Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: "Làm nghệ thuật là một hành trình cô độc"
"Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt" vừa ra mắt độc giả Việt Nam - chúng ta cùng trò chuyện với nghệ sĩ Phạm Diệu Hương – người hiệu đính cuốn sách này về buồn vui của những người đã và đang theo đuổi con đường nghệ thuật.
Một sự cô độc trác tuyệt
Chị là người hiệu đính của những cuốn sách về tiểu sử danh họa như: "Van Gogh" của Steven Naifeh và Gregory White Smith, "Leonardo da Vinci" của Walter Isaacson và gần đây nhất là "Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt" của tác giả Miles J. Unger. Cơ duyên nào đã dẫn chị đến với những tác phẩm này vậy?
Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: Vào năm 2017, anh Vũ Trọng Đại có mời tôi làm cố vấn cho tủ sách Nghệ thuật của Omega+. Nhằm phát triển tủ sách, khi đó chúng tôi đã triển khai dự án hợp tác dịch các đầu sách về mỹ thuật và tiểu sử nghệ sĩ giữa Omega+ và CUCA Vietnam, một mô hình nghiên cứu, giáo dục và thực hành nghệ thuật độc lập do tôi sáng lập và điều hành. Tôi làm việc trực tiếp cùng các nhóm dịch của CUCA, và đồng thời hiệu đính cho các đầu sách trên.
Chị ấn tượng với chi tiết/câu chuyện nào nhất trong cuốn sách "Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt"?
Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: Toàn bộ cuốn sách "Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt" đều hướng về những ngày tháng mà Picasso thai nghén và kiến tạo nên cuộc cách mạng vĩ đại trong nghệ thuật với "Những cô nàng ở Avignon" cùng chủ nghĩa Lập-thể ở Bateau Lavoir, trái tim của đồi Montmartre – cũng là quãng thời gian mà chính Picasso nâng niu gọi đó là những tháng ngày "thật sự hạnh phúc" – cũng là phần mà tôi có ấn tượng nhất trong cuốn sách này.
Với tôi, đây là giai đoạn mà tôi thấy Picasso sống và sáng tạo một cách tự do và bạo liệt nhất trong suốt đời sống thiên tài của mình. Picasso từng kể rằng đây là quãng thời gian ông "rất cô độc", nhưng cũng là quãng thời gian mà sự sáng tạo và thiên tài nơi ông vươn tới thành tựu – một sự cô độc trác tuyệt, một nốt trầm của cuộc đời nhưng lại thăng hoa tuyệt đối trong sáng tạo, nơi mọi hỉ-nộ-ái-ố ở đời sống của ông tạo nên một thứ nghệ thuật vô tiền khoáng hậu, tuyệt đối cá nhân mà phản ánh tuyệt đối hoàn hảo tinh thần đương thời.
Tại sao lại gọi "Những cô nàng ở Avignon" là bức tranh khiến thế giới sửng sốt?
Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: Gọi "Những cô nàng ở Avignon" là bức tranh khiến thế giới sửng sốt vì nó mang một tầm vóc quan trọng trong lịch sử Nghệ thuật hiện đại: Sự ra đời của bức tranh này đánh dấu sự khai sinh của chủ nghĩa Lập-thể, châm ngòi một cuộc cách mạng trong nền hội hoạ hiện đại, cũng là sự thoát thai của một 'thiên tài hội hoạ' Picasso để trở thành một trong những họa sĩ quan trọng và có ảnh hưởng bậc nhất thế kỷ hai mươi nói riêng và trong lịch sử nghệ thuật phương Tây nói chung.
Nó "chia lịch sử nghệ thuật ra làm hai, một kỷ nguyên cũ và một kỷ nguyên mới […] như thể vào năm 1907, Picasso và cùng với ông là cả thế giới nghệ thuật đã hồi sinh".
Picasso là một danh họa đầy tài năng và nổi tiếng cho đến tận cuối đời. Vậy ông từng gặp thất bại nào trong cuộc đời không?
Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: Picasso sống một cuộc đời không mấy thành công.
