Nga dừng cấp khí đốt cho Hà Lan, giá dầu tăng

T.A (tổng hợp)
13:33 - 31/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tiếp theo Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan bị Gazprom đình chỉ xuất khẩu khí đốt, hôm qua, ngày 30/5, Gazprom cho biết sẽ dừng cung cấp khí đốt sang Hà Lan từ 31/5.

Dừng xuất khẩu khí đốt sang Hà Lan

Tiếp theo Bulgaria, Ba Lan và Phần Lan bị Gazprom đình chỉ xuất khẩu khí đốt, Gazprom cho biết sẽ dừng cung cấp khí đốt sang Hà Lan từ 31/5 nếu các khoản thanh toán không được thực hiện bằng đồng rúp.

Nga dừng cấp khí đốt cho Hà Lan, giá dầu tăng - Ảnh 1.

Gazprom cho biết sẽ dừng cung cấp khí đốt sang Hà Lan từ 31/5. Ảnh: Reuters/VOV

Ngày 30/5, Gazprom Export của Nga thông báo sẽ tạm ngừng cung cấp khí đốt cho GasTerra của Hà Lan từ ngày 31/5 do các đợt giao hàng vào tháng 4 vẫn chưa được thanh toán và công ty này chối thanh toán bằng đồng rúp.

"Tính đến cuối ngày làm việc 30/5 (thời hạn thanh toán theo quy định của hợp đồng), Gazprom Export vẫn chưa nhận được khoản thanh toán từ GasTerra cho đợt cung cấp khí đốt vào tháng 4. Về vấn đề này, Gazprom Export đã thông báo cho GasTerra về việc ngừng cung cấp khí đốt từ ngày 31/5 cho đến khi việc thanh toán được thực hiện theo quy trình đã nêu" công ty năng lượng của Nga cho biết trong một tuyên bố.

Trước đó, Công ty GasTerra của Hà Lan đã thông báo với Gazprom Export rằng họ không có ý định thanh toán tiền mua khí đốt bằng đồng rúp, cho rằng làm như vậy sẽ vi phạm các lệnh trừng phạt của phương Tây.

Theo dữ liệu hải quan, Nga xuất khẩu khoảng 6,7 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên sang Hà Lan trong năm 2021.

Đan Mạch cũng phải đối mặt với việc cắt giảm nguồn cung sau khi từ chối nhu cầu thanh toán bằng đồng tiền của Nga.

Giá dầu thế giới tiếp tục tăng

Theo Oilprice, lúc 6 giờ 5 phút ngày 31-5 (giờ Việt Nam), giá dầu thô WTI của Mỹ giao tháng 6 được giao dịch ở mức 117,5 USD/thùng, tăng 2,40 USD, tương đương 2,09%.

Cùng thời điểm, giá dầu Brent giao tháng 7 được giao dịch ở mức 121,7 USD/thùng, tăng 2,24 USD, tương đương 1,88%.

Reuters đưa tin, trong phiên giao dịch ngày 30-5, giá dầu đã tăng lên mức hơn 121 USD/thùng, chạm mức cao nhất trong hai tháng qua khi Trung Quốc bắt đầu nới lỏng các hạn chế ngăn ngừa sự lây lan của Covid-19.

Giá dầu tăng bất chấp việc EU không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào giữa các thành viên về lệnh cấm khai thác dầu thô của Nga, trong khi Hungary vẫn đang tiếp tục đàm phán để đạt các điều khoản tốt hơn.

Bất kỳ lệnh cấm nào nữa đối với dầu của Nga cũng sẽ thắt chặt thị trường dầu thô vốn đã căng thẳng về nguồn cung trong bối cảnh nhu cầu xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay tăng cao trước nhu cầu cao điểm vào mùa hè ở Mỹ và châu Âu.

Khẳng định sự thắt chặt của thị trường, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) sẽ từ chối các lời kêu gọi của phương Tây đẩy mạnh tăng sản lượng khi nhóm họp vào ngày 2-6 tới.

Reuters dẫn  nguồn tin của OPEC+ cho thấy tổ chức này vẫn sẽ duy trì kế hoạch tăng sản lượng 432.000 thùng dầu/ngày cho tháng 7.

Các chuyên gia cho rằng, đà tăng của giá dầu thô hiện nay chủ yếu do nhu cầu sử dụng nhiên liệu và các sản phẩm chế xuất từ dầu thô trên toàn cầu đang tăng mạnh.