Ngành y tế Việt Nam có cần “trợ lý điều dưỡng” tại các khoa điều trị và chăm sóc bệnh nhân nặng?

H.Ngọc
15:42 - 23/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

“Trợ lý điều dưỡng” là một loại hình nhân viên y tế khá phổ biến tại nhiều nước trên thế giới. Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, việc có thêm trợ lý điều dưỡng sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho điều dưỡng viên, giúp họ an tâm và gắn bó với công việc.

Công việc trợ lý điều dưỡng phổ biến tại nhiều nước trên thế giới

Trợ lý điều dưỡng thực hiện các công việc chăm sóc sức khỏe cho những đối tượng như người già, người bệnh cần phục hồi sức khỏe sau chấn thương. So với vai trò của điều dưỡng viên, người trợ lý điều dưỡng có xu hướng chăm lo sức khỏe hàng ngày cho bệnh nhân, thực hiện các công việc như: hỗ trợ bệnh nhân trong việc di chuyển, vệ sinh cá nhân, ăn uống...

Trong tiếng Anh, “trợ lý điều dưỡng” được gọi là Certified Nursing Assistant (Mỹ), Nursing Associate (Anh) hoặc Nursing Aide (Singapore),…

Theo Sở y tế thành phố Hồ Chí Minh, tham khảo các hệ thống y tế các nước trên thế giới, loại hình nhân lực y tế trợ lý diều dưỡng xuất hiện tại Mỹ, Canada, Úc, Anh, Pháp, Đức, Thụy Điển, Đan Mạch, Hà Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và nhiều quốc gia khác.

Tại Mỹ, Certified Nursing Assistant (CNA) là một loại hình trợ lý điều dưỡng, có trách nhiệm hỗ trợ bác sĩ và điều dưỡng trong việc cung cấp dịch vụ chăm sóc người bệnh. CNA thường được bố trí làm việc trong các cơ sở y tế như bệnh viện, trung tâm chăm sóc sức khỏe, viện dưỡng lão và chăm sóc người bệnh tại nhà riêng của người bệnh. 

Ngành y tế Việt Nam có cần “trợ lý điều dưỡng” tại các khoa điều trị và chăm sóc bệnh nhân nặng? - Ảnh 1.

Trợ lý điều dưỡng là công việc phổ biến tại nhiều nước trên thế giới, giúp cải thiện chất lượng chăm sóc người bệnh và góp phần giảm bớt áp lực và tăng cường hiệu suất làm việc của điều dưỡng viên. Ảnh: Edgehill

CNA thực hiện các nhiệm vụ cơ bản như giúp bệnh nhân vệ sinh cá nhân, thay tã, đo huyết áp, đo nhiệt độ, giúp người bệnh đi lại, ăn uống,… CNA cũng có trách nhiệm báo cáo tình trạng của người bệnh cho các bác sĩ và điều dưỡng đang điều trị biết.

Để trở thành một CNA, cần hoàn thành khóa đào tạo và đạt chứng chỉ CNA của bang hoặc liên bang. Các khóa đào tạo CNA thường kéo dài từ 4 đến 12 tuần, tùy theo quy định của từng bang hoặc trường đào tạo. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo và đạt chứng chỉ, CNA có thể được tuyển dụng để làm việc trong các cơ sở y tế.

Tại Anh, Nursing Associate (NA) là tên gọi của loại hình trợ lý điều dưỡng. Để trở thành NA, phải mất khoảng 2 năm tham gia chương trình đào tạo. Chương trình bao gồm cả học lý thuyết và thực hành tại bệnh viện hoặc các cơ sở chăm sóc sức khỏe khác. 

Sau khi hoàn thành chương trình đào tạo, NA có thể thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc người bệnh cơ bản, giúp các bác sĩ và điều dưỡng trong chăm sóc người bệnh. Tuy nhiên, NA không có quyền thực hiện những nhiệm vụ chuyên môn phức tạp như điều dưỡng viên. Chương trình đào tạo NA được quản lý bởi Hội đồng điều dưỡng và hộ sinh.

Tại Nhật Bản, trợ lý điều dưỡng được gọi là "Nursing Care Worker" hoặc "Kaigo Hoken Rōdōsha". Để trở thành một Nursing Care Worker, cần hoàn thành khóa đào tạo chuyên ngành và đạt chứng chỉ "Nursing Care Work Certification" do Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản cấp. Khóa đào tạo này thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm tại các trường đào tạo Nursing Care Worker được chính phủ công nhận. 