Cuộc đời của ông, phần lớn, bị đeo đẳng bởi lời nguyền thiên tài, bị giam cầm ngột ngạt trong kỳ vọng và sự tán dương của gia đình, bè bạn, công chúng, khách hàng, và của chính bản thân ông…
Ám ảnh bởi cảm giác thất vọng và ngờ vực chung thân dù luôn tỏ ra tự tin, bất cần, khốn khổ trong cảm giác cô độc, mâu thuẫn đến tận cùng: Picasso phải bỉ bôi, phải phủ nhận, phải nổi loạn, phải đấu tranh, phải cố vượt thoát khỏi những gì mà số phận gán cho ông từ quá sớm.
Sớm tới mức trở thành gánh nặng cản trở sự sáng tạo, cản trở ông được thăng hoa một cách tự nhiên, cản trở ông được sống như một con người bình thường.
Tuy vậy, cuộc đấu tranh ấy lại càng chứng minh được ông đúng là một "thiên tài" có một không hai, đẩy ông lên đỉnh vinh quang, nơi không ai là không nhận ra Picasso vĩ đại, dù ông có khoác lại lên mình những thứ đồ xoàng xĩnh, nhếch nhác tận cùng.
Càng nổi danh, tiếng tăm lại càng trở thành kẻ thù, càng trở thành những con quái vật ngốn ngấu hết cảm xúc, hết tình cảm, hết sự sáng tạo, hết cả thứ nghệ thuật tiên-báo, thậm chí hết cả đời sống, hết cả tâm hồn ông.
Và sau cùng, ông cũng không thể tránh nổi định mệnh của đời mình – một định mệnh mà ông nhìn thấy trước, nhưng vẫn không thể tránh khỏi – là dần trở thành "lịch sử," trở thành một thần tượng, một con người của công chúng, một thứ sẽ dần tài phai, "chết mòn" và sớm lùi dần vào quá khứ.
Theo chị, điều gì làm nên sức hấp dẫn của tác phẩm "Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt"?
Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: Sức hấp dẫn của tác phẩm này không gì khác đến từ việc nó khắc họa một cách trung thực cuộc đời của Picasso trong một thời kỳ biến động hỗn loạn cả về chính trị lẫn nghệ thuật.
Không tán tụng cũng không thần thánh hóa, cuốn sách khắc họa cuộc đời thăng trầm của một danh hoạ phi thường, bí ẩn, và đặc biệt gây tranh cãi bằng chính bút pháp đồng-hiện sử dụng trong bức tranh "Những cô gái vùng Avignon" trứ danh – một Picasso con-người bất-toàn và cô độc, vừa đáng thương mà vừa đáng ghét.
Với bạn đọc phổ thông, không am hiểu chuyên sâu về hội họa, chị có lời khuyên nào giúp tiếp cận cuốn sách cho hiệu quả?
Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: "Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt" là một cuốn sách có hàm lượng kiến thức về nghệ thuật đáng kể, có khả năng cao làm thỏa mãn những bạn đọc có quan tâm và nhu cầu tìm hiểu sâu về nghệ thuật với hoàng loạt các phân tích, bình giải chi tiết về tác phẩm, chủ nghĩa, tâm lý nghệ thuật, bối cảnh và cảm thức thời đại.
Với bạn đọc phổ thông, không am hiểu chuyên sâu về hội họa, cuốn sách này vẫn có giá trị khi được đọc như một cuốn sách tiểu sử thuần tuý.
Thông qua cuốn sách, bạn đọc sẽ có cơ hội gặp chính những lát cắt của đời sống ngày nay, các nhân vật đâu đó trong cuộc đời, hay thậm chí là chính bản thân mình trong những đứa trẻ cô đơn, thèm tình cảm; những người cha bất-đắc-chí quá kỳ vọng vào con cái; những người trẻ tuổi hoang mang tìm kiếm bản thân; hay những kẻ mãi hoài niệm quá khứ vàng son…
Cuốn sách cũng khắc họa một đời sống hiện-đại diễn ra cách đây khoảng nửa thế kỷ của những con người chất chứa đầy lo âu, bất an, cô độc, ám ảnh – điều có lẽ sẽ đặc biệt hấp dẫn trong một giai đoạn đầy u ám, bấp bênh và khủng hoảng như ngày nay.
