Ngành ngân hàng đồng hành tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp tại Hà Nội
Ngân hàng Nhà nước vừa phối hợp với UBND thành phố Hà Nội tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội nhằm đẩy mạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Cụ thể, ngày 21/9, Tại Hà Nội, Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã diễn ra với sự tham dự của các cán bộ lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và UBND thành phố Hà Nội cùng đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, 200 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Đẩy mạnh tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng trên địa bàn thành phố Hà Nội
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, trong năm 2022, trước những khó khăn chưa từng có trong tiền lệ, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng ở mức cao, lạm phát trong tầm kiểm soát, thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, tỷ giá, lãi suất được điều hành phù hợp, VND là một trong những đồng tiền ổn định trên thế giới và khu vực, mặt bằng lãi suất giảm dần… những thành quả đó được các nhà đầu tư trong nước, thế giới ghi nhận.
Bước sang năm 2023, bối cảnh trong nước đang ở giai đoạn vô cùng khó khăn, thách thức. Những tác động từ trong và ngoài nước khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm chậm lại.đã làm giảm khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp, khiến tăng trưởng tín dụng chậm. Do vậy, việc điều hành chính sách tiền tệ cũng không nằm ngoài thách thức đó.
Tuy nhiên, với tinh thần đồng hành, chia sẻ khó khăn với người dân, doanh nghiệp, quyết liệt thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tăng khả năng tiếp cận tín dụng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã tập trung điều hành linh hoạt, chủ động các công cụ chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường tiền tệ, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng; Điều hành giảm lãi suất để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế; Điều hành tín dụng phù hợp, đảm bảo cung ứng vốn cho nền kinh tế; Rà soát, hoàn thiện thể chế pháp luật trong hoạt động cấp tín dụng phù hợp với xu thế phát triển của nền kinh tế, nâng cao khả năng tiếp cận tín dụng ngân hàng; Chủ động triển khai nhiều giải pháp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận tín dụng trong một số ngành, lĩnh vực chủ chốt (như bất động sản, nông sản xuất khẩu chủ lực, công nghiệp và xây dựng, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã,...); Ban hành chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ; đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp trên toàn quốc, các hội nghị chuyên đề, hội nghị vùng,…
Tăng cường các hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp
Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh chia sẻ, năm 2023 là năm rất quan trọng. Hà Nội là trung tâm kinh tế, nơi đóng trụ sở của các Tập đoàn Kinh tế và các ngân hàng, do đó, Hội nghị kết nối ngân hàng - doanh nghiệp rất có ý nghĩa và quan trọng.
Chủ tịch Trần Sỹ Thanh cho biết, 9 tháng năm 2023 kinh tế cả nước và Hà Nội đã vượt qua nhiều khó khăn thách thức. Thu ngân sách đạt trên 83%, đầu tư công đạt 53%... trong đó có sự đóng góp không nhỏ của người dân, doanh nghiệp và ngành Ngân hàng. Hà Nội lập tổ công tác tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cả về thủ tục, cả về tạo thị trường để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh tốt hơn.
Cho rằng trong ngân hàng chi phí tài chính là quan trọng, tuy nhiên, lãnh đạo Thành phố Hà Nội rất mong Ngân hàng Nhà nước có hướng dẫn các ngân hàng cải cách hành chính, thủ tục phù hợp để doanh nghiệp dễ tiếp cận.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, ngay từ đầu năm 2023 Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2023 khoảng 14-15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Riêng trên địa bàn Thành phố Hà Nội, đến cuối tháng 8/2023, dư nợ tín dụng trên địa bàn ước đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 10,35% so với cuối 2022 (cao hơn mức tăng toàn quốc 5,56%, cao hơn mức tăng trưởng của vùng Đồng bằng sông Hồng 8,35%); quy mô tín dụng của Thành phố đứng thứ 2 toàn quốc.
Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, mặc dù toàn ngành Ngân hàng đã nỗ lực thực hiện các chủ trương, chính sách, giải pháp, trong đó nhiều giải pháp được thực hiện bằng chính nguồn lực của tổ chức tín dụng, song việc cung ứng và tiếp cận tín dụng của các doanh nghiệp trên cả nước nói chung và trên địa bàn Hà Nội nói riêng hiện vẫn còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản; sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...)
Ngân hàng Nhà nước và ngành Ngân hàng luôn chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng chia sẻ, hiện nay, Luật tổ chức tín dụng quy định các tổ chức tín dụng yêu cầu khách hàng vay vốn phải cung cấp tài liệu chứng minh phương án dự án khả thi, khả năng tài chính để đảm bảo khả năng trả nợ, mục đích sử dụng vốn đúng mục đích. Thông tư hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước cũng quy định như vậy.
Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản đảm bảo (thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ). Ngân hàng Nhà nước cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản đảm bảo và không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn.
Yêu cầu đẩy mạnh triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, Thống đốc đề nghị các ngân hàng rà soát, thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian tiếp cận vốn cho doanh nghiệp, tiết giảm chi phí, giảm lãi suất, cơ cấu lại thời hạn trả nợ, tham mưu để có thể điều chỉnh tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, đồng thời đảm bảo an toàn hệ thống.
Cùng với đó, chủ động xây dựng các chương trình, sản phẩm tín dụng với lãi suất hợp lý, đáp ứng nhu cầu của nhiều đối tượng, phân khúc khách hàng.
Mặt khác, thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về các sản phẩm dịch vụ,chính sách hỗ trợ đối với khách hàng và các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng nhằm nâng cao sự hiểu biết và tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội. Đăng tải đầy đủ, kịp thời các chương trình, chính sách của ngân hàng triển khai để khách hàng nắm bắt đầy đủ thông tin về chương trình, sản phẩm cho vay của khách hàng, cũng như cách thức tiếp cận vốn.
Để ngành Ngân hàng trên cả nước nói chung và Thành phố Hà Nội nói riêng có thể triển khai hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước mong nhận được sự quan tâm, phối hợp triển khai đồng bộ các giải pháp từ phía UBND Thành phố, các đơn vị và doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.
Trong đó, về phía các doanh nghiệp cần chủ động phối hợp với các tổ chức tín dụng cung cấp đầy đủ, minh bạch thông tin về tình hình tài chính, hoạt động doanh nghiệp để các tổ chức tín dụng có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.
Các doanh nghiệp nhỏ và vừa cần nâng cao năng lực quản trị điều hành, xây dựng các phương án, dự án sản xuất kinh doanh khả thi, minh bạch tình hình tài chính… để các tổ chức tín dụng có cơ sở thẩm định, quyết định cho vay. Cùng với đó, doanh nghiệp cũng cần tăng khả năng tiếp cận các nguồn vốn từ các kênh huy động khác (như phát hành cổ phiếu, trái phiếu…) để nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Khẳng định tinh thần đồng hành, chia sẻ cùng người dân, doanh nghiệp, ngành Ngân hàng sẵn sàng triển khai các giải pháp tháo gỡ khó khăn, đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phát triển kinh tế trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hy vọng với những giải pháp của ngành ngân hàng và sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Thành ủy, UBND, HĐND, cùng với các Sở, ban, ngành, các Hội, hiệp hội sẽ giúp người dân, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội bền vững.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google