Ngày Người cao tuổi Việt Nam (6/6): Tiếp nối truyền thống Phụ lão Cứu quốc
"Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão góp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng suy, tồn vong, phụ lão đều gánh vác, trách nhiệm rất nặng nề..." - lời Hồ Chủ tịch.
Sau 30 năm bôn ba khắp năm châu bốn biển tìm đường cứu nước, ngày 28/1/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã vượt qua cột mốc 108 biên giới Việt-Trung trở về Tổ quốc, trực tiếp lãnh đạo, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Ngay sau khi về nước, Người triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương (từ ngày 10 đến 19/5/1941), xác định "Đảng ta phải thay đổi chính sách cách mạng ở Đông Dương cho hợp với nguyện vọng chung của toàn thể nhân dân Đông Dương, cho hợp với tình hình thay đổi". Ngày 19/5/1941, Mặt trận Việt Minh ra đời, giương cao ngọn cờ Đại đoàn kết toàn dân tộc, tập hợp các tầng lớp nhân dân, nam, phụ, lão, ấu trong một mặt trận chung nhằm mục tiêu đánh Pháp, đuổi Nhật, giành độc lập dân tộc.
Tiếp nối tinh thần Hội nghị lần thứ VIII của Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, ngày 6/6/1941, Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã gửi bức thư "Kính cáo đồng bào", kêu gọi toàn thể nhân dân đoàn kết đánh đuổi Pháp, Nhật. Bức thư như lời hiệu triệu của non sông nhằm tập hợp, xây dựng lực lượng cách mạng, bằng việc khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần dân tộc của các tầng lớp nhân dân, động viên nhân dân phát huy tinh thần tự lực, tự cường, dùng sức mình để tự giải phóng cho mình.
Sau đó, Người gửi bức tâm thư viết bằng chữ Hán có tựa đề "Nguyễn Ái Quốc ký thư chư thị ái chư phụ lão 6/1941", dịch sang chữ Việt là "Thư cụ Nguyễn Ái Quốc gửi các vị phụ lão trong cả nước tháng 6/1941".
Thư dài bốn trang do chính Người viết bằng bút lông với nét chữ sắc sảo. Người gửi đến các cụ những lời tâm huyết: "Trách nhiệm của các vị phụ lão chúng ta đối với nhiệm vụ đất nước thật là trọng đại. Đất nước hưng thịnh do phụ lão gây dựng. Đất nước tồn tại do phụ lão góp sức. Nước bị mất, phụ lão cứu. Nước suy sụp, phụ lão phù trì. Nước nhà hưng suy, tồn vong, phụ lão đều gánh vác, trách nhiệm rất nặng nề... Nước nhà lo, các cụ cũng phải lo, đất nước vui, các cụ đều cùng được vui...".
Người đánh giá cao vị thế của các cụ trong cộng đồng dân cư: "Dẫu rằng tóc đã bạc, mắt đã hoa, tay run, chân mỏi nhưng một lời nói của phụ lão có ảnh hưởng đến hưng bang; một hành động của phụ lão có ảnh hưởng đến việc giết giặc... Đối với gia đình, đối với tổ quốc, phụ lão có trọng trách là bậc tôn trưởng, đối với làng xóm, đối với bà con, phụ lão có sự tín nhiệm lớn lao. Phụ lão hô, nhân dân hưởng ứng, phụ lão làm, nhân dân làm theo".
Bức tâm thư như lời hiệu triệu kêu gọi phụ lão cả nước gánh vác trách nhiệm với non sông.
Hưởng ứng lời kêu gọi trong bức thư của Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, phụ lão cả nước đã tích cực tham gia, đóng góp công của, trí tuệ cho sự nghiệp kháng chiến cứu quốc chống Pháp, Nhật do Đảng và Bác Hồ lãnh đạo. "Phụ lão cứu quốc Hội" đã ra đời ở các địa phương để cùng toàn dân tham gia kháng chiến cứu quốc, trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân, đế quốc xâm lược giành thắng lợi hoàn toàn.
Cách mạng thành công, trong đó có sự đóng góp to lớn của lớp người cao tuổi và cùng với tổ chức Hội Phụ lão cứu quốc, tiền thân của Hội Người cao tuổi Việt Nam hiện nay.