Hành trình cá nhân và cô độc
Là một người nghiên cứu và về làm việc trong lĩnh vực nghệ thuật, Chị có thể chia sẻ với độc giả những buồn vui của mình khi theo đuổi con đường này?
Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: Con đường làm nghệ thuật hay nghiên cứu là một hành trình cá nhân và cô độc – khi lựa chọn con đường này, tôi cũng không ngoại lệ. Quá trình sáng tác hay nghiên cứu nghệ thuật cũng phần nào giống như công việc với những đầu sách, thông thường sẽ diễn ra trong quãng thời gian dài và chủ yếu là công việc lao động cá nhân.
Hành trình sáng tạo ấy vừa là nỗi buồn, vừa là niềm vui riêng "nho nhỏ" mà những người như chúng tôi đã và sẽ hân hưởng. Những gì mà bên ngoài thấy sau cùng có khi sẽ chỉ là kết quả, hoặc chỉ phản ánh được một phần rất nhỏ những cố gắng, nỗ lực của các nghệ sĩ, hoặc nhà nghiên cứu, dịch giả, biên tập, hiệu đính… như chúng tôi.
Không nhiều người hiểu được sự khác biệt giữa việc biên tập và hiệu đính. Nhờ chị chia sẻ thêm về công việc hiệu đính này để độc giả hiểu rõ hơn được không?
Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: Người hiệu đính phải đảm bảo chất lượng của bản dịch, làm sao cho bản dịch vừa đảm bảo yếu tố đọc hiểu lại vừa chính xác về nội dung và thuật ngữ, vừa phù hợp và nhất quán về tinh thần, giọng điệu giữa các cách dịch của những người dịch khác nhau xuyên suốt bản dịch của tác phẩm.
Khi một tác phẩm bán chạy, người đọc chỉ nhớ tác giả sách, hoặc nhớ quyển ấy từng đoạt giải nào, nội dung có gì đặc biệt,... chứ ít ai nhớ đến dịch giả, người hiệu đính của cuốn sách. Chị nghĩ sao về điều này?
Nghệ sĩ Phạm Diệu Hương: Tôi nghĩ đây cũng là chuyện hết sức bình thường. Ở góc độ cá nhân, hành trình thực hiện tác phẩm, những buồn vui sướng khổ cùng cuốn sách đã là phần thưởng của chúng tôi rồi. Còn nếu độc giả yêu thích, đón nhận cuốn sách, sản phẩm tinh thần ấy, vậy thì phần thưởng ấy càng thêm thú vị.
Dù kết quả thế nào, tôi nghĩ hành trình này cũng rất đủ đầy với mình rồi.
Xin trân trọng cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
Phạm Diệu Hương – Nghệ sĩ thị giác; nhà giáo dục, giám tuyển nghệ thuật độc lập, sáng lập và điều hành mô hình giáo dục, nghiên cứu và thực hành nghệ thuật độc lập CUCA Việt Nam; sáng lập và tổ chức Mô hình thực hành Nghệ thuật dành cho sinh viên trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam EAT (Exercitation Art Term); chuyên gia về văn hóa nghệ thuật của Tổ chức Quốc Tế Pháp Ngữ (OIF).
Chị nguyên là giảng viên khoa Lý luận của trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Chị là dịch giả của cuốn sách "50 câu hỏi Mỹ học đương đại" từ nguyên bản tiếng Pháp của Marc Jimenez và người hiệu đính cho những cuốn sách tiểu sử các danh họa: "Van Gogh" của Steven Naifeh và Gregory White Smith, "Leonardo da Vinci" của Walter Isaacson, "Picasso và bức tranh khiến thế giới sửng sốt" của tác giả Miles J. Unger.
Dịch giả Phạm Diệu Hương tốt nghiệp chuyên ngành Mỹ học, Triết học nghệ thuật vào năm 2005 và thạc sĩ Nghệ thuật tạo hình vào năm 2007 tại Đại học Paris I, Panthéon-Sorbonne, Pháp.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google