Ngăn chặn nguy cơ virus bại liệt hoang dại xâm nhập Việt Nam

Hồng Ngọc
09:38 - 11/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Trong năm 2021, 2022, tỉ lệ tiêm các vaccine bại liệt thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thế giới đã ghi nhận trường hợp virus bại liệt hoang dại từ các nước lưu hành lây sang quốc gia đã thanh toán bại liệt.

Lo ngại nguy cơ bệnh bại liệt hoang dại xâm nhập Việt Nam  

Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế) vừa có văn bản gửi các địa phương về việc tiêm vaccine IPV (phòng bại liệt) cho trẻ sinh năm 2021 - 2022.

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong năm 2021, 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã phải tạm dừng triển khai tiêm chủng thường xuyên nên tỉ lệ tiêm chủng nhiều loại vaccine ở nước ta đạt mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.

Ngăn chặn nguy cơ bệnh bại liệt hoang dại xâm nhập Việt Nam - Ảnh 1.

Trẻ uống vaccine phòng bại liệt. Ảnh: WHO

Trong đó, tỉ lệ uống vaccine bOPV (vaccine phòng bại liệt đường uống) và tiêm IPV của cả năm 2021 chỉ đạt 69,4% và 80,4%; năm 2022 đạt 70,1% và 89,2%. Tỉ lệ tiêm IPV mũi 2 đạt 73%, dẫn đến nhu cầu sử dụng các vaccine này giảm so với kế hoạch, tăng số lượng tồn vaccine IPV hạn sử dụng ngắn tại các tuyến.

Trên thế giới, tỉ lệ tiêm các vaccine bại liệt cũng thấp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thế giới đã ghi nhận trường hợp virus bại liệt hoang dại từ các nước lưu hành lây sang quốc gia đã thanh toán bại liệt. Virus bại liệt hoang dại là virus sống trong tự nhiên, phân biệt với các virus lưu hành có nguồn gốc từ vaccine, tồn trong phân trẻ em.

Trong kỳ họp tháng 11/2022, Ủy ban xác nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã xếp loại Việt Nam từ nhóm các quốc gia nguy cơ thấp sang nhóm các quốc gia có nguy cơ cao xâm nhập bại liệt hoang dại hoặc xuất hiện các ca bại liệt do virus biến đổi di truyền.

Ủy ban khuyến cáo Việt Nam cần khẩn trương khôi phục tỉ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vaccine bại liệt, sởi, rubella. Đồng thời triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng có nguy cơ cao.

Tiêm bổ sung vaccine phòng bại liệt cho trẻ sinh năm 2021 và 2022  

Ngày 27/2/2023, WHO và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cũng đã có thư gửi Chương trình tiêm chủng mở rộng đề nghị tăng cường các hoạt động tiêm bù mũi vaccine bại liệt cho trẻ chưa được tiêm chủng hoặc chưa tiêm chủng đủ mũi năm 2021 và 2022, nhằm tạo miễn dịch đầy đủ trước nguy cơ cao dịch bệnh xâm nhập vào Việt Nam.

Trước đó, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết đã có văn bản đề nghị rà soát và đề xuất đối tượng, nhu cầu vaccine IPV để triển khai tiêm bổ sung cho trẻ sinh năm 2021 và 2022 chưa tiêm đủ 2 mũi có thành phần bại liệt. Số vaccine IPV hiện có hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu triển khai của các tỉnh, thành phố.

Nhằm duy trì thành quả thanh toán bệnh bại liệt tại Việt Nam phù hợp chiến lược của tổ chức WHO khu vực Tây Thái Bình Dương và để sử dụng hiệu quả số vaccine IPV do Liên minh toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) viện trợ, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình tiêm chủng mở rộng đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức tiêm vaccine IPV cho trẻ chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine có thành phần bại liệt.

Thời gian tiêm là quý II/2023, cho đối tượng trẻ em sinh trong năm 2021 và 2022. 

Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để chủ động bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và sử dụng hiệu quả vaccine, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật các tỉnh, thành phố khẩn trương triển khai thực hiện hoạt động tiêm vaccine IPV cho trẻ em theo kế hoạch.

Thông tin về bệnh bại liệt  

Bệnh bại liệt (Poliomyelitis) là một bệnh nhiễm virus cấp tính lây truyền theo đường tiêu hóa do virus Polio gây nên, thường từ phân, miệng, có thể lây lan thành dịch. Bệnh được nhận biết qua biểu hiện của hội chứng liệt mềm cấp. Từ sốt, buồn nôn, táo bón,… bệnh có thể dẫn đến suy dinh dưỡng, mất nước, viêm phổi, teo cơ, tê liệt, cơ thể trở nên mệt mỏi và kiệt sức, khó thở,… liệt cơ hô hấp rồi tử vong. Bệnh chủ yếu ảnh hưởng đến trẻ em dưới 5 tuổi. 

Ngăn chặn nguy cơ bệnh bại liệt hoang dại xâm nhập Việt Nam - Ảnh 4.

Virus Polio gây bệnh bại liệt. Ảnh: Black Health Matters

Dù chỉ có 1% người mắc bệnh biểu hiện triệu chứng liệt điển hình, bệnh bại liệt có thể gây liệt tủy sống hoặc liệt cơ hô hấp dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng tàn tật suốt đời.

Bệnh bại liệt đã có từ rất lâu trong lịch sử loài người. Chỉ tính từ đầu thế kỷ 20, bệnh dịch đã xảy ra ở hầu hết các châu lục. Từ năm 1955 - 1960 khi có vaccine bất hoạt và vaccine sống giảm độc lực thì tỉ lệ mắc và tử vong di bại liệt đã giảm đáng kể. Tuy nhiên, ở các nước đang và kém phát triển bại liệt vẫn còn là thách thức lớn tới sức khoẻ loài người đặc biệt ở trẻ em. Theo Tổ chức Sáng kiến thanh toán bệnh bại liệt toàn cầu (GPEI), hiện nay, bệnh bại liệt vẫn còn lưu hành ở 2 quốc gia Afghanistan và Pakistan. Tất cả các quốc gia vẫn có nguy cơ mắc bệnh bại liệt cho đến khi căn bệnh này được loại bỏ hoàn toàn khỏi thế giới.

Tại Việt Nam, trước khi có vaccine, đã xảy ra các dịch bại liệt lớn vào năm 1957 - 1959. Từ năm 1962, khi Việt Nam chế tạo thành công vaccine bại liệt sống giảm độc lực Sabin (OPV) thì tỉ lệ mắc và tử vong đã giảm đáng kể. Sau thống nhất đất nước 1975, Chương trình tiêm chủng mở rộng được triển khai hiệu quả, gần 100% trẻ em được uống vaccine bại liệt. Đến năm 2000, WHO tuyên bố Việt Nam đã thành công thanh toán bệnh bại liệt trên toàn quốc.


Bình luận của bạn

Bình luận