề sư phạm bằng "đường tắt"

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép sinh viên ngoài sư phạm có thể được trở thành giáo viên thì học sinh có lực học bình thường vẫn vào được sư phạm bằng "lối đi riêng".

Thông tư 11/2021/TT-BGDĐT về việc ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên tiểu học và Thông tư 12/2021/TT-BGDĐT về việc ban hành Chương trình và thực hiện bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho người có bằng cử nhân chuyên ngành phù hợp có nguyện vọng trở thành giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Nói về điều này, Phó giáo sư Hoàng Chí Hiếu (Khoa Lịch sử, Trường Đại học Sư phạm Huế) cũng đã bày tỏ quan điểm của mình: "… không loại trừ trường hợp, nhiều thí sinh do không đủ điểm trúng tuyển ngành sư phạm, phải lựa chọn học ngành nghề khác nay chuyển sang đi dạy, như vậy sẽ không công bằng với những trường hợp trúng tuyển sư phạm ngay từ đầu".

Nghịch lý, học sinh giỏi mới cho thi sư phạm nhưng cử nhân ngoài sư phạm lại được đi dạy - Ảnh 3.

Cơ hội cho học sinh giỏi mới vào được ngành sư phạm và sinh viên ngoài ngành sư phạm đứng lớp là ngang nhau? Minh hoạ: CD&KH.

Trong thực tế, đã có nhiều giáo viên hiện nay trong ngành sư phạm đã vào nghề bằng lối "đi tắt" như thế. Một số trong số họ có trình độ năng lực hạn chế so với những giáo viên tốt nghiệp sư phạm chính quy.

Do không đạt loại giỏi ở bậc trung học phổ thông nên không thể dự thi hoặc xét tuyển vào ngành sư phạm nên cô giáo X.L, giáo viên dạy toán một trường trung học phổ thông đã chọn đi con đường tắt bằng cách vào học một trường đại học khác, khi ra trường học thêm một chứng chỉ sư phạm rồi xin đi dạy học theo hợp đồng.

Nói đến cô giáo X.L, đồng nghiệp rồi cả học sinh vẫn thường đưa những câu chuyện "dở khóc dở cười" về việc dạy học của cô để luận bàn. Cô không thể ra đề kiểm tra theo đúng yêu cầu. Nhiều bài tập toán trong chương trình cô cũng không thể giải nếu chưa chuẩn bị trước ở nhà. Vì chuyên môn yếu nên nhà trường chỉ có thể xếp cô dạy luôn một khối lớp bao nhiêu năm.

Học sinh phàn nàn vì không ít lần giải toán bị cô X.L chấm sai, chỉ vì học sinh làm bài khác cách cô giải. Nếu học sinh hỏi bài toán khó, cô phải hẹn giải vào buổi học lần sau…

Đó chỉ là một ví dụ trong khá nhiều trường hợp thầy cô giáo yếu chuyên môn mà lý do vì đi "đường tắt" vào sư phạm. 

Có công bằng với sinh viên giỏi mới được thi sư phạm?

Học sinh muốn vào khoa sư phạm Ngoại ngữ, Toán, Lý… thuộc Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh ngoài học lực bậc trung học phổ thông đạt loại giỏi thì điểm thi vào các khoa này ở trường sư phạm phải luôn ở mức từ 25 đến 27 điểm.

Trong khi khoa ngôn ngữ Anh, Toán học, Vật lý học… điểm đỗ vào Trường Đại học Sư phạm cũng chỉ ở mức 17 đến 20 điểm. Nhiều trường đại học tư thục còn lấy điểm đỗ vào các khoa này thấp hơn rất nhiều (có trường chỉ cần đạt mức điểm sàn đại học là đỗ).

Vậy mà, chỉ 4 năm sau, có thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm thì nghiễm nhiên cơ hội đi dạy của những sinh viên ngoài sư phạm ngang bằng với sinh viên sư phạm chính quy.

Nhiều trường hợp, sinh viên sư phạm chính quy còn thua trong cuộc đua vào trường. Lý do là một số sinh viên ngoài sư phạm lại có tiền, có mối quan hệ. Điều này, đã trở nên bất công đối với những sinh viên sư phạm chính quy khi học lực phổ thông đạt loại giỏi và điểm xét tuyển vào đại học rất cao.

Học chứng chỉ sư phạm vẫn thiếu nhiều kỹ năng sư phạm

Sinh viên các trường sư phạm học 4 năm nhưng có khá nhiều lần được đi thực tế về các trường học để kiến tập rồi thực tập. Thời gian kiến tập khoảng vài tuần nhưng thời gian thực tập đến vài tháng.

Tại các trường học, sinh viên được một số giáo viên hướng dẫn thực tập, được vào lớp học giảng dạy, làm công tác chủ nhiệm, tổ chức các hoạt động ngoại khóa…

Sau mỗi đợt kiến tập, thực tập sẽ được các thầy cô đánh giá, nhận xét và rút ra khá nhiều bài học kinh nghiệm mà chủ yếu tập trung ở phần kỹ năng sư phạm.

Ngược lại, người học thêm chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm không được đi thực tế tại các trường học. Thời gian để có được chứng chỉ cũng khá ngắn từ 1 đến 3 tháng, chủ yếu buổi học được diễn ra vào các buổi tối các ngày trong tuần hoặc cuối tuần. 

Học viên học lấy chứng chỉ cũng được soạn giáo án và dạy một vài tiết minh họa nhưng không phải dạy cho học sinh mà dạy cho những học viên cùng các giảng viên đóng vai học sinh tham dự. Với kiểu đào tạo như thế này, phần lớn khi vào trường học, những giáo viên này đều thiếu và yếu kỹ năng sư phạm.

Thầy giáo Huy Dũng, giáo viên một trường trung học phổ thông cho biết: "Giáo viên trường tôi kiến thức thì ổn nhưng thiếu kỹ năng truyền đạt. Có thầy vào dạy lớp nào, học sinh đều la ó thầy dạy tụi con không hiểu bài gì cả".

Thầy Huy Dũng cho biết thêm: "Có giáo viên tốt nghiệp khoa Vật lý học một trường đại học ít tên tuổi, điểm đầu vào khi ấy là 15 điểm, có thêm cái chứng chỉ học vài tháng sư phạm nên ra dạy kiến thức vừa thiếu, kỹ năng sư phạm vừa yếu thấy thật tội học sinh".

Trên thực tế, những giáo viên tốt nghiệp đại học ngoài sư phạm và học thêm chứng chỉ sư phạm thật sự lúng túng khi xử lý các tình huống sư phạm xảy ra trên lớp. Họ ngoài dạy học ra thì thiếu tương tác với giáo viên chủ nhiệm, với phụ huynh khi học sinh không làm bài, không học bài. 

Quy định học sinh giỏi mới được dự tuyển vào sư phạm được xem là hướng đi đúng. Nếu thực hiện tốt thì trong tương lai sẽ có một đội ngũ nhà giáo thật sự giỏi.

Tuy nhiên quy định tuyển sinh viên ngoài sư phạm có nghiệp vụ sư phạm cần chặt chẽ hơn như việc chỉ tuyển giáo viên các bộ môn nghệ thuật, giáo dục an ninh quốc phòng, hoặc chỉ tuyển sinh viên các trường đại học có tên tuổi.

Nếu tuyển một cách ồ ạt thì việc quy định học sinh giỏi mới được xét tuyển vào sư phạm sẽ không phát huy được tác dụng.