Trong suốt quá trình học tập, học viên sẽ được học cách cung cấp các dịch vụ chăm sóc cơ bản cho người già, người khuyết tật hoặc người bệnh, bao gồm tắm rửa, đổi tã, giúp ăn uống, giúp vệ sinh cá nhân và hỗ trợ trong việc vận hành các thiết bị hỗ trợ. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, Nursing Care Worker có thể làm việc tại các cơ sở chăm sóc sức khỏe hoặc tại các gia đình của người bệnh.

Tại Singapore, trợ lý điều dưỡng được gọi là "Nursing Aides". Để trở thành một Nursing Aide, người đó cần hoàn thành một khóa đào tạo kéo dài khoảng 6 - 12 tuần. Khóa đào tạo này bao gồm một phần học lý thuyết và một phần thực hành. 

Nội dung đào tạo bao gồm các kỹ năng cơ bản về chăm sóc người bệnh, bao gồm cách đo huyết áp, lấy mẫu máu, sơ cứu, vệ sinh cá nhân, giúp người bệnh vận động và chăm sóc vết thương. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, Nursing Aides sẽ được cấp chứng chỉ để làm việc trong các cơ sở y tế. Tuy nhiên, họ phải làm việc dưới sự giám sát của các điều dưỡng có trình độ cao hơn.

Tại Trung Quốc, trợ lý điều dưỡng được đào tạo tại các trường cao đẳng y tế, các trường dạy nghề y tế, hoặc các trung tâm đào tạo của các bệnh viện. 

Khóa đào tạo thường kéo dài từ 6 tháng đến 1 năm, và đào tạo các kỹ năng cơ bản của người làm công tác trợ lý điều dưỡng, bao gồm kỹ năng về vệ sinh cá nhân, chăm sóc bệnh nhân và giúp đỡ người bệnh làm các thủ tục về y tế. Sau khi hoàn thành khóa đào tạo, các sinh viên sẽ nhận được chứng chỉ hoặc bằng cấp tương đương để tham gia vào ngành y tế làm việc.

Ngành y tế Việt Nam đang gặp khó khăn về nhân lực

Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh cho biết, mặc dù khá phổ biến ở các nước trên thế giới nhưng hiện chưa có vị trí "trợ lý điều dưỡng" trong hệ thống y tế tại Việt Nam. Thực tế cho thấy việc có thêm loại hình nhân lực y tế là trợ lý điều dưỡng tại các quốc gia này đã giúp cải thiện chất lượng chăm sóc người bệnh và góp phần giảm bớt áp lực và tăng cường hiệu suất làm việc của điều dưỡng viên tại các khoa có người bệnh nặng.

Hiện nay, hệ thống y tế Việt Nam đang đứng trước khó khăn trước xu thế khó tuyển dụng nhân lực điều dưỡng của các bệnh viện để bổ sung vào các vị trí chăm sóc người bệnh tại các khoa lâm sàng nội trú, đặc biệt là các khoa bệnh nặng (như Câp cứu, Hồi sức,…). Bên cạnh chế độ, chính sách chưa phù hợp với áp lực ngành nghề; còn do khó khăn, bất cập trong việc nâng chuẩn trình độ của điều dưỡng, hộ sinh lên trình độ cao đẳng. Theo lộ trình, đến năm 2025, toàn bộ điều dưỡng phải có trình độ từ cao đẳng trở lên.

Kể từ sau đại dịch COVID-19, các bệnh viện công lập tại thành phố Hồ Chí Minh đang thiếu hụt điều dưỡng trầm trọng. Trước thực trạng này, ngành Y tế thành phố Hồ Chí Minh đề xuất bổ sung chức danh Trợ lý điều dưỡng trong Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) để phần nào tháo gỡ khó khăn về nhân lực hiện nay.

Theo Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, ngoài sửa đổi, bổ sung các chính sách để ổn định thu nhập cho điều dưỡng, việc có thêm loại hình “trợ lý điều dưỡng” sẽ góp phần giảm bớt áp lực cho điều dưỡng viên, giúp họ an tâm và gắn bó với công việc. Nếu cần xem xét ưu tiên về nguồn lực thì các khoa cần chăm sóc toàn diện người bệnh như khoa Hồi sức tích cực, khoa Cấp cứu, các khoa chuyên khoa cần cách ly người bệnh cần được ưu tiên triển khai trước.


Bình luận của bạn

Bình luận