Từ nguyện vọng tha thiết của lớp người cao tuổi trong cả nước, cùng với sự quan tâm và đánh giá cao của Đảng và Nhà nước đối với những cống hiến to lớn của lớp người cao tuổi Việt Nam, ngày 26/5/2006, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 772/QĐ-TTg, lấy ngày 6/6 hằng năm là "Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam", có dấu mốc lịch sử khởi đầu là ngày 6/6/1941 - Ngày Bác Hồ gửi tâm thư "Kính cáo đồng bào".
Nội dung cốt lõi của "Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam" là dịp để lớp người cao tuổi ôn lại và khắc sâu niềm tự hào về những đóng góp của mình đối với đất nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ đó phát huy vai trò của người cao tuổi trong giai đoạn mới của đất nước, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng đã trao tặng cho lớp người cao tuổi hiện nay: "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Kể từ ngày 6/6/2010, ngày kỷ niệm truyền thống Người cao tuổi Việt Nam còn có thêm tên mới: “Ngày Người cao tuổi Việt Nam” nhằm khẳng định vai trò, vị thế của người cao tuổi và Hội Người cao tuổi Việt Nam, đồng thời thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về chăm sóc và phát huy vai trò của người cao tuổi trong xã hội ở thời kỳ mới của đất nước, thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập và phát triển vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Ngày 23/11/2009, Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã biểu quyết thông qua Luật Người cao tuổi, có hiệu lực từ ngày 1/1/2010. Như vậy kể từ ngày 6/6/2010 có thêm ngày kỷ niệm truyền thống của lớp Người cao tuổi - “Ngày Người cao tuổi Việt Nam”.
Theo Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ V (2016-2021) Hội Người cao tuổi Việt Nam, hiện nay cả nước có gần 13 triệu người cao tuổi, chiếm 12% dân số, trong đó khoảng 1,98 triệu người trên 80 tuổi, gần 4,8 triệu người cao tuổi là nam, gần 7,7 triệu người cao tuổi sống ở nông thôn. Hiện nay, Hội Người cao tuổi có trên 10 triệu hội viên (chiếm tỷ lệ trên 85% tổng số người cao tuổi) đang sinh hoạt ở 10.367 Hội cơ sở, 88.412 chi Hội, 171.982 tổ Hội, hàng năm kết nạp hội viên mới tăng trung bình trên 43 nghìn người.
Hiện cả nước có trên 6,5 triệu người cao tuổi đang trực tiếp tham gia lao động, sản xuất, trong đó có 99.905 người cao tuổi làm chủ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp; 357.967 người cao tuổi đạt danh hiệu "Làm kinh tế giỏi".
Ngày 17/01/2018, Hội Người cao tuổi và Hội Khuyến học Việt Nam đã kí kết và triển khai Chương trình phối hợp đẩy mạnh học tập suốt đời giai đoạn 2018-2021. Hiện có 64% hội viên, 72% cán bộ Hội Khuyến học các cấp là người cao tuổi. Hội viên và người cao tuổi là hạt nhân của phong trào khuyến học, khuyến tài; tích cực xây dựng quỹ khuyến học để biểu dương, khen thưởng con cháu có thành tích học tập, tu dưỡng tốt.
Nội dung cốt lõi của "Ngày truyền thống Người cao tuổi Việt Nam" là dịp để lớp người cao tuổi ôn lại và khắc sâu niềm tự hào về những đóng góp của mình đối với đất nước, với sự nghiệp cách mạng của dân tộc, từ đó phát huy vai trò của người cao tuổi trong giai đoạn mới của đất nước, xứng đáng với 18 chữ vàng mà Đảng đã trao tặng cho lớp người cao tuổi hiện nay: "Tuổi cao chí càng cao, nêu gương sáng vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".
Nhiều người cao tuổi có điều kiện đã tiếp tục tham gia quản lý, giảng dạy ở các trường tư thục mầm non, phổ thông, đại học. Nhiều người cao tuổi là nhà khoa học, nghệ nhân văn hóa vẫn tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm có giá trị cao; giữ gìn, trao truyền nghề nghiệp, văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ.
Tuy nhiên, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng già hóa dân số nhanh, thời kỳ "dân số vàng" chưa qua nhưng thời kỳ "dân số già" đã ập tới, trong khi nền kinh tế chưa phát triển. Chúng ta già hóa dân số trước khi giàu. Điều đó đặt ra cho Nhà nước và xã hội nhiều vấn đề cần giải quyết.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google